Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Y Tim - Cô học trò người Xơ Đăng giàu nghị lực

Hồng Phúc - 08:42, 25/12/2023

Y Tim sinh ra ở Kon Tum, trong hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng em đã không ngừng nỗ lực vươn lên học tập. Em đã đỗ vào Khoa Giáo dục đặc biệt của trường Đại học Sư phạm với số điểm ấn tượng và đang từng ngày thực hiện ước mơ đẹp đẽ là trở thành cô giáo, đồng hành với những đứa trẻ thiệt thòi, kém may mắn trong cuộc sống.

BÀI TUYÊN DƯƠNG Y Tim: Cô học trò Xơ Đăng giàu nghị lực
Y Tim đã đỗ vào Khoa Giáo dục đặc biệt của trường Đại học Sư phạm

Tôi gặp và trò chuyện với Y Tim trong một ngày mùa đông lạnh giá ở Hà Nội. Cô gái mới tròn 18 nhưng có cách nói chuyện trưởng thành hơn hẳn so với những em cùng trang lứa. Có lẽ bởi nhiều năm đi học xa gia đình, Y Tim đã học cách sống độc lập, tự trải nghiệm nhiều điều để có thể mạnh mẽ vượt qua những quãng “trầm” trong cuộc sống của mình.

Y Tim chia sẻ về hoàn cảnh đặc biệt của mình, em sinh ra trong gia đình có 5 chị em ở Kon Tum. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, 6 tuổi bà nội đã đón Y Tim và em gái về Thanh Hoá sinh sống để san sẻ gánh nặng cùng bố mẹ. Y Tim sống với ông bà nội, năm em 11 tuổi ông nội mất, một mình bà nội nuôi hai chị em ăn học. Sống xa cha mẹ, xa chị em từ khi là một đứa trẻ, Y Tim đã thấm thía cái nghèo khó và luôn tự ý thức mình phải học thật giỏi để sau này thoát khỏi cái nghèo, để gia đình mình bớt khổ. Thế nhưng, đến năm lớp 8, mẹ em qua đời vì căn bệnh ung thư. Y Tim không kịp gặp mẹ lần cuối, đó là nỗi đau vẫn chưa hề nguôi ngoai trong em.

Hành trình theo đuổi con chữ của Y Tim đã học tập tại 2 ngôi trường THCS dân tộc nội trú huyện Ngọc Lặc và Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa. Dù những năm tháng ấy đầy những khó khăn, cô đơn vì thiếu vắng tình cảm của người thân nhưng chính hoàn cảnh ấy đã khiến Y Tim trở nên giàu nghị lực hơn và trưởng thành hơn.

“Đã có lúc em nghĩ đến việc bỏ học đi làm để phụ giúp bố và bà nuôi các em. Nhưng em biết có lẽ những khó khăn cũng chỉ là thử thách bản lĩnh của mình, em phải nỗ lực nhiều hơn. Dù hoàn cảnh kém may mắn, chịu nhiều thiệt thòi nhưng em nhận ra mình không có con đường nào khác ngoài việc mạnh mẽ đối diện với khó khăn, đau thương để học tập thật tốt, thay đổi cuộc đời mình. Bởi dưới em còn 2 em nữa, em phải làm gương để các em nhìn thấy, chúng em không được phép đầu hàng số phận”, Y Tim chia sẻ.

BÀI TUYÊN DƯƠNG Y Tim: Cô học trò Xơ Đăng giàu nghị lực 1
Ước mơ của Y Tim là trở thành cô giáo, đồng hành với những đứa trẻ thiệt thòi, kém may mắn trong cuộc sống.

Với tâm hồn nhạy cảm và sự chăm chỉ miệt mài học tập, Y Tim bộc lộ rõ năng khiếu học môn văn. Em đã chọn thi khối C vào Khoa Giáo dục đặc biệt của trường Đại học Sư phạm với số điểm ấn tượng: 27,75. Y Tim có một ước mơ rất đẹp: trở thành cô giáo của những học sinh “đặc biệt”. 

Y Tim chia sẻ: “Có lẽ tuổi thơ, cuộc đời em đã trải qua nhiều bất hạnh, tổn thương nên em luôn có sự đồng cảm với những hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống như các em khiếm thính, khuyết tật, tự kỉ,... Em muốn đồng hành cùng các em cùng vượt qua những khó khăn để hoà nhập với cuộc sống và sống một cuộc đời ý nghĩa hơn”.

Cô sinh viên năm nhất Y Tim đang dần chạm tay vào ước mơ của mình. Ở Hà Nội, em vừa đi học vừa đi làm thêm để tự mình trang trải chi phí sinh hoạt. Đến dự Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu lần thứ X, Y Tim không khỏi tự hào và xúc động: Em rất biết ơn gia đình, các thầy cô, bạn bè và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã tiếp bước cho em trên con đường đến trường, để em được tiếp tục thực hiện ước mơ của mình.

Chúng ta vẫn luôn tin rằng, đường gai góc sẽ nở nhiều hoa thơm, mong rằng cô gái Y Tim luôn vững vàng trong những chặng đường tiếp theo của cuộc đời! 

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.