Rời quê hương Bắc Kạn từ năm 1997, ông Sùng Văn Lùng đến lập nghiệp tại thôn Ea Lang, thuộc xã vùng sâu Cư Pui. Sau hơn 20 năm nỗ lực không ngừng nghỉ, từ gia cảnh nghèo khó, gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo và có thu nhập thuộc diện khá giả nhờ chuyển đổi nhiều diện tích đất rẫy sang trông cà phê kết hợp với nuôi bò.
Từ khi áp dụng mô hình trồng cây công nghiệp với chăn nuôi đại gia súc phục vụ nhu cầu của thị trường, thu nhập của gia đình ông không ngừng tăng lên. Hiện, gia đình ông Sùng Văn Lùng có hơn 1.000 cây cà phê đã cho thu hoạch ổn định với mức trung bình 2,5 tấn cà phê nhân/năm. Trong chuồng luôn duy trì 5 - 6 con bò vỗ béo để bán và 6 - 8 con bò chọi. Riêng bò chọi thì giá trị kinh tế khá cao, sau 2 năm nuôi dưỡng chăm sóc, mỗi con có giá 50 - 70 triệu đồng.
Ngoài tự học hỏi để thoát nghèo, ông Lùng còn tận tình giúp đỡ nhiều hộ dân trong vùng cách lựa chọn những con giống tốt để chăn nuôi đạt hiệu quả, nhờ đó nhiều gia đình đã thoát được cảnh khó khăn nghèo đói.
Còn ông Vàng A Chá (thôn Ea Uôl) nhiều năm qua đã thực hiện mô hình cây - con kết hợp. Khi đặt chân đến Cư Pui từ năm 2004, vốn liếng duy nhất là 2ha đất triền đồi gần nhà tự khai hoang, chủ yếu trồng ngô lai và sắn. Năm 2008, ông dành dụm mua được 2 con trâu cái sinh sản. Sau nhiều năm chăn nuôi, số trâu đã tăng lên và luôn duy trì số lượng khoảng 10 con. Hiện nay mỗi con trâu trưởng thành có giá hơn 50 triệu đồng, đã mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình ông.
Bên cạnh đó, ông Chá còn chuyển đổi diện tích đất sang trồng dứa đồi, mang lại hiệu quả cao, mỗi năm thu nhập bình quân đạt hơn 70 triệu đồng/ha. Tận dụng một ít đất vùng trũng thấp trồng cỏ chăn nuôi để giảm công chăm sóc cho đàn gia súc. Mô hình trồng dứa đồi kết hợp với nuôi trâu cũng đã mang về nguồn thu nhập 150 - 200 triệu đồng/năm.
Theo ông Chá, đây là mô hình kinh tế vừa tận dụng được quỹ đất, tận dụng được công lao động nhàn rỗi, cũng như nguồn thức ăn sẵn có để phát triển mô hình cây - con mang lại hiệu quả kinh tế cao. Gia đình ông có thêm nhiều điều kiện để mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ cuộc sống sinh hoạt cũng như có thêm nhiều điều kiện để nuôi con ăn học.
Hiện nay, nhiều bà con người Mông cũng đang mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích đất sang hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, từng bước góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương.
Ông Đinh Bảy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư Pui cho biết: “Từ khi phát triển mô hình sản xuất cây - con kết hợp, cuộc sống của nhiều hộ dân trở nên khấm khá hơn. Hội Nông dân xã đang khuyến khích bà con nhân rộng mô hình này để mang lại hiệu quả kinh tế hơn nữa”.
Nhờ chuyển sang mô hình trồng cây lâu năm kết hợp với nuôi bò nên giờ đây gia đình tôi đã thoát nghèo, mỗi năm sau khi trừ chi phí, bình quân lãi hơn 200 triệu đồng.
Ông Sùng Văn Lùng, thôn Ea Lang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông (Đăk Lăk).