Với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Yên Bái đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, chung sức xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Yên Bái lần thứ IV, năm 2024 có nhiệm vụ đánh giá những thành tựu, kết quả đã đạt được trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và đại đoàn kết dân tộc; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2019 - 2024.
Nhìn lại sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu lần thứ III năm 2019, đã có 12/12 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của toàn tỉnh giảm từ 18,07% vào năm 2021 xuống còn 9,16% vào năm 2023 (bình quân giảm 4,45%/năm) vượt 0,45% so với mục tiêu Đại hội lần thứ III; Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông, đạt 100% (vượt 10% so với mục tiêu Đại hội); 95,3% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế (vượt 9,3% so với mục tiêu Đại hội); Tỷ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 93,5% (vượt 18,5% so với mục tiêu Đại hội)…
Để có được kết quả trên, giai đoạn 2019 - 2024, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Yên Bái đã tập trung lãnh đạo và triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống, vùng đặc biệt khó khăn. Công tác dân tộc, chính sách dân tộc được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm triển khai thực hiện. Cơ quan công tác dân tộc ở địa phương từng bước được củng cố, kiện toàn. Các chương trình, chính sách dân tộc và 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 được triển khai thực hiện nghiêm túc. Từ các nguồn lực đầu tư hỗ trợ của các chương trình, chính sách dân tộc đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi.
“Nhờ đó, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh Yên Bái đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, đời sống của Nhân dân được nâng lên, GRDP bình quân đầu người từ 37,1 triệu đồng năm 2019 tăng lên 50,8 triệu đồng năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS giảm bình quân 6,98%/năm, đạt và vượt kế hoạch đề ra… Đồng bào các DTTS phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua những khó khăn, đóng góp công sức, trí lực, tài sản trong thực hiện chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển”, ông Trần Xuân Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác dân tộc, chính sách dân tộc, Yên Bái vẫn còn những hạn chế nhất định: Đời sống của một bộ phận Nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn. Chất lượng giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS còn cao; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường chuyển biến chậm.
Kết cấu hạ tầng nông thôn của tỉnh tuy đã được tăng cường đầu tư, song còn thiếu so với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, sinh hoạt của người dân, nhất là các xã, thôn bản vùng sâu, vùng xa. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa ở vùng DTTS so với mặt bằng chung của tỉnh vẫn còn thấp. Việc triển khai một số chương trình, chính sách, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS còn chậm…
Từ những kết quả đã đạt được cũng như nhìn nhận thực tế những tồn tại, hạn chế trong 5 năm qua; giai đoạn 2024-2029 tỉnh Yên Bái sẽ tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm DTTS còn nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù.
Đồng thời, khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, địa phương thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững; phấn đấu từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, giữa các dân tộc. Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh, sản xuất nông, lâm nghiệp, thương mại, dịch vụ, kết nối vùng sản xuất hàng hoá.
Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; đầu tư, phát triển du lịch gắn với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS. Đẩy mạnh phát triển mạng lưới y tế ở cơ sở, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, tạo niềm tin vững chắc của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước.