Tại phiên họp thứ 33 vào giữa tháng 9/2021 của Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình Con người và sinh quyển UNESCO (ICC-MAB) diễn ra tại Nigeria, Việt Nam có 2 khu dự trữ sinh quyển được đưa ra bỏ phiếu và ghi danh Khu dự trữ sinh quyển thế giới, gồm: khu dự trữ sinh quyển là núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) và Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai).
Theo đó, Khu Dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng trải rộng trên diện tích gần 413.512 ha, bao gồm toàn bộ diện tích Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và một phần diện tích của 5 huyện (Đak Đoa, Mang Yang, Kbang, Chư Păh, Đak Pơ), thị xã An Khê.
Khu dự trữ được khoanh vùng thành ba khu chức năng gồm hai vùng lõi là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng; vùng đệm và vùng chuyển tiếp.
Tầm quan trọng của Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng thể hiện ở mức độ đa dạng sinh học, trong đó nhiều loại quý hiếm. Đây cũng là nơi có diện tích rừng nhiệt đới trên núi cao tương đối lớn ở Tây Nguyên.
Nằm trong Khu Dự trữ sinh quyển Cao Nguyên Kon Hà Nừng có Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Nơi đây có khoảng 1.754 loài thực vật bậc cao, 91 loài thực vật bậc thấp; 87 loài thú, 326 loài chim, 77 loài bò sát cùng nhiều loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Đặc biệt ở đây còn có một số loài đặc hữu mới phát hiện như chim khướu Kon Ka Kinh, voọc chà vá chân xám...
Ngoài ra, tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng , xác định có 863 loài thực vật, trong đó có 22 loài trong Sách đỏ Việt Nam và 7 loài trong Sách đỏ thế giới.
Về động vật hoang dã có xương sống, nơi đây ghi nhận được 380 loài; trong đó, 80 loài thú, 228 loài chim, 38 loài bò sát, 34 loài lưỡng cư. Hiện có 64 loài động vật hoang dã có xương sống nằm trong danh mục các loài cần được ưu tiên bảo tồn cấp quốc gia và quốc tế.
Không chỉ đa dạng các hệ động, thực vật, sinh thái, Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng còn chứa đựng kho tàng di sản văn hóa phong phú và đặc sắc với nhiều đặc trưng nổi bật về các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang sinh sống.
Ông Trịnh Viết Ty - Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng - cho biết, cao nguyên Kon Hà Nừng được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho sự đa dạng về sinh thái. Nhiều vùng trong cao nguyên này có kiến tạo địa chất cổ và tối cổ, trên 2 triệu năm. Đồng thời, nơi đây có một quần thể thác nước lớn, nhiều miệng núi lửa còn rất rõ nét và có dấu vết của con người sinh sống hàng ngàn năm trở về trước.
Cao nguyên Kon Hà Nừng trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới sẽ thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước tìm đến nghiên cứu, khám phá, phục vụ cho công tác giáo dục bảo tồn; sẽ có nhiều lợi ích cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực, nâng cao đời sống người dân.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới (Biosphere Reserves) là một danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các khu bảo tồn thiên nhiên có hệ động, thực vật độc đáo, phong phú đa dạng.
Đó là những khu vực hệ sinh thái bờ biển hoặc trên cạn giúp thúc đẩy các giải pháp điều hòa việc bảo tồn sự đa dạng sinh học với việc phát triển bền vững khu vực đó có giá trị nổi bật, được quốc tế công nhận.
Theo quy định, khu dự trữ sinh quyển cần phải đạt được 7 tiêu chí: có các hệ sinh thái đại diện vùng địa lý sinh học; có ý nghĩa bảo tồn đa dạng sinh học; có cơ hội cho phát triển bền vững vùng; có diện tích đủ lớn; thực hiện đầy đủ 3 chức năng: bảo tồn, phát triển và trợ giúp; có sự tham gia của cộng đồng; có cơ chế quản lý, chính sách, quản trị rõ ràng./.