Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Y Dấp - Niềm tự hào của đồng bào Rơ Măm

Phạm Nguyên - 18:37, 08/12/2022

Những ngày này, đồng bào Rơ Măm ở làng Le, xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum ai cũng vui mừng, khi hay tin em Y Dấp, người con của làng sẽ được vinh danh tại Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc tiêu biểu toàn quốc năm 2022, diễn ra vào ngày 10/12 này.

Em Y Dấp nhận bằng tốt nghiệp THPT
Em Y Dấp nhận Bằng tốt nghiệp THPT

Em Y Dấp (SN 2004) sinh ra và lớn lên tại làng Le trong một gia đình thuần nông, nhà có 3 chị em. Làng Le nằm gần biên giới Việt Nam - Campuchia, đây là nơi cư trú tập trung duy nhất của người Rơ Măm, 1 trong 14 DTTS có khó khăn đặc thù.

Cũng giống như nhiều gia đình khác ở làng Le, gia đình em Y Dấp sống dựa vào nương rẫy, chủ yếu là cây sắn, cao su và lúa nước. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên nhiều em trong làng chỉ học đến THCS, THPT thì nghỉ học để phụ giúp gia đình. Nhưng đối với Y Dấp, ngay từ khi học THCS, em đã nung nấu ý chí sẽ học tập thật tốt để có thể thi đỗ đại học, sau này tìm kiếm việc làm, giúp gia đình thoát khỏi cuộc sống khó khăn, giúp bà con trong làng thay đổi suy nghĩ và quan tâm nhiều hơn đến việc học tập của chính con em mình.

Sau khi tốt nghiệp THCS năm 2018, em Y Dấp rời nhà để về Tp. Kon Tum theo học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh Kon Tum. Dẫu xa nhà, xa bố mẹ, xa chị em, nhưng được sự quan tâm động viên của thầy cô, bạn bè, Y Dấp đã vượt qua tất cả để nỗ lực học tập. Y Dấp chia sẻ: Khi mới xuống trường, em cũng buồn vì xa nhà, còn ngỡ ngàng ở môi trường mới, nhưng thầy cô luôn quan tâm động viên và nhà trường lo đầy đủ chế độ để em an tâm học tập. Chính sự quan tâm của thầy cô đã thôi thúc em phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa để không phụ lòng quan tâm của thầy cô và sự kỳ vọng của gia đình.

Ngoài thời gian học tập, Y Dấp và các bạn học sinh Trường PTDTNT tỉnh Kon Tum thường xuyên tham gia tập luyện cồng chiêng, múa xoang
Ngoài thời gian học tập, Y Dấp và các bạn học sinh Trường PTDTNT tỉnh Kon Tum thường xuyên tham gia tập luyện cồng chiêng, múa xoang

Cô Đinh Thị Tú - giáo viên chủ nhiệm em Y Dấp cho biết: Điều kiện kinh tế của gia đình em rất khó khăn, nhưng trong quá trình tham gia học tập tại trường, bản thân em luôn cố gắng vượt khó, hòa đồng tham gia học tập cùng bạn bè trong lớp. Luôn có ý thức tích cực phát biểu trong giờ học, tương tác tốt với giáo viên và bạn bè. Trong sinh hoạt tại ký túc xá, em luôn hòa nhã, đoàn kết, được bạn bè và thầy cô yêu quý.

Với sự quan tâm của thầy cô và nghị lực vươn lên, trong 3 năm học tại Trường PTDTNT tỉnh Kon Tum, Y Dấp luôn đạt thành tích học sinh tiên tiến. Năm 2022, em thi đỗ tốt nghiệp THPT và được xét tuyển vào Học viện Dân tộc, chuyên ngành Kinh tế giáo dục vùng DTTS. Đó không chỉ là niềm vui của riêng Y Dấp, mà còn là niềm vui của gia đình, bà con ở làng Le và thầy cô giáo.

“Em chọn chuyên ngành Kinh tế giáo dục vùng DTTS để theo học vì em thấy ngành này có thể phục vụ được những công việc mà em mong muốn, phần khác giúp em hiểu hơn về văn hóa của nhiều vùng miền trong cả nước. Vì bản thân em cũng là người DTTS, nên em thấy ngành này rất phù hợp với em sau khi ra trường”, em Y Dấp chia sẻ.

Làng Le, xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy nơi gia đình em Y Dấp sinh sống
Làng Le, xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy nơi gia đình em Y Dấp sinh sống

Ông A Thái, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy cho hay: Những năm qua, đồng bào Rơ Măm luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư về kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, đặc biệt là đầu tư cho giáo dục để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con. Hiện nay, trong thôn có 2 em đang học đại học và 3 em học cao đẳng. Những thành tích mà em Y Dấp đạt được như hôm nay là niềm vui, niềm tự hào của đồng bào Rơ Măm chúng tôi và là tấm gương sáng để chúng tôi tuyên truyền cho các cháu trong làng noi theo. Bà con trong làng cũng mong muốn em Y Dấp tiếp tục học tập thật tốt, sau này ra trường trở về góp sức xây dựng cho quê hương Kon Tum phát triển và giàu đẹp hơn.

Trường PTDTNT tỉnh Kon Tum được thành lập năm 1988, trải qua gần 35 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã vươn lên trở thành trường Chuẩn quốc gia và là địa chỉ tin cậy của học sinh người DTTS.

Thầy giáo Hồ Thân Em - Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh Kon Tum cho biết: Hàng năm, nhà trường tuyển sinh được khoảng 10 em học sinh DTTS rất ít người. Đối với em Y Dấp là học sinh dân tộc Rơ Măm ở làng Le, xã Mô Rai, cách trường khoảng 70 km. Lúc mới vào trường, em còn nhút nhát, ngại giao tiếp, hổng kiến thức cơ bản. Nhà trường đã giao cho giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn kèm cặp riêng, các bạn trong lớp hỗ trợ. Sau một thời gian nỗ lực học tập, em đã lấy lại kiến thức cơ bản, tích cực tham gia các sinh hoạt, phong trào văn nghệ và đạt học sinh tiên tiến, đỗ tốt nghiệp THPT năm 2022. Một học sinh DTTS rất ít người như em Y Dấp ra Hà Nội học Đại học tại Học viện Dân tộc là một niềm tự hào của nhà trường, là niềm cổ vũ cho học sinh toàn trường vươn lên trong học tập, rèn luyện.

Em Y Dấp nỗ lực học tập để có kết quả tốt tại Học viện Dân tộc
Em Y Dấp nỗ lực học tập để có kết quả tốt tại Học viện Dân tộc

Hiện tại, việc học tập tại của Y Dấp tại Học viện Dân tộc rất thuận lợi, vì em là người DTTS rất ít người, có khó khăn đặc thù nên được miễn giảm 100% học phí. “Em sẽ cố gắng trong học tập, học hỏi nhiều hơn nữa, lấy mục tiêu của bản thân làm động lực để hoàn thành chương trình học tập đạt kết quả cao. Ước mong sau này tốt nghiệp ra trường, em sẽ tìm được công việc ổn định, giúp cho gia đình bớt khó khăn và góp một phần sức lực nhỏ bé cho công cuộc xây dựng quê hương Kon Tum ngày một giàu đẹp”, em Y Dấp chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.