Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Xứ sở của những "lâu đài đất" mai này còn không!

Hiếu Anh - 10:48, 19/04/2021

Xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn xưa nay được biết đến với địa danh “xứ sở của những tòa lâu đài đất”. Bởi cho đến nay, Hữu Khánh vẫn còn giữ được gần 1.000 ngôi nhà trình tường cổ bằng đất sét. Tuy nhiên, điều lo lắng là, qua thời gian những ngôi nhà trình tường này đang bị xuống cấp trầm trọng; nếu không có các biện pháp bảo tồn khẩn cấp thì trong tương lai gần “những tòa lâu đài đất” này, sẽ chỉ còn trong hoài niệm của nhiều người.

Một góc bản làng ở Hữu Khánh, Cao Lộc, Lạng Sơn. Ảnh: Tư liệu
Một góc bản làng ở xã Hữu Khánh, Cao Lộc, Lạng Sơn. Ảnh: Tư liệu

Như miền cổ tích...

Men theo những chân núi quanh co, chúng tôi tìm đến xã Hữu Khánh khi mặt đất vẫn còn mờ hơi sương. Những "tòa lâu đài đất", thấp thoáng hiện lên đẹp như một miền cổ tích. Để tìm hiểu về nhà trình tường của người Tày, chúng tôi tìm gặp ông Hà Văn Dần ở bản Khiếng, xã Hữu Khánh. Ông Dần đã hơn 80 tuổi, là người từng lặn lội đi khắp các vùng Đông Bắc để dựng lại nhà trình tường cho các quan lang thời trước.

Ông Dần chia sẻ, việc làm nhà trình tường đòi hỏi những kỹ thuật vô cùng tỷ mẩn, công phu từ việc chọn hướng nhà, xem ngày, làm móng, dựng tường, làm gác, dựng mái... Thông thường, gia chủ chọn hướng mặt tiền về phía Nam, lưng dựa dãy núi hoặc mặt tiền hướng ra sông hồ. Theo kinh nghiệm dân gian, nhà được dựng ở vùng đất bằng phẳng, khô cứng, cạnh đó có rừng già, nhiều cây cổ thụ sẽ giúp cho đất ít bị sạt lở, xói mòn nên nhà sẽ rất chắc chắn.

Trình tường nhà đạt yêu cầu thường dày 40 - 45cm, cao khoảng 4,5 - 5m, trong lõi có xếp đá cục. Trình xong tường xung quanh, người Tày lấy gỗ lim, sến, pơ mu hoặc dổi làm khung nhà bên trong tường. Có một cửa ra vào và một hoặc hai cửa thông gió bên trái hoặc bên phải của lối đi. Bên trong có lần cửa thứ hai, cũng dày như tường ngoài. Sau lần cửa này là bếp và giường ngủ của gia chủ.

Theo kinh nghiệm của người Tày, nhà trình có tường tốt, tức là khi bị mưa hắt sẽ không ngấm nước. Điều đó chứng tỏ việc nện đất đã rất cẩn thận và lâu dài, nước mưa cũng không thể thấm vào khối đất được luyện từ những hạt đất nhỏ. Nhà trình tường vững chãi không khác gì những nhà xây hiện đại, có thể chống được gió bão, mùa đông thì ấm, lại thoáng mát về mùa hè. Người dân tộc Tày có thói quen dành một gian nhà sàn để làm bếp, trên gác bếp là nơi để sấy nông sản. Bếp lửa của họ ít khi tắt lửa, vì vậy, khói bốc lên bám vào trình tường, tạo thành một màu rêu phong cổ kính cho nhà trình tường.

Nhà trình tường đang dần mai một

Xã Hữu Khánh có 7 bản và gần 1.000 ngôi nhà trình tường còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, trong dãy nhà trình tường cổ kính kéo dài đến gần 3km, cũng đã mọc lên một số ngôi nhà xây  theo phong cách hiện đại.

Anh Nông Văn Hoàng, một người dân địa phương cho biết: "Ngày trước, tôi có dựng một ngôi nhà trình tường. Được mấy năm thì nhà bị đổ do rừng núi không còn cây cối nên đất nền bị sạt lở, rửa trôi, dựng nhà cũng không được chắc như ngày xưa nữa. Dân bản đã chuyển sang xây nhà gạch cả rồi".

Ông Nông Văn Nhói, Trưởng bản Khiếng tâm sự: Nhà trình tường là nét văn hóa đặc trưng của người Tày. Tuy nhiên, những ngôi nhà trình tường cổ, cũng khó tránh khỏi được sự bào mòn của thời gian. Bây giờ, những ngôi nhà xây khang trang theo kiểu hiện đại đang dần thay thế những ngôi nhà trình tường. 

"Cách đây vài năm, tôi nghe nói các cơ quan chức năng của Lạng Sơn đã về triển khai một dự án về bảo tồn nhà trình tường cổ ở Hữu Khánh để phục vụ du lịch. Dân làng mừng lắm, nhưng cuối cùng chỉ thấy vài ba cán bộ về khảo sát rồi bặt vô âm tín...", Trưởng bản Nhói bộc bạch

Chúng tôi rời Hữu Khánh khi trời đã nhá nhem tối, những dãy nhà trình tường cổ kính khuất dần sau dãy núi trong khói lam chiều lảng bảng. Bên tai vẫn nghe văng vẳng lời bộc bạch của cụ Hà Công Dẩn: "Nếu một buổi sớm mai thức dậy, không còn nhìn thấy những làn khói bay lên từ những ngôi nhà trình tường, với mái ngói âm dương thì sẽ buồn lắm...".

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.