Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Xây dựng Nông thôn mới ở các huyện vùng cao Nghệ An - Khó khăn trăm bề: Chật vật để đạt các tiêu chí (Bài 2)

Thanh Nguyễn - 09:27, 06/07/2024

Ngoài Quế Phong, 4 huyện vùng cao còn lại gồm Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu, Con Cuông, tỉnh Nghệ An cũng đang ì ạch, chật vật để thực hiện một số tiêu chí trong xây dựng NTM. Và câu chuyện địa bàn trải dài, thiếu nguồn lực thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo cao, tăng trưởng kinh tế chậm… đang tiếp diễn như một điệp khúc “biết rồi, khổ lắm nói mãi”.

Quỳ Châu là huyện vùng cao ở Nghệ An mới chỉ có 2 xã đạt chuẩn NTM - Trong ảnh: một góc thị trấn huyện Tân Lạc huyện Quỳ Châu
Quỳ Châu là huyện vùng cao ở Nghệ An mới chỉ có 2 xã đạt chuẩn NTM (Trong ảnh: một góc thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu)

Mục tiêu chưa đạt như kỳ vọng

Lũy kế đến tháng 6 năm 2024, toàn huyện Kỳ Sơn có 1 xã đạt chuẩn NTM là Hữu Kiệm, 11 xã đạt từ 10-15 tiêu chí, 8 xã đạt từ 7-9 tiêu chí. Trong giai đoạn xây dựng NTM từ 2021-2025, Kỳ Sơn có 3 xã nằm trong lộ trình đạt chuẩn là Nậm Cắn, Tà Cạ, Hữu Lập. Nhưng hết tháng 6 năm 2024, xã Nậm Cắn còn 4 tiêu chí chưa đạt, xã Tà Cạ còn 7 tiêu chí chưa đạt, xã Hữu Lập còn 6 tiêu chí chưa đạt.

Ở huyện Tương Dương, tiến độ xây dựng NTM vẫn chậm, chưa đạt như kỳ vọng đề ra từ đầu nhiệm kỳ. Hiện tại, Tương Dương có 4 xã đạt chuẩn NTM là Tam Thái, Tam Quang, Tam Đình, Xá Lượng; 6 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 6 xã đạt từ 5-9 tiêu chí. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu, phấn đấu 4 xã đạt chuẩn NTM, và 20-26 bản đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, các xã còn lại đạt 3 tiêu chí trở lên. Nhưng đến nay, mới chỉ có 5 bản đạt chuẩn NTM, không có thêm xã đạt chuẩn NTM, không có xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Thực tế cho thấy, các huyện vùng cao xứ Nghệ nằm trên địa bàn có tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm, thiếu bền vững; sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu là tự cung tự cấp; đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa còn nhiều hạn chế; kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập; bên cạnh đó, an ninh trật tự khu vực biên giới còn tiềm ẩn phức tạp…Đặc biệt nữa, các địa phương thường xuyên phải chịu ảnh hưởng, thiệt hại từ thiên tai lũ lụt. Đó là những lý do chính dẫn đến số xã đạt chuẩn NTM chưa được như kỳ vọng.

Đường vào hai bản Búng và Cò Phạt thuộc xã Môn Sơn, huyện Con Cuông hãy còn rất gian nan
Đường vào hai bản Búng và Cò Phạt thuộc xã Môn Sơn, huyện Con Cuông hãy còn rất gian nan

Qua thống kê của Văn phòng điều phối NTM Nghệ An, đến ngày 10/6/2024, trên địa bàn 5 huyện vùng cao có 10 xã/71 xã đạt chuẩn NTM, đạt 14,08%. Cụ thể, huyện Tương Dương có 4 xã, Con Cuông có 3 xã, Quỳ Châu có 2 xã, Kỳ Sơn có 1 xã và Quế Phong chưa có xã nào đạt chuẩn NTM.

 Bình quân tiêu chí của các huyện là 12-13 tiêu chí/xã. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao, 5 huyện vùng cao này có tỷ lệ hộ nghèo tính đến hết năm 2023 còn 32,28%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 20,77%... 

Đại diện Văn phòng điều phối NTM Nghệ An chia sẻ: Thực tế sau nhiều năm thực hiện, kết quả xây dựng NTM ở các huyện vùng cao vẫn còn thấp so với các huyện vùng đồng bằng, và chưa đạt như kỳ vọng đề ra.

Về nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thôn, bản, xã đạt chuẩn NTM còn thấp, thông tin của Văn phòng điều phối NTM Nghệ An: Có nguyên nhân xuất phát từ tâm lý của một bộ phận người dân các vùng khu vực III, khu vực II, sợ sau khi đạt chuẩn NTM, thì sẽ áp dụng chính sách của xã khu vực I, như vậy sẽ không còn các chế độ chính sách như cũ.

