Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

65 năm đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại

Minh Thu - 08:27, 12/05/2024

Cách đây 65 năm, thực hiện Nghị quyết 15 của BCH Trung ương Đảng về cách mạng miền Nam, ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho đoàn công tác quân sự đặc biệt (Đoàn 559) do Thượng tá Võ Bẩm làm trưởng đoàn có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường Miền Nam.

Đường Hồ Chí Minh đi qua xã Bha Lê (đoạn ngã ba Tây Giang, tỉnh Quảng Nam; Ảnh: Huy Đằng).
Đường Hồ Chí Minh đi qua xã Bha Lê (đoạn ngã ba Tây Giang, tỉnh Quảng Nam; Ảnh: Huy Đằng).

“Con đường huyền thoại”

Để bảo đảm tuyệt đối bí mật của công tác chi viện, khẩu hiệu có tính chất mệnh lệnh lúc đó của Đoàn 559 là: Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng.

Ngày 13/8/1959, chuyến hàng đầu tiên vượt Trường Sơn bằng phương thức gùi thồ, các chiến sĩ Đoàn 559 đưa tới Tà Riệp (A Lưới, Thừa Thiên Huế). Chuyến hàng đầu tiên tuyệt đối bí mật và an toàn làm nức lòng cán bộ chiến sĩ Liên khu 5 và toàn miền Nam, khẳng định quyết định lịch sử đúng đắn thành lập Đoàn 559 của Đảng và Bác Hồ.

Năm tháng sẽ qua đi, nhưng huyền thoại về con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh một kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại trong thế kỷ XX mãi mãi là niềm tự hào của Quân đội ta và dân tộc ta.

Cố Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ), Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn

Tuyến giao liên và vận chuyển bằng gùi thồ đã hình thành và hoạt động hiệu quả ở Trường Sơn. Song thấy tầm chưa đủ nên hai đảng, hai nhà nước Việt Nam và Lào thống nhất cho Đoàn 559 khẩn trương lật cánh sang tây Trường Sơn mượn đất bạn Lào để mở tuyến chi viện. Cuối tháng 12/1961, tuyến đường mới được mở nối liền đường 12 thông tới đường số 9 đến Mường Phìn, tỉnh Savana khet. Đây là một bước phát triển rất quan trọng của tuyến chi viện chiến lược 559 đường Hồ Chí Minh, từ thế độc tuyến đông Trường Sơn Đoàn 559 mở thêm tuyến theo biên giới Việt Lào. Đặc biệt quan trọng là đường tây Trường Sơn từ gùi thồ, đã mở thêm 200km cho xe cơ giới, mở ra một bước đột phá mới về phương thức chi viện năng suất cao hơn, kết quả gấp nhiều lần, để đáp ứng cho chiến trường.

Sau hơn 18 tháng thực hiện nhiệm vụ chi viện đạt được kết quả quan trọng, cách mạng đã mở tuyến giao liên, vận tải quân sự dài hàng trăm cây số trong điều kiện vô cùng khó khăn gian khổ, địa hình bị chia cắt, kẻ thù ngăn chặn rất quyết liệt.

Cán bộ chiến sĩ Đoàn 559 đã anh dũng vượt qua bom đạn, vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí, khí tài thiết yếu để giao cho lực lượng vũ trang nhân dân Liên khu 5 và Tây Nguyên, tuyến giao liên đường bộ đã đưa hơn hai ngàn cán bộ chiến sĩ đến các chiến trường an toàn.

Tổng quân ủy Trung ương đánh giá: Đoàn 559 đã đảm nhận một nhiệm vụ rất vinh quang, góp phần cống hiến quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, tạo nên bản hùng ca xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.

Những ngôi làng của đồng bào Gié Triêng ven đường Hồ Chí Minh (đoạn qua đèo Lò Xo; Ảnh: Huy Đằng)
Những ngôi làng của đồng bào Gié Triêng ven đường Hồ Chí Minh (đoạn qua đèo Lò Xo; Ảnh: Huy Đằng)

Đối mặt với kẻ thù tàn bạo, Đoàn 559 phát triển nhanh chóng lực lượng, đảm nhận nhiệm vụ chi viện cho miền Nam ruột thịt. Từ 500 cán bộ chiến sĩ đầu tiên 1959, ngày 23/10/1961 Đoàn 559 đã trở thành đơn vị tương đương cấp sư đoàn. Đến ngày 3/4/1965, Thường trực quân ủy Trung ương ra nghị quyết nâng cấp Đoàn 559 thành Bộ Tư lệnh 559, tương đương cấp quân khu. Tháng 10/1970, Trường Sơn chính thức trở thành một chiến trường quan trọng và rộng lớn. Đến năm 1973 - 1975, Bộ tư lệnh 559 - Trường Sơn đã có lực lượng hùng hậu với 9 sư đoàn binh chủng cùng 21 trung đoàn trực thuộc, quân số 10 vạn cán bộ, chiến sĩ và 1 vạn thanh niên xung phong (TNXP).

