Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

“Xanh hoá” nền kinh tế vùng đồng bào DTTS

Tùng Nguyên - 18:53, 28/07/2022

Chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đang là cơ hội để phát triển bền vững đất nước; vùng đồng bào DTTS và miền núi cũng đang chuyển mình để hòa nhịp cùng xu thế này. Nhưng với xuất phát điểm thấp, khu vực này cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ kịp thời để có cơ hội bình đẳng trong chuyển đổi xanh.

Mục tiêu chuyển đổi xanh được lồng ghép trong Chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc, kế tiếp là Chương trình 5 triệu ha rừng. (Ảnh minh họa)
Mục tiêu chuyển đổi xanh được lồng ghép trong Chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc, kế tiếp là Chương trình 5 triệu ha rừng. (Ảnh minh họa)

Xu thế tất yếu

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Một trong những nguyên nhân khiến biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, là hoạt động sản xuất phát thải carbon cao, gây hiệu ứng nhà kính. Đây là hệ quả tất yếu của nền kinh tế một chiều, hay còn gọi là nền kinh tế tuyến tính.

Lấy dẫn chứng trong sản xuất nông nghiệp, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, cho biết, trong nền kinh tế một chiều, tài nguyên thiên nhiên được sử dụng là nguyên liệu đầu vào, quá trình tổ chức sản xuất theo tuyến tính nhằm mục tiêu cốt lõi là năng suất sản phẩm. Nhưng năng suất càng cao cũng có nghĩa là tài nguyên càng bị khai thác nhiều.

Đơn cử như biện pháp trồng sắn xen ngô của người dân thôn Pi Ây 1, xã Quảng Nhâm (huyện An Lưới, Thừa Thiên – Huế). Toàn thôn có 40 ha đất màu, trong đó có 30 ha chuyên trồng ngô. Ngô là cây trồng truyền thống, người dân thôn Pi Ây 1 cũng biết thâm canh, nên năng suất cây ngô đạt bình quân 50 tạ/ha; đưa tổng doanh thu từ 30ha trồng ngô của thôn bình quân đạt khoảng 750 triệu đồng/vụ.

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, đã xuất hiện nhiều loại sâu bệnh, như sâu keo hại ngô gây thiệt hại năng suất, giảm thu nhập của nông dân. Ở huyện miền núi A Lưới, mùa mưa bão bắt đầu từ tháng 8 hàng năm nên việc trồng ngô 2 vụ rất khó thực hiện vì không có nắng để phơi, người dân lại chưa có máy sấy. Để tăng hiệu suất sử dụng đất, tiết kiệm công làm đất, cỏ và phân bón, người dân thôn Pi Ây 1 đã trồng sắn xen với ngô. Tuy nhiên, cách làm này khiến đất bạc màu, khô cứng, nghèo dinh dưỡng.

Từ dẫn chứng này, theo ông Hà Văn Thắng, có thể thấy rõ thách thức lớn của ngành nông nghiệp ở các vùng nông thôn và miền núi. Nhưng ông Thắng cũng nhận định, đây cũng là dư địa để chính quyền địa phương miền núi triển khai tổ chức lại sản xuất, cấu trúc lại các mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng mô hình kinh tế mới, như kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ trên nền tảng công nghệ số và công nghệ sinh học.

Thực tế, như khẳng định của ông Thắng, chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế phát triển tất yếu, một cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam, trong đó có vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đã khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”, “xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”. Ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”, trong đó nêu rõ quan điểm, mục tiêu cũng như đưa ra các nhiệm vụ giải pháp cụ thể.

Nhưng để “xanh hóa” nền kinh tế thì, một trong những giải pháp trọng tâm là ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học công nghệ, nhất là cuộc cách mạng 4.0; cùng với đó là nguồn lực tài chính đủ mạnh cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện kế hoạch chuyển đổi xanh. So với các vùng khác thì, trong tiến trình thực hiện mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh, vùng đồng bào DTTS và miền núi gặp nhiều bất lợi hơn cả. Do xuất phát điểm rất thấp nên vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ gặp nhiều trở ngại hơn trong thực hiện mục tiêu “xanh hóa” nền kinh tế.

