Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

74 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ: 'Bữa cơm tri ân' ấm áp nghĩa tình

PV - 19:29, 24/07/2021

Khác với mọi ngày, hôm nay, căn nhà của mẹ Ngô Thị Đỉu ở xóm 6, xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đông vui hơn khi có sự xuất hiện của các bạn đoàn viên, thanh niên và hội viên Hội Phụ nữ xã.

Chương trình “Bữa cơm tri ân” nhằm tri ân những thế hệ đi trước đã hi sinh máu thịt của mình vì độc lập dân tộc nhằm giáo dục thế hệ trẻ luôn khắc ghi và nhớ đến đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Chương trình “Bữa cơm tri ân” nhằm tri ân những thế hệ đi trước đã hi sinh máu thịt của mình vì độc lập dân tộc nhằm giáo dục thế hệ trẻ luôn khắc ghi và nhớ đến đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Từng thành viên, mỗi người một việc bắt tay chuẩn bị bữa cơm trưa. Các bạn đoàn viên, thanh niên còn dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, làm đất, tạo luống vuông vắn trên mảnh vườn nhỏ trước nhà mẹ Đỉu.

 Mâm cơm tươm tất được dọn ra, thắp nén hương lên bàn thờ chồng là Liệt sỹ Ngô Xuân Tấn, mẹ Đỉu xúc động nói: “Gần 50 năm kể từ ngày ông mất, Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp luôn quan tâm, động viên, nhất là mỗi dịp Lễ, Tết. Sắp đến ngày 27/7, hôm nay có các cháu đoàn viên, thanh niên đến nhà làm cơm, tưởng nhớ đến ông. Tôi vui lắm, xúc động lắm”.

Mẹ Đỉu có 2 người con gái đều đã lập gia đình và ở riêng nên mẹ sống một mình. Dù đã gần 80 tuổi nhưng mẹ còn rất minh mẫn. Mẹ kể, mẹ lấy chồng khi 18 tuổi, ở với nhau được 5 ngày thì ông đi bộ đội chiến đấu khắp các tỉnh miền Trung từ Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh... rồi sang Campuchia. Thời điểm đó, chiến tranh ác liệt nên ông đi suốt, 9 năm trôi qua, trong một lần đi công tác ông mới có dịp ghé qua nhà. Sau hôm đó, mẹ có thai và sinh được chị Ngô Thị Hiền. Thời điểm đó, mẹ phải chịu nhiều điều tiếng bởi ông đi biền biệt mà mẹ lại có thai. Một năm sau, ông được về phép, lúc này, mọi nghi ngờ mới được giải tỏa.

Ông được nghỉ phép gần 3 tháng, mẹ có bầu cô con gái thứ 2. Trước khi lên đường, ông còn cẩn thận chuẩn bị củi đốt để mẹ sưởi ấm khi sinh. Thế nhưng không ngờ đây cũng là lần cuối cùng hai vợ chồng được ở bên nhau. Ông đi hôm trước, hôm sau mẹ nhận được tin báo ông hy sinh ở Cửa Việt, Quảng Trị.

Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Hưng Lợi Trần Thị Huyền cho biết, hàng năm, Đoàn Thanh niên xã đều phối hợp với các đoàn thể thực hiện nhiều chương trình tri ân nhân Ngày Thương binh-Liệt sỹ 27/7. Trong đó, Đoàn xã đã tổ chức cho các đoàn viên, thanh niên vệ sinh nhà bia tưởng niệm, giúp đỡ gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng...

Năm nay, các đoàn viên, thanh niên rất vui khi tổ chức “Bữa cơm tri ân” tại gia đình mẹ Đỉu. Được nghe câu chuyện người thật việc thật về những mất mát, đau thương của các mẹ, em thật sự rất xúc động. Đây là dịp để thế hệ trẻ chúng em ôn lại truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tri ân những người đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc. Thế hệ trẻ chúng em sẽ cố gắng, nỗ lực hết mình, không ngừng học tập, rèn luyện để trở thành những người có ích cho xã hội."

Các đoàn viên thanh niên xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh vườn cho mẹ Ngô Thị Đỉu vợ liệt sĩ Ngô Xuân Tấn.
Các đoàn viên thanh niên xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh vườn cho mẹ Ngô Thị Đỉu vợ liệt sĩ Ngô Xuân Tấn.

Tháng 7 hàng năm, cả nước đều hướng về Ngày Thương binh-Liệt sỹ 27/7, các tổ chức, đoàn thể tại địa phương đã có nhiều hoạt động thiết thực tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ, thăm hỏi các thương bệnh binh, gia đình người có công với cách mạng. Tại Nghệ An, đây cũng là năm thứ 4, các tổ chức Đoàn cơ sở triển khai chương trình “Bữa cơm tri ân”, qua đó thể hiện sự biết ơn các thế hệ đi trước đã hy sinh vì độc lập dân tộc, vừa giáo dục thế hệ trẻ về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An Phạm Văn Toàn cho biết: Ban Thường vụ Tỉnh đoàn triển khai đến tất cả cơ sở Đoàn tổ chức các hoạt động hướng tới Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7. Trong đó, các tổ chức Đoàn cơ sở phối hợp Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và các tổ chức chính trị - xã hội khác thực hiện "Bữa cơm tri ân".

Tùy điều kiện thực tế, mỗi đơn vị, tổ chức ít nhất một bữa cơm tại gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng hoặc thân nhân liệt sỹ, người có công trên địa bàn. Đây cũng là dịp để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất của lớp lớp cha anh đi trước, bồi đắp tình yêu quê hương, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", ghi nhớ công ơn to lớn của các anh hùng, liệt sỹ, người có công với đất nước.