Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

An Giang: Nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ đồng bào Chăm vượt qua đại dịch

N.Tâm - H.Diễm - 19:10, 06/10/2021

An Giang là tỉnh có đông đồng bào Chăm sinh sống nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có khoảng 17.000 người sống ở các huyện An Phú, Phú Tân, Châu Phú và thị xã Tân Châu. Thời gian qua, dịch bệnh bùng phát tại các khu vực có đông đồng bào Chăm ở An Giang, với hàng trăm ca F0 là người dân tộc thiểu số (DTTS). Trước tình hình này, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp khống chế dịch bệnh; đồng thời tích cực hỗ trợ đồng bào là F0 và những người thân của họ yên tâm điều trị, vượt qua khó khăn do đại dịch.

Hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân trong vùng cách ly phong tỏa
Hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân trong vùng cách ly phong tỏa

Trong những ngày gần đây, thị xã Tân Châu liên tục xuất hiện nhiều ca nhiễm mới. Thực hiện chiến dịch bóc tách F0, tỉnh đã tăng cường cho Tân Châu 260 người, gồm lực lượng y tế và công an. 

Cùng với đó, Thị xã tập trung làm tốt công tác an sinh xã hội, không để người dân nào ở các khu phong tỏa, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vùng đồng bào DTTS bị thiếu lương thực, thực phẩm. Thời gian qua, hình ảnh của lực lượng phòng, chống dịch đang làm nhiệm vụ test nhanh Covid-19, hay tặng nhu yếu phẩm tận nhà, hoặc đi chợ hộ đã dần quen thuộc với đồng bào Chăm nơi đây.

Đồng bào Chăm theo Hồi giáo tuân thủ nghiêm giáo luật vào mọi sinh hoạt đời thường, trong đó, đặc biệt là ăn uống. Anh Mô Ha Mách Du Sô ở ấp Phủm Soài, xã Châu Phong kể, anh là ca bệnh F0, sau thời gian điều trị tại bệnh viện, anh khỏi bệnh về nhà, cả gia đình anh thực hiện nghiêm quy định về cách ly y tế phòng dịch. 

Trong những ngày này, gia đình được cán bộ đến tận nhà hỗ trợ gạo và thực phẩm; nắm bắt nhu cầu sinh hoạt, những đồ ăn, nước uống dùng được của gia đình để mua hộ. Còn cán bộ y tế, thường xuyên thăm hỏi, cấp thuốc và khẩu trang cho hàng chục hộ ở ấp Phủm Soài này. 

"Gia đình thuộc diện khó khăn là hộ DTTS, nên mới đây còn được nhận tiền hỗ trợ của Ủy ban Dân tộc. Chúng tôi rất cảm động, mang ơn cán bộ tham gia phòng, chống dịch nhiều lắm, nhưng sau này gặp lại có biết ai mà cảm ơn. Bây giờ nhìn ai cũng giống nhau từ đầu đến chân, trong bộ đồ bảo hộ”, anh Du Sô cho biết thêm.

Cũng sau 2 tuần vào cuộc “Chống dịch như chống giặc”, từ là điểm nóng của tỉnh, đến nay huyện An Phú - nơi có đồng bào Chăm sinh sống đông nhất tỉnh, đã kiểm soát dịch bệnh.Tuy nhiên, qua đợt bùng phát đã đưa số ca nhiễm Covid-19 tại huyện này lên gần 1.500 ca (nhiều nhất tỉnh).

Ông Ngô Công Thức, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện An Phú cho biết, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, với sự vào cuộc của lực lượng vũ trang, phối hợp với địa phương và các lực lượng liên quan, tiến hành truy vết, khoanh vùng, dập dịch, tính tới thời điểm 3/10, tỉnh đã hoàn toàn kiểm soát được các ổ dịch. Đồng thời, tổ chức chăm lo cuộc sống, an sinh cho đồng bào.

Hiện tại, địa phương đang tiếp tục thực hiện công tác sàng lọc, bóc tách các F0 đưa đi điều trị và tổ chức tiêm ngừa vắc xin kịp thời cho người dân tại các “điểm nóng”. "Năm nay, địa phương động viên đồng bào Khmer đón lễ Sendolta tại nhà; đồng bào Chăm thực hiện nghi lễ cầu nguyện tại nhà, không đến thánh đường. Các lực lượng tiếp tục cung cấp lương thực, thực phẩm cho hộ khó khăn trong khu phong tỏa và cách ly y tế. Mọi sự quyết liệt của chúng tôi nhằm nhanh chóng chuyển các ổ dịch từ “vùng đỏ” sang “vùng xanh” trong thời gian sớm nhất”, ông Thức cho biết thêm

Đại tá Nguyễn Thượng Lễ, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh An Giang chia sẻ: Do đồng bào Chăm theo Hồi giáo Islam tuân thủ nghiêm những quy định của giáo luật, muốn đồng bào thực hiện nghiêm phòng, chống dịch, thì phải có biện pháp hỗ trợ cho đồng bào giữ giáo Luật. Qua đó, lực lượng cùng với địa phương tổ chức những đoàn công tác xuống cơ sở trao tặng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, những loại mà đồng bào dùng được trong bữa ăn của mình”.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.