Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Xây dựng NTM ở các xã miền núi Bình Định: Cần thêm sự hỗ trợ

Đạt Thành Nhân - 10:31, 26/05/2020

Trong số 22 xã thuộc 3 huyện miền núi (Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão) của tỉnh Bình Định, đến nay chỉ có 1 xã đạt được 15 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), còn lại chỉ đạt trung bình 8 - 13 tiêu chí, thậm chí có xã mới chỉ đạt 5 tiêu chí.

Tỉnh Bình Định đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho các xã miền núi xây dựng NTM nhưng để rút ngắn khoảng cách với đồng bằng cần nhiều sự hỗ trợ.
Tỉnh Bình Định đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho các xã miền núi xây dựng NTM nhưng để rút ngắn khoảng cách với đồng bằng cần nhiều sự hỗ trợ.

Theo ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão, các tiêu chí khó thực hiện nhất trong xây dựng NTM của huyện là tiêu chí hộ nghèo và thu nhập. Trong 9 xã miền núi của An Lão, hiện xã An Hòa và An Tân là hai xã đạt được kết quả khả quan nhất thì cũng chỉ mới hoàn thành được 13 tiêu chí.

Còn tại huyện Vân Canh, theo ông Trần Kim Vũ, Chủ tịch UBND huyện, do cơ sở hạ tầng không đồng bộ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hầu như không có nên thu nhập của bà con chủ yếu dựa vào nương rẫy. Do vậy, để giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt chuẩn NTM là một bài toán khó.

Trong khi đó, tại huyện miền núi Vĩnh Thạnh, theo ông Lê Văn Đẩu, Chủ tịch UBND huyện, tại 8 xã miền núi của huyện chưa có xã nào hoàn thành đạt tiêu chí về hộ nghèo và thu nhập. Vì vậy, huyện đề nghị tỉnh, Trung ương xem xét, có chính sách đặc thù ưu tiên hỗ trợ các xã miền núi khó khăn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, tăng thu nhập để sớm hoàn thành các tiêu chí NTM.

Từ những khó khăn của các xã miền núi, vấn đề đặt ra hiện nay là cần có cơ chế đặc thù hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao, hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng trang trại, gia trại. Có chính sách hỗ trợ về vốn vay, hỗ trợ ứng dụng khoa học - kỹ thuật nâng cao năng lực sản xuất cho người dân. Đặc biệt, cho phép địa phương được dồn nguồn lực từ các nguồn hỗ trợ của Trung ương và địa phương để hằng năm lập kế hoạch đầu tư xây dựng NTM cho một số xã miền núi khó khăn theo lối cuốn chiếu, dễ làm trước, khó làm sau, không đầu tư dàn trải.