Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

An ninh lương thực và quyền lợi của nông dân

Sỹ Hào - 22:29, 28/04/2020

Là “vựa lúa” của cả nước nên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang gánh trên vai trách nhiệm vừa bảo đảm an ninh lương thực (ANLT) quốc gia, vừa là “anh cả” trong lĩnh vực xuất khẩu (XK) lúa gạo. Nhưng để thực hiện “tròn vai” cả hai nhiệm vụ này, ĐBSCL cần có những chính sách ưu đãi đặc thù.

Bảo đảm lợi ích và mức sống cho người trồng lúa là việc phải làm. (Ảnh minh họa)
Bảo đảm lợi ích và mức sống cho người trồng lúa là việc phải làm. (Ảnh minh họa)

Trách nhiệm “kép”

Vụ Hè - Thu năm 2020 đã được xuống giống từ giữa tháng 3, bắt đầu thu hoạch vào tháng 6. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc dự trữ gạo để dự phòng cho mọi tình huống, có thể xảy ra trước khi thu hoạch vụ Hè - Thu là vô cùng cấp thiết; đồng nghĩa phải hạn chế XK gạo.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng lượng gạo XK giữ lại trong nước trước khi có thóc vụ Hè - Thu sẽ khoảng 700.000 tấn. Với lượng gạo này, theo tính toán của Bộ NN&PTNT, mỗi người dân sẽ được dự phòng thêm 7,3kg gạo, một hộ gia đình 4 người có thể dự phòng thêm 30kg gạo trong tháng 4 và 5.

Trách nhiệm dự trữ gạo tiếp tục được giao cho “vựa lúa” ĐBSCL. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, các tỉnh trong khu vực này đã thu hoạch xong vụ lúa Đông - Xuân 2019 - 2020 vào trung tuần tháng 3. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi hạn mặn, nhưng sản lượng lúa toàn vùng vẫn đạt 10,8 triệu tấn, chiếm hơn 1/2 sản lượng lúa vụ Đông - Xuân 2019 - 2020 của cả nước.

Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, sau khi trừ đi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ ANLT, các tỉnh ĐBSCL vẫn còn khoảng 3 triệu tấn gạo hàng hóa phục vụ nhu cầu XK. Nhưng đặt vấn đề ANLT lên hàng đầu nên lượng gạo được phép XK trong tháng 4 và 5 chỉ vào khoảng 800.000 tấn.

Theo Bộ NN&PTNT, lượng gạo được phép XK này giảm 40% so với lượng XK tháng 4 và 5/2019; giảm 35,7% so với cùng kỳ giai đoạn năm 2018 và giảm 21,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Cần tư duy mới

Việc hạn chế, thậm chí là tạm dừng XK gạo để dự phòng các tình huống có thể xảy ra trong bối cảnh hiện nay là cần thiết. Tuy nhiên, để bảo đảm ANLT quốc gia mà hạn chế XK, lại làm tổn thương người nông dân.

Thực tế, cuối tháng 3/2020, sau khi Bộ Tài chính kiến nghị tạmdừng XK gạo tẻ, giá gạo đã tuột dốc, dù vụ Đông - Xuân này người nông dân được mùa. Ở ĐBSCL, do sản xuất theo đúng khuyến cáo của ngành Nông nghiệp nên người trồng lúa được mùa, ước tính sản lượng vụ lúa Đông - Xuân 2019 - 2020 toàn vùng tăng 2,01 tạ/ha so với vụ Đông - Xuân 2018 - 2019.

Cũng cần nói thêm, người trồng lúa ở ĐBSCL đang tích cực tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ; trong đó nhất quán với chủ trương chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”. Những cánh đồng mẫu lớn, khoa học - kỹ thuật được áp dụng trong sản xuất và thu hoạch là hiện thực hóa “tư duy kinh tế nông nghiệp”; trong đó, để hạt gạo làm ra thực sự đem lại lợi nhuận cho người trồng lúa thì XK là con đường sáng nhất.

Nhìn lại năm 2018, nước ta sản xuất 28 triệu tấn gạo và XK 6,5 triệu tấn, tức là XK chiếm 23% sản lượng. Như thế, không cần lo thiếu gạo. Hơn nữa, căn cứ vào tính toán của Bộ NN&PTNT, hiện không những đã cân đối đủ lượng gạo dự phòng mà cũng có nguồn để XK. Chỉ tính riêng khu vực ĐBSCL vẫn còn khoảng 3 triệu tấn gạo hàng hóa.

Từ những lẽ này cho thấy, việc duy trì XK gạo là đúng. Để bảo đảm ANLT, thiết nghĩ cần có một cơ chế, chính sách riêng, không nên đặt gánh nặng này lên vai người trồng lúa. Đặc biệt, cần có sự phân biệt rạch ròi giữa nhiệm vụ bảo đảm ANLT, với sản xuất nông sản hàng hóa trong cơ chế thị trường để xây dựng những chính sách, cơ chế ưu đãi đặc thù để bảo đảm lợi ích và mức sống cho người trồng lúa.

Tin cùng chuyên mục
“Ngoại giao cây tre” dấu ấn đặc sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

“Ngoại giao cây tre” dấu ấn đặc sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Năm 1997, đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Uỷ viên Bộ Chính trị. Kể từ thời điểm ấy, ông liên tục là Uỷ viên Bộ chính trị các khóa tiếp theo và đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng; Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ở cương vị nào ông cũng để lại những dấu ấn sâu sắc và đóng góp to lớn cho Đảng, đất nước và dân tộc Việt Nam, trong đó có triết lý “ngoại giao Cây tre”.