Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Chuyển biến tích cực trong công tác xóa mù chữ ở Nghệ An

An Yên - 19:01, 10/12/2023

Cùng với đói nghèo, lạc hậu thì tình trạng mù chữ và tái mù chữ ở Nghệ An vẫn đang là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Dẫu vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng bằng rất nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác xóa mù chữ ở Nghệ An đã đạt được những kết quả khả quan.

Lớp học xóa mù chữ ở bản Huồi Mới 1 xã Tri Lễ huyện Quế Phong
Cán bộ chiến sỹ Biên phòng tham gia giảng dạy tại lớp học xóa mù chữ ở bản Huồi Mới 1 xã Tri Lễ, huyện Quế Phong

“Gỡ khó” cho công tác xóa mù chữ

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với dân số hơn 3,4 triệu người, trong đó dân số vùng đồng bào DTTS&MN chiếm 36,3% dân số toàn tỉnh. Xuất phát điểm không thuận lợi, tình trạng mù chữ, tái mù chữ vẫn xảy ra trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, số người mù chữ nằm rải rác ở các bản vùng sâu, vùng xa nên rất khó khăn trong việc tổ chức mở lớp. 

Chưa kể, việc huy động học viên ra lớp, duy trì sĩ số học viên đi học chuyên cần cũng hết sức gian nan do đa số học viên đều là nữ và đều trong độ tuổi lao động chính của gia đình. Mặt khác, vào mùa nương rẫy, nhiều người thường đi làm xa nhà, xa bản; một số người do lớn tuổi nên tâm lý e dè, xấu hổ khi đi học…

Trong khi đó, công tác xóa mù chữ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như nhận thức của người dân chưa đầy đủ. Hiệu quả công tác xóa mù chữ chưa cao, kết quả không bền vững, hiện tượng tái mù chữ vẫn tiếp diễn, gia tăng. Số lượng người học lớp xóa mù chữ còn rất ít so với người mù chữ. Hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy học tập của một số xã miền núi còn khó khăn, thiếu thốn. 

Đáng chú ý, do địa bàn các huyện miền núi rộng, giao thông khó khăn, đồng bào DTTS sống phân tán, rải rác dọc biên, chỗ ở không ổn định nên việc điều tra con số người mù chữ để mở lớp, vận động ra lớp và quản lý lớp học khó khăn. Ngoài ra, công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong công tác xóa mù chữ chưa chặt chẽ, thường xuyên...

Thực tế hiện nay, công tác xóa mù chữ chưa hiệu quả, còn bởi một nguyên nhân là ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác xóa mù chữ còn thấp, chế độ chính sách cho người dạy và người tham gia công tác xóa mù chữ còn nhiều bất cập. Hiện nay, kinh phí dành cho công tác xóa mù chữ chủ yếu thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) và chủ yếu là kinh phí cho người học xóa mù chữ. Trong khi, kinh phí cho người dạy và người tham gia công tác xóa mù chữ, phải sử dụng từ nguồn kinh phí ngân sách của tỉnh. Do vậy, các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn sẽ khó bố trí đủ kinh phí để triển khai công tác xóa mù chữ.

Lớp xóa mù chữ ở xã Cam Lâm huyện Con Cuông
Lớp xóa mù chữ ở xã Cam Lâm, huyện Con Cuông

Để tạo thuận lợi cho công tác xóa mù chữ, ngày 7/7/2023, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết 10 về việc Quy định một số nội dung và mức chi thực hiện công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục theo đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”. Theo đó, tỉnh Nghệ An sẽ hỗ trợ người dân tham gia học xóa mù chữ, với mức chi tối đa 1,8 triệu đồng/người/chương trình.

Ngoài ra, còn có chính sách hỗ trợ khác, như hỗ trợ thắp sáng ban đêm, mức chi tối đa 200 nghìn đồng/lớp/học kỳ; mua sổ sách theo dõi quá trình học tập và hỗ trợ giáo viên mua văn phòng phẩm tối đa 480 nghìn đồng/lớp/học kỳ; tuyên truyền, huy động người mù chữ, tái mù chữ đến lớp xóa mù chữ tối đa 100 nghìn đồng/học viên/chương trình học.

Đồng thời, HĐND tỉnh cũng quy định mức hỗ trợ cho người làm công tác xóa mù chữ, với thời gian hưởng 12 tháng/năm. Cụ thể: Sở GD&ĐT (5 người), Phòng GD&ĐT (2 người) được hỗ trợ tối đa 360 nghìn đồng/người/tháng; các xã khu vực III, các cơ sở giáo dục nằm trên địa bàn khu vực III được hỗ trợ tối đa 450 nghìn đồng/người/tháng; các xã, các cơ sở giáo dục nằm trên địa bàn còn lại 270 nghìn đồng/người/tháng.

