Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Ấm áp Tết Xíp xí ở Kbang

PV - 10:43, 26/08/2021

Bà con người Thái trắng và Mường quê gốc Sơn La, cư trú tại huyện Kbang (Gia Lai) vừa đón một cái Tết Xíp xí đơn giản, nhưng không kém phần ấm áp ngay giữa mùa dịch.

Mâm cỗ của người Thái đãi khách trong ngày Tết Xíp xí
Mâm cỗ của người Thái đãi khách trong ngày Tết Xíp xí

Nét văn hóa truyền thống

Gia đình ông Cầm Văn Viện (dân tộc Thái, tổ 9, thị trấn Kbang) năm nào cũng tổ chức đón Tết Xíp xí. Năm 1998, ông Viện cùng một người bạn rời quê hương Phù Yên (Sơn La) vào Kbang làm nhân viên bảo vệ rừng cho Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa (xã Krong). Sau này, ông lập gia đình, vợ là người dân tộc Nùng, quê gốc Lạng Sơn. Ông Viện chia sẻ: “Tết Xíp xí nguyên gốc là của người Thái trắng. Sau đó, người Mường vùng Sơn La cũng tổ chức đón Tết này”.

Suốt hơn 15 năm rời quê hương Sơn La vào lập nghiệp tại xã Krong, gia đình chị Đinh Thị Chuyên (dân tộc Mường) năm nào cũng đón Tết Xíp xí. Theo chị Chuyên, Tết Xíp xí (hay còn gọi là Tết trẻ em) tương tự Tết cổ truyền của người Việt. Tết Xíp xí chứa đựng triết lý nhân văn, thể hiện sự quan tâm của người Mường dành cho thế hệ nối tiếp.

Tết Xíp xí diễn ra trong 2 ngày 14 và 15 tháng Bảy Âm lịch, trong đó, 14 là ngày chính. Trong 2 ngày này, trẻ con được mặc quần áo mới và thỏa sức chơi đùa, không phải làm việc gì cả. Người lớn cũng kiêng kị không la rầy đám trẻ, nếu chúng vô tình làm điều gì không vừa ý.

Năm nay, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nên gia đình chị Chuyên không tổ chức Tết Xíp xí cầu kỳ và hoành tráng như mọi năm. “Tôi mua sắm quần áo mới cho 2 đứa con và nấu những món ăn truyền thống để dâng cúng gia tiên”, chị Chuyên nói.

Trên mâm cúng ngày Tết Xíp xí luôn có các món ăn truyền thống như: Xôi ngũ sắc, thịt vịt, rau, măng, cá nướng... Các loại rau phải đủ vị ngọt, đắng, cay. Đặc biệt, mâm lễ vật dâng cúng không thể thiếu bánh ít uôi. Bánh ít uôi có ý nghĩa tương tự như bánh chưng trong Tết Nguyên đán và được làm từ bột gạo nếp. Nhân bánh có 2 loại: Nhân chay dùng bột đậu xanh; nhân mặn là thịt heo ba chỉ bằm nhuyễn với hành, ngò. Bánh được gói trong lá chuối hoặc lá dong.

Món phổ biến thứ hai trong ngày Tết Xíp xí là thịt vịt. Theo ông Viện, người Thái chọn thịt vịt bởi đây là món trẻ em ưa thích, lại có tính mát, nên rất tốt cho sức khỏe. Về quan niệm dân gian, người Thái cho rằng “vịt luôn bơi xuôi theo dòng nước”, ngụ ý mong những khó khăn, trắc trở trong cuộc sống sẽ trôi đi.

Vui Tết không quên phòng - chống dịch

Về thăm các gia đình người Thái trắng và Mường ở Kbang trong ngày Tết Xíp xí sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng món xôi ngũ sắc đẹp lung linh. Để có mâm xôi đẹp mắt, người phụ nữ trong nhà phải mất khá nhiều công sức. Đây cũng là món ăn truyền thống của người Thái trắng mỗi dịp nhà có việc cúng giỗ.

Bánh ít uôi có ý nghĩa tương tự như bánh chưng trong Tết Nguyên đán và được làm từ bột gạo nếp
Bánh ít uôi có ý nghĩa tương tự như bánh chưng trong Tết Nguyên đán và được làm từ bột gạo nếp

Tết Xíp xí là cái Tết được trẻ em người Thái trắng và Mường mong chờ. Em Cầm Thị Huyền Diệu, con gái ông Viện, bày tỏ: “Xíp xí là ngày Tết truyền thống của dân tộc, ngày người lớn dành nhiều sự quan tâm cho trẻ em. Hơn nữa, mỗi dịp Tết, chúng em được gặp gỡ nhiều người thân, được ăn các món ngon và có thêm quần áo đẹp”.

Năm nay, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến không khí ngày Tết Xíp xí ít nhiều vơi bớt rộn ràng. Dẫu vậy, bà con không lấy đó làm buồn. Bởi ai cũng hiểu đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, chính quyền địa phương kêu gọi hạn chế tập trung đông người. “Mọi người gọi điện hỏi thăm, chúc tụng nhau. Tuy cách thức đón Tết ít nhiều khác đi, nhưng ý nghĩa không thay đổi. Mọi người vẫn dành sự quan tâm cho nhau”, ông Viện cho biết./.


Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.