Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

“Ánh sáng vùng biên” - nhân lên tình hữu nghị

Nguyễn Thanh - CTV - 08:44, 24/11/2022

Bám sát địa bàn, thấu hiểu những mong muốn của bà con bên kia biên giới; thời gian qua, lực lượng BĐBP tỉnh Quảng Bình đã triển khai có hiệu quả mô hình “Ánh sáng vùng biên”, mang ánh sáng đến các bản làng người Lào giáp biên giới Việt Nam. Kết quả tích cực từ mô hình không chỉ mang đến niềm vui cho đồng bào khu vực biên giới, mà còn góp phần tô thắm thêm hình ảnh của những người lính “quân hàm xanh” nơi biên cương Tổ quốc, thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa hai quốc gia…

Lễ khánh thành công trình ánh sáng vùng biên được BĐBP Quảng Bình triển khai tại bản Na Chắt, cụm bản Thôồng Khám, huyện Bualapha, tỉnh Khăm Muộn (Lào) - ảnh CTV
Lễ khánh thành công trình ánh sáng vùng biên được BĐBP Quảng Bình triển khai tại bản Na Chắt, cụm bản Thôồng Khám, huyện Bualapha, tỉnh Khăm Muộn (Lào) - ảnh CTV

Mô hình “Ánh sáng vùng biên” là ý tưởng hay, được BĐBP Quảng Bình triển khai thực hiện từ nhiều năm qua. Tại các bản làng biên giới Việt Nam, mô hình này đã thắp sáng nhiều bản vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… ở huyện Quảng Ninh, Minh Hóa, Bố Trạch (Quảng Bình). Những đồn biên phòng làng Mô, Cồn Roàng… đã huy động nhiều nguồn lực khác nhau để góp sức, góp công dựng nên những cột đèn chiếu sáng; góp phần đảm tốt an ninh trật tự, góp phần nâng cao đời sống, văn hóa tinh thần cho bà con khu vực biên giới.

Hiệu ứng tích cực từ mô hình “Ánh sáng vùng biên” đã lan tỏa rộng khắp không những trên các nẻo đường biên cương của tỉnh Quảng Bình mà giờ đây đã vượt không gian “xuyên biên giới” đến tận các bản làng khó khăn trên đất nước Lào. Các con đường được chiếu sáng, không chỉ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt, đi lại, đảm bảo an ninh, trật tự tại địa bàn, mà còn tô thắm tình đoàn kết quân dân hai bên biên giới Việt Nam-Lào.

Qua trao đổi thông tin với đơn vị bảo vệ biên giới của Lào, BĐBP Quảng Bình biết được bản Na Chắt, cụm bản Thồông Khám, huyện Bua la pha, tỉnh Khăm Muộn (Lào) là nơi có 110 hộ dân, với 623 nhân khẩu, đời sống còn nhiều khó khăn. Với mong muốn giúp người dân Lào giảm bớt khó khăn, BĐBP Quảng Bình đã trao đổi với chính quyền địa phương, lực lượng bảo vệ biên giới của Lào về ý định xây dựng công trình “Ánh sáng vùng biên” tặng Nhân dân bản biên giới đối diện.

Nhân dân bản Na Chắt cùng BĐBP Việt Nam vận chuyển đất đá làm móng dựng chân cột điện - ảnh CTV
Nhân dân bản Na Chắt cùng Bộ đội Biên phòng Việt Nam vận chuyển đất đá làm móng, dựng chân cột điện (Ảnh CTV)

Chủ trương được hai bên thống nhất, khảo sát để xây dựng tại bản Na Chắt một cổng chào, hệ thống điện chiếu sáng với 50 cột và 50 bóng đèn năng lượng mặt trời công suất lớn. Để thực hiện “dự án”, BĐBP Quảng Bình đã huy động nguồn kinh phí từ nguồn xã hội hóa, đồng thời điều động cán bộ, chiến sĩ sang phối hợp với đơn vị bảo vệ biên giới phía bạn để thi công. Cán bộ, chiến sĩ của BĐBP Quảng Bình được điều động sang biên giới nước bạn, là những quân nhân đã từng gia công, xây dựng hàng ngàn cột đèn, hàng chục cổng chào, công trình “Ánh sáng vùng biên” trên toàn khu vực biên giới tỉnh Quảng Bình.