Nguồn kinh phí để thực hiện công tác xóa mù chữ từ ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp của Luật ngân sách nhà nước; nguồn kinh phí trung ương bổ sung thực hiện Chương trình MTQG 1719; huy động từ nguồn tài trợ, đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các nguồn tài trợ hợp pháp khác.

Nhiều lớp học xóa mù chữ thu hút phụ nữ lớn tuổi tham gia
Nhiều lớp học xóa mù chữ thu hút phụ nữ lớn tuổi tham gia

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng chính trị tư tưởng, giáo dục thường xuyên, sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Trước khi HĐND tỉnh ban hành chính sách, hàng năm Sở cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhiệm vụ xóa mù chữ cho các phòng giáo dục và đào tạo và đến tận các cơ sở giáo dục. Việc tổ chức và duy trì lớp học là nhiệm vụ chính được giao cho các trường tiểu học đóng trên địa bàn.

 Bên cạnh đó, với phương châm “cầm tay chỉ việc”, chúng tôi chỉ đạo các giáo viên khi dạy xóa mù chữ việc minh họa bài học phải bám sát thực tế cuộc sống sinh hoạt lao động của người học, giúp người học dễ hiểu, nhớ lâu và dễ vận dụng, áp dụng với cuộc sống hàng ngày...

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Mù chữ đã và đang gây ra nhiều hệ lụy, tác động xấu đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Mù chữ chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc một bộ phận người dân nhận thức không đúng đắn các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo làm những việc xấu. Bên cạnh đó, không biết chữ còn khiến người dân không tiếp thu được các kiến thức khoa học kỹ thuật mới dẫn đến năng suất lao động, năng suất trồng trọt, chăn nuôi không cao… dẫn đến đói nghèo luôn tiềm ẩn.

Nhận rõ những khó khăn, tồn tại ảnh hưởng đến công tác xóa mù chữ, Nghệ An đã huy động cả hệ thống chính trị cùng chung tay, nỗ lực đẩy lùi nạn mù chữ cho người dân. Điều đặc biệt ở Nghệ An là, công tác xóa mù chữ còn nhận được sự phối hợp của nhiều đơn vị như Bộ đội Biên phòng, Công an, các hội phụ nữ, nông dân.

Từ thực tế và chủ trương đó, những năm qua, việc tổ chức và duy trì lớp học xóa mù chữ tại Nghệ An là nhiệm vụ chính với mục tiêu “nâng cao dân trí”, xóa đói giảm nghèo, phát triển văn hóa, xã hội. Công tác xóa mù chữ được giao cho các trường tiểu học đóng trên địa bàn; Đồng thời, có sự phối hợp tham gia của các tổ chức, đoàn thể, các lực lượng xã hội địa phương. Người tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ được chọn lựa từ những người tâm huyết, yêu nghề, ưu tiên giáo viên là người địa phương, biết tiếng của đồng bào, hiểu rõ các phong tục, tập quán địa phương.

Học cái chữ để có thêm hiểu biết về xây dựng gia đình và phát triển kinh tế
Học cái chữ để có thêm hiểu biết về xây dựng gia đình và phát triển kinh tế

Thượng tá, Phó Chính uỷ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 Nguyễn Như Hồng cho biết: Đóng quân trên địa bàn 8 xã thuộc 2 huyện Kỳ Sơn và Quế Phong, chúng tôi thấy tỷ lệ Nhân dân chưa được đi học, hay đi học nhưng sau thời gian dài không tiếp cận đến con chữ lại trở thành mù chữ còn nhiều. Từ thực tế trên, hàng năm đơn vị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, các trường tiểu học mở lớp học xóa mù chữ, chống tái mù.

Trong quá trình mở các lớp xóa mù chữ, các tổ chức, đoàn thể đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia học tập, lồng ghép linh hoạt giữa việc dạy chữ với công tác phổ biến kiến thức đã làm chuyển biến cơ bản về nhận thức và kỹ năng canh tác, chăn nuôi. Các lớp học mở ra đã tạo cơ hội học tập thứ hai cho những người lớn tuổi, thanh thiếu niên chưa từng được đi học hoặc phải bỏ học giữa chừng ở bậc tiểu học.

Bí thư huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe cho hay: Cấp ủy, chính quyền huyện đã huy động các ban, ngành, đoàn thể cùng tham gia vào công tác xóa mù chữ. Nhờ thế, nhiều lớp học xóa mù chữ đã được tổ chức vào ban đêm, đã tạo cơ hội cho nhiều người dân biết đọc, biết viết để nâng cao dân trí, góp phần phát triển kinh tế- xã hội.

Từ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, công tác xóa mù chữ ở Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bằng chứng rõ nhất là, từ năm học 2021-2022, Nghệ An đã được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mức độ 3 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.