Trồng xen canh để tăng giá trị sử dụng đất, tăng năng suất nhưng khiến đất dễ bạc màu
Trồng xen canh để tăng giá trị sử dụng đất, tăng năng suất nhưng khiến đất dễ bạc màu

Xây dựng chính sách hỗ trợ đặc thù

Phân tích về những khó khăn, thách thức của vùng nông thôn, miền núi khi tiến hành chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, PGS. TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường (Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam), nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, nhiều vùng nông thôn và khu vực miền núi sinh kế người dân còn gặp nhiều khó khăn. Phát triển “kinh tế xanh” phải gắn với xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội; đây là thách thức không nhỏ trong lựa chọn chính sách thực hiện kế hoạch hành động xanh.

Về huy động nguồn vốn cho thực hiện mục tiêu “xây dựng nền kinh tế xanh”, theo ông Chinh, mặc dù Việt Nam đã thoát khỏi ngưỡng của nước nghèo, nhưng tích luỹ quốc gia so với các nước đã phát triển còn thấp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình triển khai hướng tới nền kinh tế xanh thực hiện tăng trưởng xanh.

Liên quan đến thách thức chuyển đổi xanh trong sản xuất nông nghiệp ở vùng nông thôn, miền núi, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh, hiện chưa có nhiều mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững làm cơ sở phát triển hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn. Ví dụ, chưa có mô hình trung tâm vùng lõi có tính dẫn dắt, kết nối các nông hộ, nông trại; các dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp bền vững còn thiếu... Hiện tượng sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm còn rất phổ biến.

Trên thực tế, mục tiêu chuyển đổi xanh cho nền kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được triển khai lồng ghép trong nhiều chương trình, dự án, nhất là từ khi Chiến lược tăng trưởng xanh được phê duyệt tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25/9/2012. Chẳng hạn, đối với đầu tư từ ngân sách Nhà nước có Chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc, kế tiếp là Chương trình 5 triệu ha rừng…

 Trong lĩnh vực môi trường mức chi cho công tác bảo vệ môi trường hàng năm, là 1% tổng chi ngân sách và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng;… Tuy nhiên, vẫn chưa có “cú hích” thực sự về mặt chính sách để hỗ trợ vùng đồng bào DTTS và miền núi chuyển đổi xanh.

Thúc đẩy bình đẳng trong chuyển đổi nền kinh tế xanh ở vùng đồng bào DTTS
Thúc đẩy bình đẳng trong chuyển đổi nền kinh tế xanh ở vùng đồng bào DTTS

Một tin vui là, ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi xanh giai đoạn 2021 – 2030, tại Quyết định số 882/QĐ-TTg. Kế hoạch đặt ra 18 nhóm nhiệm vụ, trong đó có nhóm nhiệm vụ thực hiện bình đẳng trong chuyển đổi xanh (nhóm nhiệm vụ thứ 7).

Trong nhóm nhiệm vụ này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, phải bảo đảm các nhóm đối tượng khác nhau, nhất là các nhóm yếu thế (phụ nữ, trẻ em, người DTTS, người nghèo, người khuyết tật, người già) được tiếp cận bình đẳng các cơ hội, thông tin, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ xã hội cơ bản, phù hợp với các lĩnh vực, việc làm mới trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Để triển khai nhiệm vụ này, các bộ ngành, địa phương khẩn trương rà soát, xây dựng và bổ sung các chính sách ưu đãi, hỗ trợ các nhóm yếu thế trong quá trình chuyển đổi.

Trong nhóm nhiệm vụ 7 của Kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi xanh giai đoạn 2021 – 2030, Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ tích hợp và thúc đẩy thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các nhóm yếu thế và các nhóm bị ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đồng thời, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các bộ ngành liên quan rà soát, xây dựng và bổ sung các chính sách ưu đãi, hỗ trợ các nhóm yếu thế trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.