Từ ngày triển khai xây dựng, mặc dù gặp nhiều bất lợi về thời tiết nhưng bản Na Chắt vẫn rộn ràng như ngày hội. Quân dân Việt Nam - Lào đã sát cánh bên nhau từng bước hoàn thành các hạng mục công trình. Đại úy Nguyễn Ngọc Nhân, cán bộ Đồn Biên phòng Roòn, BĐBP Quảng Bình được tăng cường sang bản Na Chắt thực hiện nhiệm vụ cho biết: Hiểu được ý nghĩa xây dựng công trình, chúng tôi đã động viên nhau khắc phục mọi khó khăn, cố gắng hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng tốt nhất. Đến nay, công trình đã gần hoàn thành và tôi sắp về nước. Thời gian ở Na Chắt tuy công việc vất vả nhưng tình cảm đồng chí, đồng đội và quân dân Việt Nam - Lào càng thêm sâu sắc bền chặt hơn.

Nói về công trình “Ánh sáng vùng biên” đầy ý nghĩa mà BĐBP Quảng Bình (Việt Nam) trao tặng, Thượng tá Phăn Lạ Khon Phôm Mạ Kê Són thay mặt đồng đội và người dân cụm bản Thôồng Khám cảm ơn rất nhiều đến sự quan tâm, giúp đỡ của Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình.

Còn ông Chăn Tha, Trưởng cụm bản Thôồng Khám vui mừng chia sẻ: Bà con dân bản rất vui mừng được BĐBP Quảng Bình tặng công trình “Cổng chào vào bản Na Chắt”, hệ thống điện mặt trời. Từ nay, bản làng có điện chiếu sáng rồi, bà con đi lại thuận tiện hơn, nhất là vào lúc mưa gió. Điện chiếu sáng xuyên đêm trên các trục đường, người già đến trẻ nhỏ được vui chơi thoải mái, an ninh được đảm bảo hơn. Mình mừng lắm, cảm ơn BĐBP Việt Nam.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô và đoàn viên, thanh niên thuộc Đoàn Thanh niên xã Trường Sơn xây dựng công trình “Ánh sáng vùng biên” tại bản Dốc Mây - ảnh CTV
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô và đoàn viên, thanh niên thuộc Đoàn Thanh niên xã Trường Sơn xây dựng công trình “Ánh sáng vùng biên” tại bản Dốc Mây - ảnh CTV

Niềm vui được nhân lên gấp bội từ những nỗ lực, đồng lòng của quân dân hai bên biên giới vì một công trình chung “Ánh sáng vùng biên” đầy tình hữu nghị. Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Bình thông tin: Nhờ sự quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị bảo vệ biên giới hai bên, đến nay công trình “Ánh sáng vùng biên” tại bản Na Chắt đã hoàn thành và bàn giao. Tình hữu nghị giữa hai đất nước càng được củng cố và tăng cường hơn.

Thực tế cho thấy, mô hình “Ánh sáng vùng biên”, là một trong những cách làm sáng tạo của lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình. Đây là một trong những mô hình có ý nghĩa thiết thực đối với người dân nơi núi rừng biên cương xa xôi. Có ánh điện sáng, cuộc sống của đồng bào sẽ dần vơi bớt những khó khăn, nhọc nhằn. Thành công lớn nhất thu được từ mô hình là đã giúp người dân vùng biên giới nâng cao chất lượng cuộc sống; từ đây, thắt chặt thêm tình cảm quân dân gắn bó tại địa bàn khu vực biên giới; góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc; đồng thời, tăng cường sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Tin cùng chuyên mục
“Giữ chân” người bảo vệ rừng bằng cơ chế đặc thù

“Giữ chân” người bảo vệ rừng bằng cơ chế đặc thù

Việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp là một trong những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ, phát triển rừng. Tại kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Lào Cai khóa XVI ngày 22/8/2024 đã thông qua Nghị quyết số 14/2024/NQ-HĐND (NQ14) về mức cấp kinh phí, đầu tư, hỗ trợ đầu tư, khoán bảo vệ rừng; hỗ trợ tiền ăn cho người tham gia chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trong đó, ban hành mức cấp kinh phí khoán bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh đối với các loại rừng với mức hỗ trợ đều tăng so với trước đây.