Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Xâm hại tình dục trẻ em vùng DTTS ở Gia Lai: Thực trạng nhức nhối (Bài 1)

Ngọc Thu - 19:43, 16/09/2022

Thời gian qua, tại tỉnh Gia Lai, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em vùng sâu, vùng đồng bào DTTS đang diễn biến phức tạp, gây bất bình trong Nhân dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh và trật tự xã hội tại địa phương.

2 Chị em Đ.T.V (xã Hà Ra, huyện Mang Yang) được đưa đến Trung tâm BTXHTH tỉnh Gia Lai chăm sóc, hiện nay đã ổn định tâm lý và vui chơi cùng bạn bè tại Trung tâm
2 Chị em Đ.T.V (xã Hà Ra, huyện Mang Yang) được đưa đến Trung tâm BTXHTH tỉnh Gia Lai chăm sóc, hiện nay đã ổn định tâm lý và vui chơi cùng bạn bè tại Trung tâm

Khi người thân biến thành “yêu râu xanh”

Nhắc đến 2 chị em Đ.T.V (sinh năm 2011) và Đ.T.V (sinh năm 2013),dân tộc Ba Na, người dân tại xã Hà Ra, huyện Mang Yang vẫn thương cảm và bức xúc, bởi 2 em bị chính cha ruột là Đinh Vép (sinh năm 1977, trú tại làng Bok Ayol, xã Hà Ra) xâm hại tình dục. Do mẹ mất sớm nên 2 em ở cùng cha trên rẫy. 

Tháng 7/2021, sau khi nhậu say về, Vép đã 2 lần thực hiện hành vi xâm hại tình dục 2 con ruột của mình. Sau khi thực hiện hành vi đồi bại, Vép còn dọa sẽ giết nếu 2 con nói cho người khác biết. Sau đó, hai chị em kể lại với bác ruột mình là bà T. Quá bức xúc và thương cháu, bà T. đã tìm đến chính quyền địa phương và Văn phòng Tư vấn trẻ em huyện Mang Yang để trình báo.

Tương tự, trường hợp em R.M.M. (8 tuổi, người Gia Rai, xã Ia Krai, huyện Ia Grai) cũng bị chính cha ruột xâm hại tình dục. Lợi dụng lúc cả nhà đi vắng, cha bé M. đã xâm hại em M. Sau khi người dân trong làng phát hiện vụ việc, em đã được cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ia Grai, UBND xã Ia Krai đưa đi khám, tư vấn tâm lý và đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội Tổng hợp (BTXHTH) tỉnh Gia Lai.

Hay mới đây, em Lý Thị Y.N (sinh năm 2008, dân tộc Mông, xã Lơ Ku, huyện Kbang) đã bị chính cha ruột Lý Văn Sùng, xâm hại tình dục trong gần 3 năm. Đến tháng 5/2022, khi người thân đưa em N. đi khám bệnh đã phát hiện ra N. đã mang thai 22 tuần tuổi. Quá sợ hãi vì tội lỗi của mình, ông Sùng đã đến Công an đầu thú. Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kbang đã chuyển vụ án đến Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh.

Thượng tá Trần Đăng Khoa, Phó Trưởng Công an huyện Kbang, cho biết: Qua điều tra, các vụ việc trên chủ yếu xảy ra tại vùng DTTS, giữa đối tượng xâm hại và nạn nhân thường có mối quan hệ thân quen. Do đó, trẻ em dễ nghe theo lời của đối tượng, bị đưa đến chỗ vắng để thực hiện hành vi xâm hại. Nhiều nạn nhân bị đe dọa nên không dám nói với người thân dẫn đến bị xâm hại nhiều lần. 

"Từ năm 2021 đến nay, Công an huyện Kbang, đã phát hiện 4 vụ xâm hại trẻ em. Trong đó, đã khởi tố 1 vụ án - 1 bị can, Toà án Nhân dân huyện tuyên phạt 7,5 tù giam, 1 vụ chuyển đến phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh", Thượng tá Trần Đăng Khoa thông tin.


Các cô ở Trung tâm BTXHTH tỉnh Gia Lai tận tâm chăm sóc trẻ em bị xâm hại tình dục
Các cô ở Trung tâm BTXHTH tỉnh Gia Lai tận tâm chăm sóc trẻ em bị xâm hại tình dục

Những con số đáng báo động

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 55 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Và chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh, xảy ra 26 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Các địa phương có nhiều trẻ em bị xâm hại tình dục: thành phố Pleiku, thị xã An Khê, huyện Chư Păh, Chư Prông, Kbang. Phần lớn trẻ em bị xâm hại ở độ tuổi 13 đến dưới 16 tuổi, sinh sống chủ yếu tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng người đồng bào DTTS.

Ông Võ Như Minh Quang, Trưởng phòng Chính sách xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai buồn bã nói: Tác động của những yếu tố tiêu cực trong xã hội dẫn đến một bộ phận người dân suy thoái về đạo đức, lối sống, nhất là những đối tượng không có nghề nghiệp, đua đòi, ăn chơi, mắc các tệ nạn xã hội...; các văn hóa phẩm độc hại phổ biến trên mạng xã hội dẫn đến dễ nảy sinh hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Trong khi đó, trẻ em, nhất là vùng DTTS, chưa được trang bị kiến thức về giới tính và kỹ năng tự bảo vệ trước nguy cơ bị xâm hại. 

Các hành vi xâm hại trẻ em dù bất kỳ hình thức nào cũng đều để lại hậu quả nặng nề, nghiêm trọng, lâu dài về thể chất, tinh thần đối với trẻ em và gia đình trẻ em bị xâm hại. Bác sĩ Hồ Mai Hoa, giảng viên Quốc gia chương trình sức khỏe sinh sản, Bộ Y tế cho biết: Đối với những trẻ em bị xâm hại, cơ thể trẻ sẽ bị tổn thương, nhiễm trùng bộ phận sinh dục. Về sức khoẻ sinh sản, đứa trẻ sẽ bị có thai, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai, sùi mào gà, HIV… 

Về tinh thần, trẻ em bị tổn thương nặng nề, hoảng loạn, trầm cảm, tâm thần và căm thù đối tượng xâm hại rồi tìm cách trả thù hoặc tự làm tổn thương bản thân. Về mặt xã hội, xâm hại tình dục trẻ em gây bức xúc, hoang mang trong dư luận, gây mất ổn định trật tự xã hội tại địa phương. 

Ngoài ra, hàng năm, Nhà nước phải chi rất nhiều kinh phí để thực hiện điều tra, xét xử các vụ xâm hại trẻ em và đặc biệt là hỗ trợ nạn nhân khắc phục những hậu quả do bị xâm hại. Các gia đình cũng không còn hạnh phúc, bình yên khi có trẻ bị xâm hại, trẻ em bị kỳ thị, rồi bỏ lỡ ước mơ, sự nghiệp bị dang dở…

Tin cùng chuyên mục
Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh hoạt động TGPL trong đồng bào DTTS.