Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Xóm Đồng Cây Dâu: Hộ tịch, hộ khẩu một nơi - người và tài sản ở một nẻo

T.Nhân - H.Trường - CTV - 18:04, 11/11/2024

Đồng Cây Dâu là một xóm nhỏ thuộc thôn Nước Giáp, xã Ba Khâm, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi). Nơi đây có khoảng 100 người dân là đồng bào dân tộc Hrê sinh sống đã mấy chục năm nay, nhưng không đường, không điện và không nước sạch sinh hoạt. Cuộc sống khó khăn cứ thế nối dài ngày này qua tháng nọ. Mong mỏi có đường, có điện, thống nhất trong quản lý hộ tịch, hộ khẩu và đất đai... để ổn định cuộc sống, là nguyện vọng thiết thực của người dân từ nhiều năm nay mà vẫn chưa thành hiện thực.

Thu nhập chính cảu người dân xóm Đồng Cây Dâu là nhờ trồng keo
Thu nhập chính của người dân xóm Đồng Cây Dâu là nhờ trồng keo

Về xóm Đồng Cây Dâu những ngày đầu mùa mưa, đi trên con đường đất trơn trượt, lầy lội, chúng tôi mới cảm nhận được sự khó khăn, vất vả mà người dân nơi đây phải chịu mấy chục năm nay. Dù chỉ nằm cách Quốc lộ 24 chừng 2km theo đường chim bay, vậy mà phải đi lòng vòng mất cả tiếng đồng hồ bằng xe máy từ Quốc lộ 24 rẽ vào xã Phổ Nhơn (thị xã Đức Phổ), qua cầu Ba Liên, rồi đi theo hướng núi mới đến xóm Đồng Cây Dâu.

Theo lời kể của người dân xóm Đồng Cây Dâu, trước đây vùng này gọi là xóm Bà Báy. Gọi như thế để tỏ lòng biết ơn bà Phạm Thị Báy, người đến đây sinh sống, lập làng từ những năm 1970. Sau đó, nhiều người cùng theo bà Báy về đây sinh sống ngày càng nhiều và hình thành nên xóm Bà Báy.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, xóm Bà Báy là vùng căn cứ cách mạng, nhiều bộ đội đã được dân làng che chở, giúp đỡ. Say ngày hòa bình, xóm Bà Báy được đổi tên thành Đồng Cây Dâu, thuộc thôn Nước Giáp, xã Ba Trang (Ba Tơ). Đến năm 1991, xã Ba Trang tách thành 2 xã Ba Trang và Ba Khâm, xóm Đồng Cây Dâu thuộc về xã Ba Khâm. Nhiều hộ gia đình ở đây đã được cấp giấy tờ nhà đất, thuộc địa bàn xã Ba Khâm.

Từ đó, người dân sinh sống và sản xuất ổn định. Cho đến những năm 2000, khi thực hiện đo đạc lại bản đồ địa chính, toàn bộ đất đai ở xóm Đồng Cây Dâu lại được xác lập thuộc về xã Phổ Nhơn. Vì thế, cuộc sống người dân ở đây gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, hộ tịch, hộ khẩu của người dân xóm Đồng Cây Dâu do phía huyện Ba Tơ quản lý. Còn đất đai, nhà ở lại thuộc thị xã Đức Phổ quản lý. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến người dân ở đây rơi vào thế khó, phải sống trong cảnh không đường giao thông, không điện quốc gia mấy chục năm qua.

Anh Phạm Văn Thia, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Ba Khâm chia sẻ: Do bất nhất trong phân chia quản lý hộ tịch, hộ khẩu, đất đai. Huyện Ba Tơ nhiều lần về khảo sát làm hệ thống điện, đường giao thông, nhưng sau đó nói là không làm được vì đất đai không do địa phương quản lý. Còn thị xã Đức Phổ về khảo sát, thì bảo đất là do thị xã quản lý, nhưng dân cư do huyện Ba Tơ quản lý nên không có cơ sở để lập dự án đầu tư.

Hiện nay, xóm Đồng Cây Dâu có 23 hộ dân là người Hrê, với gần 100 nhân khẩu, chia thành 2 cụm dân cư sinh sống quần tụ từ nhiều năm nay. Ở xóm Đồng Cây Dâu từ khi hình thành đến nay vẫn chưa có điện. Vì thế, người dân ở đây, từ già đến trẻ đều chung một mong ước là có điện.

