Thôn Tấu Trên, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu có 205 hộ, chủ yếu người dân tộc Mông. Ông Thào A Chua, Bí thư Chi bộ cho biết, những năm qua, cùng với các cấp ủy, chính quyền, đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín đã phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, đoàn kết xây dựng cuộc sống văn hóa mới, do đó, tình hình an ninh trật tự tại địa phương được đảm bảo, các hủ tục lạc hậu được xóa bỏ, người dân trong thôn không bỏ văn hóa truyền thống, không đi theo đạo lạ.
Đặc biệt, để giúp đội ngũ "tuyên truyền viên" này có thêm kiến thức, kỹ năng trong tuyên truyền, vận động Nhân dân, từ nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái, Sở Tư pháp tỉnh, Công An tỉnh, Phòng Dân tộc huyện Trạm Tấu… đã phối hợp thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS và miền núi, đặc biệt là cho đội ngũ già làng, trưởng bản, lực lượng cốt cán, Người có uy tín…
Ông Mùa A Tủa, sinh năm 1942, Trưởng dòng họ Mùa thôn Tấu Trên, là già làng tiêu biểu. Ông Mùa A Tủa cho biết, dòng họ Mùa của ông có trên 40 hộ, mặc dù thời gian qua có xuất hiện đạo lạ, nhưng trong dòng họ của ông không có hộ nào theo đạo lạ. Theo ông Tủa, các cụ ngày xưa có theo đạo gì đâu, chỉ có thờ cúng tổ tiên thôi. Do đó, ông luôn dặn dò con cháu trong dòng họ phải gìn giữ truyền thống của tổ tiên, không được theo đạo lạ.
Để có thêm kỹ năng trong tuyên truyền, vận động, ông Tủa cũng thường xuyên tham gia các buổi tập huấn do Ban dân tộc tỉnh và các sở, ban, ngành tổ chức. Đặc biệt, mới đây, ông vinh dự khi đại diện cho đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín của xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu đi học tập kinh nghiệm tại Thành phố Huế và Thủ đô Hà Nội.
Ông bảo, qua chuyến đi, ông đã được thăm quan học tập các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả; thăm quan các mô hình bảo tồn văn hóa..., sau này khi tuyên truyền, vận động Nhân dân ông sẽ chia sẻ lại để người dân biết những việc bà con nơi khác làm tốt, từ đó tập trung phát triển kinh tế, bỏ các tập tục có hại để thôn bản phát triển hơn.
Nhằm giúp người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi nâng cao kiến thức về pháp luật, thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái tăng cường công tác phối hợp với các cấp, ngành tổ chức các buổi tuyên truyền và trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở. Đặc biệt là bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức để đội ngũ già làng, Người có uy tín, lực lượng cốt cán trở thành những "tuyên truyền viên" thực hiện các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả hơn.
Theo ông Vàng A Rùa, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Yên Bái, thực hiện Tiểu dự án 1. Dự án 10 về Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của Người có uy tín; phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào; truyền thông phục vụ tổ chức triển khai thực hiện Đề án, tỉnh Yên Bái đã tổ chức 15 hội nghị tuyên truyền pháp luật cho 1.065 người tham dự; tổ chức 04 hội nghị phổ biến, cập nhật kiến thức pháp luật cho 373 hoà giải viên tại huyện Văn, huyện Yên, huyện Trấn Yên, thị xã Nghĩa Lộ…
Đặc biệt, toàn tỉnh đã tổ chức 13 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 800 Người có uy tín; tổ chức 08 đoàn đại biểu cho 315 Người có uy tín đi học tập kinh nghiệm. Cấp 676 điện thoại thông minh, thành lập nhóm zalo “Người có uy tín tỉnh Yên Bái” để tăng cường cung cấp trao đổi thông tin hai chiều và nâng cao trách nhiệm của Người có uy tín với cộng đồng.
Cấp tỉnh, cấp huyện đã tổ chức các hội nghị biểu dương, tôn vinh Người có uy tín; tổng kết 10 năm thực hiện chính sách Người có uy tín, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen cho 45 Người có uy tín tiêu biểu, xuất sắc.