Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Xoài tứ quý trên đất Thạnh Phong

PV - 15:06, 14/01/2019

Trước kia về xã Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre), chúng tôi thấy bạt ngàn những hecta đất chuyên canh dưa hấu, củ sắn và khoai lang. Lần này trở lại đã thấy xuất hiện hàng trăm hecta đất trồng xoài tứ quý thay thế những cây trồng truyền thống.

Bà Nguyễn Thị Liễu, ngụ ấp 7, xã Thạnh Phong nhớ lại: “Hồi xưa, vùng biển này nghèo lắm bởi đất đai toàn là cát nóng, đường sá đi lại khó khăn, chủ yếu là phương tiện đường thủy. Người dân chỉ trồng dưa hấu, củ sắn, khoai lang nhưng “hên, xui” theo thời tiết. Năm trúng thì có lời chút đỉnh, còn lại đa số là mất mùa, nông dân nợ nần chồng chất. Người xứ này bỏ quê lên Sài Gòn, Bình Dương làm ăn hết. Những năm gần đây, người dân được cán bộ khuyến nông đến vận động trồng xoài tứ quý, nhiều người phất lên thấy rõ”.

xoài tứ quý Xoài tứ quý mang lại thu nhập khá cao cho người nông dân ở xã Thạnh Phong.

Lý giải về sự thay đổi này, ông Trương Thanh Hải, Trưởng phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú cho biết: “Đây là loại cây rất phù hợp với thổ nhưỡng cát biển tại địa phương; có hiệu quả kinh tế khá cao và chịu được nắng nóng, khô hạn, đầu ra tương đối ổn định nên chúng tôi chọn xoài tứ quý làm cây phát triển mũi nhọn, bước đầu rất thuận lợi”.

Ông Võ Thái Hài, ngụ ấp 4, xã Thạnh Phong phấn khởi thông tin: “Tui trồng xoài tứ quý được 6 năm rồi. Mới đầu lo lắm, nhưng khi có trái ngon lành, giá bán tương đối ổn định, không bị thương lái ép giá. Cạnh đó, vùng biển này mới được Nhà nước đầu tư xây dựng mấy con đường lớn, đèn sáng choang, thương lái tấp nập tới mua. Nhờ bán 30 công xoài tứ quý, tôi xây được nhà mới khang trang, trị giá 400 triệu đồng!”.

Phương pháp mới trong canh tác của người trồng xoài vùng này là việc bao trái bằng vải nilon để trái xoài có màu sắc đẹp, da trơn bóng, không bị ảnh hưởng bởi các loại dịch hại sâu đục cuống như bọ xít, ruồi đục trái, bệnh thán thư, đốm nâu, sương mai… Cạnh đó, người nông dân còn linh động, sáng tạo khi dùng nhiều loại vải ni lông có màu sắc khác nhau để nhận biết độ tăng trưởng của từng trái, từ đó có bước chuẩn bị thu hoạch thuận lợi và phù hợp.

Hiện nay, việc sử dụng bao trái xoài bằng vải nylon nhiều màu đã được trên 95% nông dân trồng xoài ở xã Thạnh Phong ứng dụng, nhân rộng và mang lại kết quả khả quan. Cạnh đó, đại đa số người trồng đã sử dụng hệ thống phun tưới tự động để tiết kiệm thời gian, lại đảm bảo nguồn nước và có được những trái xoài hoàn toàn sạch bệnh. Hầu hết diện tích trồng xoài đều được trang bị hệ thống phun tưới.

Tuy không mang lại giá trị kinh tế cao như các loại xoài khác vùng nước ngọt quanh năm nhưng xoài tứ quý cũng đã mang đến nguồn thu nhập rất đáng kể cho người dân xã Thạnh Phong. Bình quân mỗi công xoài cho thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng (mỗi công là 1.000 mét vuông). Giá bán bình quân từ 5.000 đến 7.000 đồng/kg; sản lượng bình quân mỗi công là 2 đến 2,7 tấn trái.

Ông Trần Văn Tú, ngụ ấp 7 xã Thạnh Phong cho biết: “Tuy thu nhập từ xoài không quá lớn nhưng cao hơn nhiều so với trồng các loại cây trồng truyền thống trước đây. Thêm vào đó, trồng xoài mất ít công chăm sóc, thu hoạch thuận lợi, không bị tình trạng ế hàng.

Hiện nay, đã có nhiều người trồng xoài đã kết hợp với trồng rau ngắn ngày bên dưới để có thêm nguồn thu nhập với phương châm lấy ngắn nuôi dài. Một số hộ khác đang dự tính xây dựng mô hình du lịch sinh thái biển trên các vườn xoài tứ quý gắn với việc quảng bá các điểm du lịch nổi tiếng tại địa phương như.

Tuy nhiên, để tránh trường hợp cung vượt cầu dẫn đến tính trạng trúng mùa mất giá, ông Nguyễn Văn Tại, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phong cho biết: Chúng tôi phải tính toán, cân nhắc hài hòa việc phát triển xoài tứ quý cùng các loại cây trồng khác để đa dạng hóa nông sản tại địa phương. Cạnh đó còn mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc xoài tứ quý để đạt năng suất, chất lượng ngày càng cao.

TRƯƠNG THANH LIÊM

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Xây dựng mô hình thí điểm “Làng nông nghiệp thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu”

Sóc Trăng: Xây dựng mô hình thí điểm “Làng nông nghiệp thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu”

Xã Tân Hưng (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) là địa điểm được khảo sát và lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình Làng nông nghiệp thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), trong khuôn khổ Đề tài nghiên cứu “Phát triển mô hình làng nông nghiệp thuận thiên thích ứng với BĐKH vùng đồng bào DTTS và miền núi”, do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì thực hiện, Ủy ban Dân tộc là cơ quan quản lý.