Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Xử lý tài sản dôi dư sau sáp nhập - Khó khăn không ít

An Yên - 17:41, 20/04/2025

Hàng nghìn cơ sở nhà đất buộc phải sắp xếp lại sau tinh giảm, sáp nhập bộ máy hành chính, việc xử lý sắp xếp này ở tỉnh Nghệ An đang bộc lộ không ít khó khăn, đòi hỏi phải giải quyết một cách thận trọng, khoa học.

Nghệ An đang tiến hành rà soát, lên phương án xử lí tài sản nhà, đất dôi dư - Trong ảnh: Trụ sở làm việc HĐND, UBND huyện Tương Dương
Nghệ An đang tiến hành rà soát, lên phương án xử lý tài sản nhà, đất dôi dư - Trong ảnh: Trụ sở làm việc HĐND, UBND huyện Tương Dương

Theo thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh Nghệ An hiện có 4.258 cơ sở nhà, đất phải sắp xếp lại; trong đó gồm 360 cơ sở cấp tỉnh, 388 cơ sở cấp huyện và 3.510 cơ sở cấp xã.

Rõ ràng, đây là công việc hết sức khó khăn, chưa có tiền lệ, liên quan đến việc sắp xếp các khối tài sản lớn. Vì vậy, công tác rà soát và sắp xếp tài sản cần được thực hiện với nguyên tắc kỹ lưỡng, thận trọng nhưng cũng phải linh hoạt, bởi cơ chế và chính sách hiện hành chưa hoàn thiện. Nếu chưa sửa đổi được Luật, cần thiết phải có cơ chế và chính sách phù hợp để đảm bảo tiến trình này diễn ra suôn sẻ.

Thực tế kiểm tra, rà soát, xử lý cơ sở nhà, đất và các dự án công trình chịu sự tác động bởi việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đơn vị hành chính tại địa phương, đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Đó là, nhiều cơ sở nhà, đất thiếu hồ sơ pháp lý (nhất là hồ sơ pháp lý về đất đai tại các đơn vị cấp xã), có nhiều trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Phần lớn mục đích sử dụng của các cơ sở nhà đất dôi dư sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đơn vị hành chính đều không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bên cạnh đó, Nghệ An còn là vùng đất có địa hình đa dạng, khu vực miền núi chiếm gần 3/4 tổng diện tích toàn tỉnh. Điều này dẫn đến tình trạng, khó bố trí cơ sở mới phù hợp với điều kiện vùng đất.

Đáng quan tâm, quy mô, điều kiện đơn vị cũ nhiều nơi đã xuống cấp, hệ thống cơ sở vật chất có nơi còn “khiêm tốn”… nên đang là thách thức khi đưa vào sử dụng làm cơ sở trung tâm sau sáp nhập. Hiện tại, tính chất, đặc điểm, quy mô các trụ sở cũ trước khi sáp nhập không phù hợp với tính chất, đặc điểm, quy mô trụ sở đơn vị hành chính mới do cơ cấu tổ chức bộ máy mới và chức năng, nhiệm vụ đơn vị hành chính mới lớn và khác hơn nhiều so với trước đây…

Xã Tăng Thành nằm kề liền trung tâm huyện Yên Thành, nên việc xử lý tài sản đất, nhà sau sáp nhật để tránh lãng phí là vấn đề cần được tính đến
Xã Tăng Thành nằm kề liền trung tâm huyện Yên Thành, nên việc xử lý tài sản đất, nhà sau sáp nhập để tránh lãng phí là vấn đề cần được tính đến

Để xử lý tình trạng trên, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới sau sáp nhập một cách hiệu quả, thì việc cân nhắc, lựa chọn cơ sở để bố trí làm vị trí trung tâm là rất cần thiết. Đối với cơ sở nhà, đất ở khu vực miền núi, khi được chọn làm vị trí trung tâm sau sáp nhập, thì cần phải được cân nhắc kỹ về yếu tố khoảng cách, hạ tầng giao thông và mật độ dân cư phù hợp nhất. Đành rằng, ở vùng miền núi, khoảng cách là một bất lợi, một điểm trừ rất lớn; thế nên phải tính đến yếu tố đặt lợi ích, sự thuận lợi trong giao dịch của người dân lên hàng đầu trong sắp xếp cơ sở nhà, đất, các hạng mục liên quan.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, ngoài một số hội quán, nhà văn hóa khối, xóm thừa, tại các huyện được đưa ra đấu giá, khai thác quỹ đất để bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nhà văn hóa hội quán mới. Còn lại đa số các địa phương đều đề nghị giữ lại các tài sản nhà văn hóa, đất hội quán làm nơi sinh hoạt thể thao, văn hóa cộng đồng cho người dân, vì quỹ đất công ích của xóm, xã đã giảm, sau này khó tìm.

