Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Bước tiến mới trong công tác xóa mù chữ vùng DTTS và miền núi: Vẫn còn nhiều thách thức (Bài 2)

Thúy Hồng - 06:35, 21/12/2023

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xóa mù chữ (XMC) vẫn còn tồn tại một số khó khăn. Nhiều địa phương hiện vẫn còn có người mù chữ, tỷ lệ đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 cao. Việc huy động học viên đến lớp học xóa mù ở các địa phương còn hạn chế. Đây là những vấn đề thách thức trong công tác xóa mù chữ cho đồng bào DTTS ở vùng sâu, xa…

Việc thực hiện duy trì sĩ số học viên gặp khó khăn do điều kiện về công việc, sức khoẻ nên nhiều học viên bỏ giữa chừng, không theo học hết chương trình.
Việc thực hiện duy trì sĩ số học viên gặp khó khăn do điều kiện về công việc, sức khoẻ nên nhiều học viên bỏ giữa chừng, không theo học hết chương trình.

"Rào cản" trong huy động học viên đến lớp

Theo ông Hoàng Đức Minh, một trong những rào cản trong việc huy động học viên ra lớp XMC đó là, do người dân mù chữ chủ yếu ở độ tuổi lao động, là lao động chính trong gia đình, sống phân bố rải rác tại các xã, bản làng vùng sâu, vùng xa, kinh tế cơ bản còn khó khăn, thường đi làm ăn xa; một số thì nhận thức về tầm quan trọng của việc học chưa đầy đủ nên việc huy động họ ra lớp học XMC, và duy trì sĩ số để hoàn thành Chương trình XMC còn gặp khó khăn.

Điển hình như tại Sơn Động, tỉnh Bắc Giang là huyện vùng cao của tỉnh Bắc Giang có nhiều đồng bào DTTS sinh sống. Mặc dù công tác XMC nhận được sự quan tâm phối hợp của các ngành các cấp, công tác XMC trên địa bàn đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra, tại thời điểm tháng 10/2022 toàn huyện còn 1263 người mù chữ chiếm 2,22% dân số.

Ngoài những nguyên nhân trên, thì hiện nay, công tác điều tra, rà soát số người mù chữ, người tái mù chữ hằng năm tại các địa phương chưa thực sự được coi trọng, số liệu không cập nhật thường xuyên và chưa chính xác. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về công tác XMC còn hạn chế, chưa thấy rõ được ý nghĩa, vai trò và lợi ích của việc biết chữ đối với cuộc sống của mỗi cá nhân và sự phát triển chung của cộng đồng. Vì vậy, hiệu quả XMC không cao, kết quả XMC không bền vững, hiện tượng tái mù chữ gia tăng đáng kể.

Ông Vũ Mạnh Cường, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang cho biết: Đa số các học viên chủ yếu do tuổi cao (từ 50 đến 60) không có nhu cầu học, ngại đi học lớp XMC ở mức độ 2 và không bố trí được thời gian đi học do bận công việc gia đình.

 Một số học viên là người DTTS ở nơi hẻo lánh, giao thông đi lại khó khăn; một bộ phận số học viên còn mặc cảm không vượt qua bản thân, ngại đến lớp. Đặc biệt là, việc thực hiện duy trì sĩ số học viên gặp khó khăn do điều kiện về công việc, sức khoẻ nên nhiều học viên bỏ giữa chừng, không theo học hết chương trình.

Đa số các học viên chủ yếu do tuổi cao (từ 50 đến 60) không có nhu cầu học, ngại đi học lớp XMC
Đa số các học viên chủ yếu do tuổi cao (từ 50 đến 60) không có nhu cầu học, ngại đi học lớp XMC

Tỷ lệ mù chữ còn cao

Theo thống kê, hiện vẫn còn trên 734.000 người chưa đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 và trên 1.731.000 người chưa đạt chuẩn biết chữ mức độ 2. Tỷ lệ huy động người học xóa mù chữ ở vùng đồng bào DTTS còn thấp. Một số địa phương có tỷ lệ người mù chữ vẫn còn cao như: Ninh Thuận, An Giang, Lai Châu, Hà Giang, Gia Lai, Bắc Kạn, Bình Phước…

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có 48/63 tỉnh đủ tiêu chuẩn, điều kiện đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2, nhưng chỉ mới có 21 tỉnh được Bộ GDĐT kiểm tra, công nhận đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2, còn 27 tỉnh đủ tiêu chuẩn, điều kiện đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2 nhưng chưa đề nghị Bộ GDĐT kiểm tra công nhận.

Chất lượng, hiệu quả các lớp XMC chưa đạt theo yêu cầu tại Thông tư số 33/2021/TT-BGDĐT ngày 26/11/2021 của Bộ GDĐT ban hành Chương trình XMC và Thông tư số 10/2022/TT-BGDĐT ngày 12/7/2022 của Bộ GDĐT ban hành quy định đánh giá học viên học Chương trình XMC.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong công tác XMC ở một số địa phương chưa thực sự chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả. Đặc biệt, nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước cho công tác XMC còn thấp, chế độ chính sách cho người dạy và người tham gia công tác XMC còn nhiều bất cập.

 Hiện nay, kinh phí dành cho công tác XMC chủ yếu thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia 1719, nhưng chủ yếu là kinh phí cho người học XMC, kinh phí cho người dạy và người tham gia công tác XMC phải sử dụng từ nguồn kinh phí ngân sách của tỉnh, do vậy các địa phương, đặc biệt là các tỉnh có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn thiếu kinh phí để triển khai công tác XMC.

Nhiệm vụ XMC ở địa bàn biên giới, hải đảo, vùng đồng bào DTTS cần phải được thực hiện thường xuyên
Nhiệm vụ XMC ở địa bàn biên giới, hải đảo, vùng đồng bào DTTS và miền núi cần phải được thực hiện thường xuyên

Phát biểu tại Hội thảo Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2023 – 2030, Thiếu tướng Văn Ngọc Quế - Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng cho biết: Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước và các địa phương đã quan tâm đầu tư nhiều mặt, song khu vực biên giới, nhất là vùng DTTS và miền núi vẫn là địa bàn khó khăn, chậm phát triển hơn so với các vùng, miền khác.

Đặc biệt, công tác giáo dục còn nhiều khó khăn, bất cập như: Hệ thống trường lớp chưa được xây dựng kiên cố; các gia đình khó khăn về kinh tế nên không cho trẻ em trong độ tuổi đến trường đúng quy định, nhiều em phải bỏ học giữa chừng; số người mù chữ, tái mù chữ vẫn còn...

Theo ông Văn Ngọc Quế, nhiệm vụ XMC ở địa bàn biên giới, hải đảo, vùng đồng bào DTTS là một công việc khó khăn, phức tạp và lâu dài. Đó không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành giáo dục mà trách nhiệm của các cấp, các ngành, các lực lượng đứng chân trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.