Tham dự và đồng chủ trì Hội thảo có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành. Tham dự Hội thảo còn có lãnh đạo các Bộ, ban, ngành; Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND các tỉnh trực thuộc Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học…
Phát biểu Khai mạc Hội thảo, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, trong quá trình xây dựng phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, hoàn thiện chính sách dân tộc để thúc đẩy phát triển về mọi mặt đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, bảo đảm công bằng xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng, miền của cả nước. Các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực công tác dân tộc đã bao trùm toàn diện mọi mặt đời sống của đồng bào DTTS và vùng miền núi, vùng khó khăn.
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, từ sau Đại hội VI đến nay, Đảng ta đã ban hành hơn 90 văn bản liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc, trong đó có các nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết số 22 của của Bộ Chính trị khóa VI về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi; Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/03/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc và Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.
Bên cạnh những chính sách dân tộc quy định tại Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã thông qua hơn 90 Luật và hơn 50 Nghị quyết liên quan đến chính sách dân tộc. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành ban hành hơn 640 văn bản có quy định về dân tộc, chính sách dân tộc. Hiện nay, theo kế hoạch công tác, Ủy ban Dân tộc và Hội đồng Dân tộc cũng đang tiếp tục nghiên cứu để đề xuất xây dựng một đạo luật về lĩnh vực dân tộc nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, các quy định của Hiến pháp về dân tộc và chính sách dân tộc, điều chỉnh toàn diện các mối quan hệ xã hội về dân tộc, tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển các dân tộc và vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Mặc dù khối lượng chính sách, pháp luật về dân tộc lớn, tương đối toàn diện, bao trùm các mặt của đời sống kinh tế - xã hội và đang liên tục được hoàn thiện theo yêu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên, trong quá trình hoạch định chính sách, áp dụng pháp luật, thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước, vẫn còn những vướng mắc nhất định liên quan đến các thuật ngữ, khái niệm, tiêu chí trong lĩnh vực dân tộc và trong phân định các vùng đồng bào DTTS, miền núi, vùng cao, vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn; vùng sâu, vùng xa; vùng biên giới, hải đảo...
“Hội thảo hôm nay là diễn đàn hết sức quan trọng để Hội đồng Dân tộc, cũng như các cơ quan của Chính phủ, các địa phương đại diện các khu vực, các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận về cơ sở chính trị, cơ sở khoa học, nội hàm một số thuật ngữ, khái niệm, việc áp dụng trong hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến vấn đề dân tộc và phân định vùng DTTS và miền núi trong tình hình hiện nay, phục vụ công tác quản lý nhà nước và định hướng cho việc xây dựng Luật về lĩnh vực dân tộc”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm cho biết, từ thực tiễn triển khai thực hiện công tác dân tộc và các chính sách, pháp luật về dân tộc ở địa phương, tỉnh Tuyên Quang nhận thấy, việc tổ chức Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng. Đây sẽ là diễn đàn để các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia đánh giá, trao đổi và làm rõ hơn các thuật ngữ, khái niệm, tiêu chí xác định, phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi, đảm bảo tính thống nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về dân tộc trong thời gian tới.
Vinh dự là địa phương được lựa chọn địa điểm tổ chức Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm bày tỏ, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Hội thảo thành công tốt đẹp. Đây là cơ hội để tỉnh tiếp thu, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách của địa phương cũng như xác định nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp phù hợp và tổ chức thực hiện hiệu quả hơn công tác dân tộc nói chung và các cơ chế, chính sách đối với vùng DTTS nói riêng.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm tin tưởng rằng, kết quả của hội thảo là cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn quan trọng để hoàn thiện khung nghiên cứu xây dựng Luật Dân tộc bảo đảm thiết thực, hiệu quả, góp phần bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng chuẩn bị và xây dựng các dự án luật của Quốc hội.
Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, trong phạm vi của Hội thảo có hai vấn đề được đặt ra, đó là nghiên cứu và luận giải ở góc độ khoa học một số khái niệm mà hiện nay đang sử dụng; một số tiêu chí phân định đang áp dụng để thực hiện chính sách hiện nay.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, cuộc hội thảo này rất quan trọng để củng cố thêm luận cứ về cơ sở khoa học và thực tiễn. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các viện nghiên cứu, các chuyên gia, đặc biệt là người làm công tác cơ sở… Để giúp cho Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan tham mưu cho chính phủ, quốc hội có được những thông số, các thông tin đánh giá chính xác để khi báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền một hệ thống tiêu chí mới trên tinh thần bao phủ, không bỏ sót địa bàn và đối tượng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia, các viện nghiên cứu tham gia Hội thảo trao đổi thẳng thắng, hết mình, nêu ra những vấn đề khó khăn và quan trọng nhất là đề xuất những giải pháp hiệu quả để sau Hội thảo, Ủy ban Dân tộc Chính phủ, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội có căn cứ và có những cách làm hiệu quả nhất.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã có nhiều tham luận, nhiều bài nghiên cứu có giá trị, nhiều nội dung được đại biểu quan tâm với những kiến thức khoa học, kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý nhà nước về dân tộc, tập trung vào các nội dung chính: Cơ sở khoa học, tính thống nhất, nội hàm của các thuật ngữ, khái niệm trong công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đang được sử dụng trong thực tiễn áp dụng pháp luật và quản lý nhà nước về công tác dân tộc hiện nay; các tiêu chí phân định vùng DTTS, vùng miền núi, vùng cao, vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và việc áp dụng trong hệ thống chính sách, pháp luật hiện nay.
Hội thảo diễn ra trong 2 ngày (ngày 11 - 12/4) với hơn 20 báo cáo của các ban, bộ ngành Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu… Chiều ngày 11/4, Hội thảo tập trung thảo luận và nghe trình bày báo cáo về việc xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục liên quan đến vùng DTTS và miền núi theo phân định đối tượng; việc xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách pháp luật về y tế liên quan đến DTTS và miền núi; việc áp dụng các đối tượng vùng trong văn bản quy phạm pháp luật về dân tộc hiện nay…