Ông Nguyễn Đình An, Phó Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch UBND huyện Nghĩa Đàn cho rằng: Địa bàn miền núi, khoảng cách giữa các xóm xa nhau nên để tạo điều kiện cho người dân, xã để lại nhà văn hóa xóm cũ để người dân sinh hoạt thể thao, văn hóa sẽ tiện lợi hơn. Bên cạnh đó, không giống vùng đô thị hay nông thôn, các nhà văn hóa xóm, bản ở miền núi thường xa trung tâm và hẻo lánh nên nếu thu hồi, đấu giá, khai thác quyền sử dụng đất thì giá trị cũng không cao.

Khác với trụ sở UBND xã, thị trấn là tài sản do Nhà nước đầu tư, nay muốn xử lý, Nhà nước phải lập Hội đồng định giá, thẩm định tài sản; thì hội quán, nhà văn hóa khối, xóm là tài sản đa sở hữu, trong đó, Nhà nước, người dân và các cá nhân đóng góp (xã hội hóa), chính vì thế khi xử lý rất khó khăn.

Việc xử lý tài sản đất, nhà ở khu vực miền núi Nghệ An đang vướng nhiều khó khăn - Trong ảnh: Trung tâm xã Hữu Khuông nằm ờ vùng lòng hồ thủy điện bản Vẽ
Việc xử lý tài sản đất, nhà ở khu vực miền núi Nghệ An đang vướng nhiều khó khăn - Trong ảnh: Trung tâm xã Hữu Khuông nằm ờ vùng lòng hồ thủy điện bản Vẽ

Ông Nguyễn Trung Long, Trưởng phòng Quản lý công sản và đấu giá, Sở Tài chính chia sẻ: Do nhà văn hóa là tài sản của Nhân dân đóng góp nên muốn thanh lý phải lấy ý kiến Nhân dân. Trên thực tế, đa phần các địa phương sau khi lấy ý kiến, người dân đều kiến nghị để lại nhà văn hóa xóm, khối cũ để sinh hoạt cộng đồng. Việc xây dựng nhà văn hóa, hội quán mới sẽ do xã, huyện từng bước đầu tư.

Hiện tại, Nghệ An đang rốt ráo xử lý các vấn đề liên quan đến sáp nhập, tinh gọn bộ máy. Dự kiến phương án bố trí, sắp xếp, xử lý tài sản công khi sắp xếp đơn vị hành chính sẽ ưu tiên chuyển trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cấp huyện (sau khi bỏ cấp huyện) cho các đơn vị hành chính cấp cơ sở hoặc cơ quan Nhà nước khác có nhu cầu. Thực hiện hoán đổi trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp giữa các cấp tỉnh, huyện, xã và cơ quan Trung ương để tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có.

Các trụ sở, cơ sở dôi dư sẽ được xử lý theo quy định pháp luật, ưu tiên chuyển đổi công năng thành cơ sở y tế, giáo dục, hoặc phục vụ mục đích công cộng như thư viện, công viên, văn hóa, thể thao… Đối với xe ô tô, máy móc, thiết bị và tài sản khác, cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận nhiệm vụ sẽ được tiếp nhận tài sản tương ứng để thực hiện nhiệm vụ. Thêm nữa, xe ô tô phục vụ công tác chung của các đơn vị cấp huyện sau khi bỏ cấp huyện sẽ được phân bổ cho các đơn vị hành chính cấp cơ sở (xã, phường, đặc khu).

Riêng đối với 278 trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thì đã có kế hoạch, lộ trình gắn với các mốc xử lý cụ thể. Tuy nhiên, chậm nhất, vẫn là đến trước ngày 15/6/2025, các sở, ngành thẩm định phương án xử lý và thực hiện phương án xử lý tối đa 3 tháng kể từ ngày được phê duyệt phương án.