Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Xây dựng Nông thôn mới vùng ĐBKK - Hành trình chông gai: Những giải pháp khả thi (Bài 2)

Mạnh Cường - 18:58, 16/08/2021

Để xây dựng nông thôn mới (NTM) vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) giai đoạn 2021 - 2025 đạt được mục đích, yêu cầu đề ra cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của Nhân dân. Đồng thời kết hợp nguồn lực hỗ trợ với việc phát huy vai trò của chính quyền trong việc định hướng, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế dựa trên thế mạnh của mỗi địa phương…

Xây dựng Nông thôn mới vùng ĐBKK giai đoạn 2021-2025 - Hành trình chông gai: Những giải pháp khả thi (Bài 2)

Ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, hạ tầng NTM vùng ĐBKK đã được đầu tư tương đối đồng bộ, đời sống người dân nông thôn được nâng lên. 

Tuy nhiên, như đã đề cập, trong quá trình tổ chức thực hiện, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM vẫn còn bộc lộ những bất cập, hạn chế nhất định. Do thiếu nguồn lực đầu tư, nhiều địa phương vùng DTTS và miền núi đang loay hoay trong việc về đích NTM.

Báo cáo tại diễn đàn Quốc hội về Chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 tập trung ưu tiên hỗ trợ cho các xã, huyện để đạt chuẩn NTM và nâng cao chất lượng các tiêu chí sau đạt chuẩn theo hướng bền vững. Đồng thời, phấn đấu có ít nhất 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã ĐBKK khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí NTM do cấp tỉnh quy định.

Để đạt được mục tiêu đó, ông Mai Thanh Hải, ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Cần thực hiện mục tiêu xây dựng NTM mang tính bền vững. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch xã NTM; chú trọng giải pháp về nguồn lực, huy động nội lực trong Nhân dân.

“Dự kiến bố trí nguồn ngân sách Trung ương bằng khoảng 62% so với Chương trình của giai đoạn 2016 - 2020 là không đủ. Chính phủ nên nghiên cứu để hỗ trợ cân đối cho những địa phương còn phải cân đối ngân sách từ Trung ương”, ông Mai Thanh Hải đề xuất.

Còn theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, khu vực nông thôn đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi tiếp tục có sự quan tâm đầu tư, vừa duy trì, phát huy các thành quả đã đạt được, vừa hỗ trợ các xã còn lại đạt chuẩn NTM. Chính phủ cần rà soát để tránh trùng lặp, tránh bỏ sót về phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động giữa các chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời bảo đảm việc lồng ghép phát huy hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.

“Trong giai đoạn tới, diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19 sẽ còn tác động tiêu cực đến phát triển KT-XH của nước ta. Do vậy, phương án bố trí vốn ngân sách Trung ương là 39.632 tỷ đồng cho Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là phù hợp. Trong quá trình điều hành, căn cứ điều kiện thực tế, Chính phủ tiếp tục cân đối vốn ngân sách Trung ương để có thể hỗ trợ thêm cho Chương trình”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM

Về hướng đi của Chương trình NTM giai đoạn 2021 - 2025, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, bên cạnh việc tiếp tục phát triển hạ tầng, cần phải gắn kết được và cơ cấu lại ngành Nông nghiệp với Chương trình xây dựng NTM. Vì xây dựng NTM là căn bản, tái cơ cấu nông nghiệp là nền tảng, nông dân là chủ thể. Đây cũng là vấn đề cốt lõi đối với việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân ở vùng DTTS và miền núi nói chung, vùng ĐBKK nói riêng. 

Theo đó, về cách làm và những điều cần đổi mới, khắc phục hạn chế trong giai đoạn sắp tới của Chương trình NTM, theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, ĐBQH tỉnh Lào Cai, cần phải chú trọng đến vấn đề phát triển kinh tế nông thôn, tăng chất lượng cuộc sống thực sự cho người dân, tăng thu nhập cho người dân, chứ không chỉ chú trọng để tăng quy mô và sản lượng, số lượng như hiện nay.

“Đặc biệt, cần chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực nông thôn. Xây dựng các chương trình đào tạo, tập huấn linh hoạt hơn, bằng các mô hình cụ thể. Cần tăng cường hàm lượng khoa học trong sản phẩm nông nghiệp, chú trọng đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm để có thể tăng tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Có như vậy, mới có thể tăng được thu nhập cho người dân”, bà Nguyễn Thị Lan Anh hiến kế.

Tạo sinh kế, xóa đói giảm nghèo vẫn là mục tiêu quan trọng trong xây dựng NTM
Tạo sinh kế, xóa đói giảm nghèo vẫn là mục tiêu quan trọng trong xây dựng NTM

Nâng cao tính chủ động của cơ sở

Đồng quan điểm trên, ông Phan Thái Bình, ĐBQH tỉnh Quảng Nam kiến nghị thêm, giai đoạn 2021 - 2025 cũng cần ưu tiên nguồn lực cho việc đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Đồng thời, tích hợp nội dung về hỗ trợ sản xuất, đa dạng sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo thành một dự án riêng. 

Theo ông Bình, muốn hỗ trợ sản xuất thì phải đa dạng thiết kế, phát hiện ra các mô hình giảm nghèo và giải quyết việc làm. Ưu tiên lưu ý cho vấn đề giáo dục nghề nghiệp, gắn với việc làm, đặc biệt là gắn với việc làm tại chỗ. Bởi lẽ, tâm lý của bà con, đặc biệt là ở miền núi, vùng DTTS muốn giải quyết, muốn có việc làm, nhưng lại không muốn rời xa địa bàn khu dân cư của mình. Cho nên cần phải tạo điều kiện để thu hút đầu tư vào đây, để giải quyết việc làm tại chỗ...

Có thể thấy, xây dựng NTM vùng ĐBKK là một quá trình lâu dài và không hề dễ dàng, bởi những nguyên nhân khách quan và cả chủ quan. Do đó, đối với giai đoạn 2021 - 2025, việc đưa ra những định hướng cho cả giai đoạn để điều chỉnh những tồn tại vướng mắc là hết sức cần thiết. 

Tuy nhiên, cùng với những giải pháp vĩ mô, điều quan trọng không kém, đó là chính quyền các địa phương cũng cần chủ động, linh hoạt hơn trong cách nghĩ, cách làm xây dựng NTM. Có như vậy, những tồn tại, vướng mắc mới được giải quyết tận gốc, xây dựng NTM vùng ĐBKK mới bền vững.