Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

25 năm Những thành quả mở rộng diện an sinh xã hội

Hồng Phúc - 07:15, 08/02/2021

Sau 25 năm thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã thể hiện vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của nước ta, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, chính sách BHXH, BHYT còn trở thành “điểm tựa” quan trọng giúp đồng bào DTTS giảm nghèo bền vững.

Một buổi tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện của BHXH huyện Thạch Thành (Thanh Hóa)
Một buổi tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện của BHXH huyện Thạch Thành (Thanh Hóa)

Tấm thẻ yêu thương

Còn nhớ, chợ phiên xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) vào tháng 11/2020 trở nên đặc biệt. Vì tại phiên chợ có thêm một gian hàng tuyên truyền, tư vấn người dân về chính sách BHXH tự nguyện. Gian hàng được treo băng rôn, khẩu hiệu, phát loa truyền thanh tuyên truyền rất rộn rã. Cán bộ bảo hiểm phát tờ rơi, gặp gỡ trò chuyện từng người. Do đó, gian hàng đã thu hút được nhiều người dân quan tâm. Và kết quả, ngay sau đó, đã có 12 người trực tiếp đăng ký tham gia BHXH tự nguyện.

Chị Bàn Thị Dung, xã Kim Bình chia sẻ: “Mong muốn tham gia BHXH tự nguyện, nhưng chúng tôi không có thời gian tìm hiểu. Giờ đi chợ tranh thủ gặp gỡ cán bộ bảo hiểm tìm hiểu luôn. Ngày trước, tôi nghĩ người làm nông như tôi thì không có lương hưu. Nhưng bây giờ tôi biết, mình hoàn toàn có cơ hội đó và sẽ tham gia BHXH tự nguyện để nhận được lương hưu khi về già”.

Chiêm Hóa là huyện có 78% dân số là đồng bào DTTS. Tính đến 30/11/2020, huyện đã phát triển được 1.931 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 105% kế hoạch năm 2020 BHXH tỉnh Tuyên Quang giao.

Với phương châm tuyên truyền “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, “mưa dầm thấm lâu”, giống Chiêm Hóa, nhận thức về tầm quan trọng của chính sách BHXH tại nhiều vùng đồng bào DTTS trên cả nước ngày càng được nâng cao.

Năm 2020 là một năm kỳ lạ, bởi chưa bao giờ Việt Nam và cả thế giới phải đương đầu với một dịch bệnh chưa từng có tiền lệ và dai dẳng như Covid-19. Năm nay, chúng ta còn phải hứng chịu những thiệt hại lớn từ thiên tai, bão lũ.

Trong bối cảnh đó, những chính sách BHXH, BHYT đã phát huy hiệu quả tích cực giúp hàng triệu người dân, người lao động vượt qua khó khăn, không bị áp lực về tài chính, ổn định cuộc sống; giúp người sử dụng lao động không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc cho người lao động và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Trong năm 2020, ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết gần 134 nghìn người hưởng mới BHXH hằng tháng; cả nước đã có 1.006.728 người được hưởng bảo hiểm thất nghiệp (tăng 24% so với cùng kỳ năm 2019); 1.676 đơn vị, doanh nghiệp được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tương ứng với số tiền là 630 tỷ đồng…

Ngành BHXH Việt Nam bảo đảm 100% người nghèo, người DTTS… được cấp thẻ BHYT
Ngành BHXH Việt Nam bảo đảm 100% người nghèo, người DTTS… được cấp thẻ BHYT

Những điểm sáng tích cực

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến nay, diện bao phủ BHXH được mở rộng với hơn 16,1 triệu người tham gia, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện gần 1,1 triệu người, tăng 90% so với năm 2019.

Số người tham gia BHYT khoảng 88 triệu người, chiếm 90,85% dân số, vượt 0,15% chỉ tiêu Nghị quyết số 01 của Chính phủ giao, tăng 25,6% so với năm 2015. Trong khi mức đóng BHYT bình quân ở nước ta chỉ khoảng 1,1 triệu đồng (so với các nước trong khu vực như Philippines, chúng ta chỉ bằng 1/3, so với Thái Lan chỉ bằng 1/4), nhưng số chi từ quỹ BHYT cho người tham gia luôn chiếm tỷ lệ cao trong chi phí khám, chữa bệnh. Trong năm 2020, quỹ BHYT đã chi trả phí khám, chữa bệnh BHYT cho gần 167,3 triệu lượt người, tăng 28,4% so với năm 2015.

Việc được tham gia BHYT không chỉ giúp người nghèo, cận nghèo tiếp cận thuận lợi hơn với các dịch vụ y tế ngay từ cơ sở, được bảo đảm sức khỏe tốt hơn, mà còn giúp họ vượt qua được những khó khăn về tài chính khi không may gặp phải rủi ro về sức khỏe, nhất là khi mắc phải những bệnh nặng, phải điều trị dài ngày…

Kết quả đó, cũng góp phần tích cực vào việc giảm nghèo, hạn chế tái nghèo. So với các quốc gia phát triển trên thế giới, để đạt mục tiêu BHYT toàn dân cần từ 40 đến 80 năm, trong khi Việt Nam là 17 năm.

Giờ đây, cánh cửa an sinh đang rộng mở đối với người dân. Có thể thấy, chính sách BHXH tự nguyện, đang giúp nhiều người dân giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, giúp bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống cho mỗi người khi hết tuổi lao động... Bởi đằng sau cuộc sống lam lũ, cơ cực của họ là sự sẻ chia, đồng hành của chính sách BHXH, BHYT đầy tính nhân văn.

Bước sang năm 2021, với quyết tâm cao nhất trong thực thi nhiệm vụ, gắn với phương châm hành động: “Kỷ cương, đoàn kết, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”, toàn ngành BHXH Việt Nam sẽ tập trung triển khai 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao: Số người tham gia BHXH đạt khoảng 35,2% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 0,2% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 28,5% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 0,5% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28; số người tham gia BHYT đạt tỷ lệ khoảng 91,58% dân số.

Tin cùng chuyên mục
Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) rất lớn, đây được xem là tiềm năng, lợi thế để người dân sống nhờ rừng thêm cơ hội và điều kiện để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng. Việc khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), có ý nghĩa quan trọng, để người dân có thêm điều kiện phát huy giá trị kinh tế ổn định cuộc sống và phát triển bền vững từ rừng.