Cố Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ), Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đã khẳng định: “Năm tháng sẽ qua đi, nhưng huyền thoại về con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh một kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại trong thế kỷ XX mãi mãi là niềm tự hào của Quân đội ta và dân tộc ta”.

Khu du lịch cộng đồng Tà Làng, thôn A Zứt, xã Bha Lê, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam (Ảnh: Huy Đằng).
Khu du lịch cộng đồng Tà Làng, thôn A Zứt, xã Bha Lê, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam (Ảnh: Huy Đằng).

Sứ mệnh lịch sử mới

Sau ngày đất nước thống nhất (năm 1975), đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh mang sứ mệnh lịch sử mới, đó là con đường tương lai giàu có của Tổ quốc ta. Ðó cũng là con đường đoàn kết của các dân tộc, của ba nước Ðông Dương.

Xác định tầm quan trọng đặc biệt đó, Đảng, Chính phủ đã quyết tâm đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh để “con đường huyền thoại” tiếp tục viết lên những thành tựu mới trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước.

Ngày 5/4/2000, Dự án đường Hồ Chí Minh được chính thức phát lệnh khởi công tại cầu Xuân Sơn, tỉnh Quảng Bình. Công trình trọng điểm quốc gia mang ý nghĩa đặc biệt từ lịch sử đến kinh tế của Việt Nam, có tổng chiều dài hơn 3.000km đi qua 30 tỉnh thành, bắt đầu từ Cao Bằng đi qua các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và kết thúc ở Cà Mau. Đến nay, dự án đã hoàn thành hơn 2.300km cùng hàng trăm km tuyến nhánh…

Dự án góp phần đẩy mạnh kết nối giao thông, liên kết vùng, nâng cao đời sống đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây, tạo điều kiện cho các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa phát triển, rút ngắn khoảng cách miền núi với đồng bằng, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Đường Trường Sơn qua đèo Chư Poong, tỉnh Gia Lai năm 1974 (Ảnh Tư liệu)
Đường Trường Sơn qua đèo Chư Poong, tỉnh Gia Lai năm 1974 (Ảnh Tư liệu)

Thực tế cho thấy Đường Hồ Chí Minh đi đến đâu, cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây, đổi thay đến đó. Trên tuyến đường này, đường dây 500 KV Bắc - Nam lượn qua núi, vượt trùng mây đã giải quyết căn bản tình trạng thiếu điện của miền Nam và miền Trung. Dọc dãy Trường Sơn, những nhà máy thủy điện được hình thành và đang hòa vào mạng lưới điện quốc gia, góp phần công nghiệp hóa đất nước.

Đến nay, đường Hồ Chí Minh đã và đang mở ra một giai đoạn phát triển, một kỳ tích mới của tuyến đường huyền thoại năm xưa nói riêng và của cả đất nước nói chung. Không chỉ là một tuyến đường xuyên Việt thứ 2 có ý nghĩa quan trọng về mặt giao thông khi phá vỡ thế độc đạo của Quốc lộ 1, Đường Hồ Chí Minh đã tạo thành hệ thống trục ngang nối hai miền Đông, Tây của đất nước, góp phần tích cực vào công cuộc hiện đại hóa đất nước.

Đường Hồ Chí Minh còn đi qua nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng như Vườn Quốc gia Cúc Phương, di tích Lam Kinh, Bến En, khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông, Di sản Thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, Vườn Quốc gia Bạch Mã, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, Khu Di tích Kim Liên - Nam Đàn quê Bác, Ngã ba Đồng Lộc, Khe Giao, Long Đại, Xuân Sơn, Hang Tám Cô, Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn... đang góp phần tạo sự khởi sắc, thu hút du khách trong nước và quốc tế tới tham quan, nghiên cứu, học tập, nhất là giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc.