Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Xây dựng trường chuẩn quốc gia: Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS

Thúy Hồng - 09:04, 15/09/2020

Cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng khang trang, khuôn viên xanh, sạch, đẹp; trang thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy và học; học sinh có môi trường học tập an toàn, chất lượng… đó là những kết quả tích cực mà các trường đạt chuẩn quốc gia mang lại, góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục vùng đồng bào DTTS và miền núi.

 Học sinh Trường Tiểu học xã Hải Yến, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn (trường đạt chuẩn quốc gia) trong giờ thực hành
Học sinh Trường Tiểu học xã Hải Yến, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn (trường đạt chuẩn quốc gia) trong giờ thực hành

Trường Tiểu học Đồng Văn A thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn (Hà Giang) đã được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II vào tháng 6/2018. Từ khi được công nhận trường chuẩn quốc gia, đội ngũ thầy giáo, cô giáo, học sinh nhà trường đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học, giữ vững những tiêu chí đạt chuẩn.

Cô Lương Ngọc Uyển, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Để bảo đảm duy trì các tiêu chí theo trường chuẩn quốc gia, Nhà trường luôn đổi mới chất lượng dạy và học; bảo đảm cơ sở vật chất để học sinh được học trong môi trường giáo dục tốt nhất… Vì vậy, hằng năm, tỷ lệ học sinh xuất sắc và khá tại các khối lớp luôn ổn định, tỷ lệ chuyển cấp đạt 98%.

Huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là huyện miền núi, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, tuy nhiên vài năm gần đây, với mục tiêu đẩy mạnh chất lượng giáo dục, toàn huyện có 52 đơn vị trường học, thì hiện nay có 13 trường đạt chuẩn quốc gia, gồm: 6 trường mầm non, 4 trường tiểu học và 3 trường THCS. Tất cả các trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia đều khẳng định được chất lượng giáo dục nổi bật, với những thành tích ổn định, luôn là lá cờ đầu trong các mặt công tác của ngành.

Tại tỉnh Lạng Sơn, ngành Giáo dục cũng ưu tiên xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Theo đó, toàn tỉnh Lạng Sơn có 222 trường đạt chuẩn quốc gia. Riêng cấp tiểu học, toàn tỉnh có 63,2% phòng học cấp tiểu học được kiên cố hóa, trong đó có 79,7% số phòng học kiên cố có đủ đồ dùng, thiết bị theo quy định. Các trường ngày càng đạt chuẩn về đội ngũ, cơ cấu tổ chức và bảo đảm chất lượng giáo dục.

Điển hình như, đối với Trường THCS thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn. Năm 2008, trường được công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ I và đến năm 2018, trường tiếp tục được công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I lần 2. Nhờ đó, từ năm học 2014 - 2015 đến năm học 2018 – 2019, Nhà trường có 1 học sinh đạt giải học sinh giỏi (HSG) cấp quốc gia, 93 giải HSG cấp tỉnh và 543 giải HSG cấp huyện; 64 lượt giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 4 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh... Riêng năm học 2019 - 2020, học sinh đạt học lực giỏi chiếm 29,3%; tỷ lệ học sinh khá đạt trên 43%.

Theo thống kê của ngành Giáo dục, cả nước hiện có trên 13 nghìn trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Thực tế cho thấy, phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia không chỉ tạo “cú huých” trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mà còn tạo nên bước chuyển tích cực về số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên tại miền núi, vùng DTTS. Từ việc xây dựng trường chuẩn quốc gia sẽ đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá, phân loại học sinh phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục.

Tin cùng chuyên mục
Hà Nội chốt phương án thi vào lớp 10 với 3 môn

Hà Nội chốt phương án thi vào lớp 10 với 3 môn

Ngày 28/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025. Theo đó, học sinh Hà Nội tham gia kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025 sẽ thực hiện 3 bài thi độc lập gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.