 Chưa kể, có nguyên nhân một số xã chủ yếu đang tập trung nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, trong khi một số nội dung như phát triển sản xuất, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Một số địa phương mới chú trọng thực hiện các nội dung tiêu chí NTM do cấp xã đảm nhận, chưa thực sự quan tâm đầy đủ việc thực hiện các nội dung ở cấp thôn, bản và hộ gia đình.

Các tiêu chí khó đang… rất khó

Điều thấy rõ nhất trong quá trình xây dựng NTM ở các huyện vùng cao Nghệ An là, những tiêu chí như thu nhập, nhà ở dân cư, nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất, cơ sở vật chất văn hóa… đang trở thành tiêu chí khó đáp ứng so với yêu cầu thực tế. Bởi, những tiêu chí này (nhà ở dân cư, cơ sở vật chất văn hóa) cần nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi nguồn lực địa phương hạn chế; còn các tiêu chí “mềm” khác như thu nhập, nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất… cũng gặp khó do nhận thức, suy nghĩ, xuất phát điểm của các hộ dân thấp, hạn chế dẫn tới không quan tâm, thiếu đầu tư.

Việc xây dựng được những mô hình sinh kế hiệu quả để nâng cao thu nhập là vấn đề đầy thách thức ở các huyện vùng cao ( Trong ảnh: Mô hình nuôi dê của hộ ông Moong Phò Ngọc ở bản Khánh Thành, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn)
Việc xây dựng được những mô hình sinh kế hiệu quả để nâng cao thu nhập là vấn đề đầy thách thức ở các huyện vùng cao ( Trong ảnh: Mô hình nuôi dê của hộ ông Moong Phò Ngọc ở bản Khánh Thành, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn)

Trong khi đó, những xã thuộc vùng cao xứ Nghệ, hầu hết là xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn; thì việc thực hiện các tiêu chí như thu nhập, nhà ở dân cư, nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất, cơ sở vật chất văn hóa… càng “ì ạch” bội phần.

Dẫn chứng từ huyện Tương Dương. Nếu so với 4 huyện vùng cao còn lại, thì Tương Dương đã có 4 xã đạt chuẩn NTM, 1 xã đang trên lộ trình xây dựng NTM nâng cao… nhưng lại có đến 7 tiêu chí khó thực hiện như trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, thu nhập, nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất, môi trường và an toàn thực phẩm. 

Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Đinh Hồng Vinh chia sẻ: Chỉ tính trong 3 năm từ 2021-2023, nhu cầu xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí NTM là rất lớn, nhưng nguồn vốn đầu tư quá nhỏ bé, chỉ hơn 33,4 tỷ đồng. Tính trung bình mỗi năm hơn 10 tỷ đồng, thì không khác gì “muối bỏ biển”. Huyện nghèo, các xã đều nghèo, thì việc huy động xã hội hóa, huy động đóng góp trong Nhân dân gần như không đáng kể.

Tại huyện Con Cuông, sau 10 năm xây dựng NTM, cũng mới chỉ có 2 xã đạt chuẩn. Nhiều tiêu chí ở địa phương này như thu nhập, nhà ở dân cư, nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất, cơ sở vật chất văn hóa… thực sự là gánh nặng cho các xã. Cũng bởi dân nghèo, xã nghèo, cuộc sống khó khăn, thu nhập nhiều hộ rất bấp bênh… dẫn tới không thể huy động sức dân trong đóng góp.

 Một ví dụ điển hình ở huyện Con Cuông, là xây dựng NTM ở hai bản người Đan Lai nằm trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát sẽ không thể thực hiện được, nếu như không có nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Hai bản có đến gần 100% là hộ nghèo, cuộc sống đa phần tự cung tự cấp, cùng với giao thông cách trở… thành ra mục tiêu xây dựng bản NTM trở nên xa vời.

Ở vùng biên Kỳ Sơn, bản Noọng Dẻ, thuộc xã Nậm Cắn, được xem là tương đối thuận lợi trong xây dựng NTM. Bản nằm kề liền quốc lộ 7A, cách cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn mấy km. Những tưởng điều kiện địa lý là lợi thế để bản này đạt chuẩn NTM vào năm 2021, nhưng cho đến hôm nay, vẫn còn 3 tiêu chí chưa đạt gồm,thu nhập, nghèo đa chiều, môi trường và an toàn thực phẩm. 

Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn Lầu Bá Chày cho hay: Các bản cũng như cả xã rất vất vả với các tiêu chí NTM, nhất là những tiêu chí khó. Dân nghèo nên việc huy động sức dân không đáng kể. Còn xã, nguồn thu không có mà chủ yếu trông chờ ngân sách cấp trên nên càng bị động, khó triển khai./.

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.