Cái khó nữa là không có đường đi. Hiện con đường về xóm Đồng Cây Dâu là đường đất, do người dân tự mở để vận chuyển keo, chỉ đi xe máy được trong mùa nắng. Còn mùa mưa thì phải đi bằng lối mòn vắt từ quả đồi này sang đồi khác để ra đường lớn đi chợ, đến trường... Lối mòn ấy người dân đi lại mấy chục năm mà đến nay vẫn chưa thành đường.

Người dân xóm Đồng cây Dâu dùng điện năng lượng mặt trời để thắp sáng
Người dân xóm Đồng Cây Dâu dùng điện năng lượng mặt trời để thắp sáng

Trao đỏi với phóng viên về những khó khăn của người dân xóm Đồng Cây Dâu, lãnh đạo xã Ba Khâm cho biết: Mỗi lần tiếp xúc cử tri người dân đều kiến nghị đầu tư xây dựng đường, điện thắp sáng nhưng đến nay chưa được giải quyết. 

Có lần huyện Ba Tơ và thị xã Đức Phổ họp bàn chuyển 23 hộ dân Đồng Cây Dâu về xã Phổ Nhơn sinh sống để thống nhất quản lý. Tuy nhiên, người dân ở đây cho rằng, họ là người DTTS, sống dựa vào rẫy, giờ chuyển về xã Phổ Nhơn sinh sống sẽ rất khó. Người dân mong được điều chỉnh bản đồ địa chính để hộ khẩu, hộ tịch, đất đai của họ đều do huyện Ba Tơ quản lý.

Về vấn đề này, ông Phạm Xuân Vinh, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho hay: Huyện đã có nhiều buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã Ba Khâm giải quyết kiến nghị của người dân Đồng Cây Dâu, trong đó có việc cấp giấy tờ đất. Đây là nơi người dân sinh sống, sản xuất, sử dụng đất ổn định, liên tục, không có tranh chấp từ bao đời nay nên việc bà con kiến nghị cấp giấy tờ đất là chính đáng.

Tuy nhiên, toàn bộ diện tích này đều thuộc địa giới hành chính của xã Phổ Nhơn. Huyện đã chỉ đạo UBND xã Ba Khâm chủ động phối hợp làm việc với UBND xã Phổ Nhơn để giải quyết. Riêng việc đầu tư kéo điện về Đồng Cây Dâu, huyện đã giao cho phòng chuyên môn tham mưu, đề xuất, nếu đủ điều kiện sẽ triển khai để người dân nơi đây sớm có điện quốc gia, ổn định cuộc sống.

Chia tay người dân xóm Đồng Cây Dâu khi trời đã chập choạng tối, cơn mưa chiều bất chợt làm cho không khí thêm lạnh lẽo, u tịch giữa núi rừng. Cả xóm thấp thoáng vài bóng đèn năng lượng mặt trời, xe chúng tôi xa dần, những bóng điện tựa như những con đom đóm lập lòe.

Để người dân được bảo đảm quyền lợi và xây dựng cuộc sống ổn định, thiết nghĩ, UBND tỉnh Quảng Ngãi cần có ý kiến chỉ đạo để huyện Ba Tơ và thị xã Đức Phổ sớm thống nhất việc quản lý địa giới hành chính đối với người dân xóm Đồng Cây Dâu.

Tin cùng chuyên mục
Miền Tây lũ về “thưa vắng” cá tôm...

Miền Tây lũ về “thưa vắng” cá tôm...

Đồng bằng sông Cửu Long có một mùa đặc biệt là mùa nước nổi. Hằng năm, vào khoảng tháng 9 kéo dài cho đến cuối tháng 10, mùa nước nổi ở các tỉnh miền Tây lại quay về. Nước từ nguồn sông Mê Kông tràn về hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp, mang lại nguồn lợi thủy sản lớn cho cư dân trong vùng. Tuy nhiên, những năm gần đây, con nước thường về thấp và có thời gian lên, xuống thất thường, kéo theo lượng cá, tôm “thưa vắng”. Mùa nước nổi mà tôm cá không về, nhiều người trẻ đã phải gác lại nghề hạ bạc, để đi làm ở các khu công nghiệp. Với những người cao niên, không còn lựa chọn nào khác nên vẫn ngày ngày lênh đênh trên con nước.