Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Người có uy tín giữ bình yên trên vùng đất biên cương Mường Ải

Nguyễn Thanh - CTV - 06:05, 16/11/2022

Không chỉ “đến tận nhà, ra tận rẫy” vận động Nhân dân tự giác giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ tàng trữ, sử dụng trái phép, những Người có uy tín ở xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) còn tuyên truyền để mỗi người dân hiểu rõ vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ đường biên, cột mốc. Qua đó, phát huy được vai trò của quần chúng Nhân dân trong công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.


Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Ải cùng người dân tại địa phương tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Ải cùng người dân tại địa phương tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc

Cùng Bộ đội vận động Nhân dân giao nộp vũ khí

Đồng bào các DTTS ở xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn vẫn còn tập quán dùng súng để săn bắn thú rừng, bảo vệ mùa màng, nhưng cùng với đó, nhiều hệ lụy đã phát sinh trong quá trình tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trong Nhân dân. Có nhiều vụ sử dụng súng tự chế đi săn thú rừng, đã bắn nhầm người gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc một số người dân sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để giải quyết mâu thuẫn cá nhân dẫn đến thương vong...

Trước tình hình đó, để giữ yên bản làng, giúp người dân yên tâm lao động sản xuất, Người có uy tín Hoa Phò Ngành – dân tộc Khơ Mú, trú tại bản Xốp Lau, xã Mường Ải, đã vào cuộc tuyên truyền, vận động để bà con hiểu được tác hại của việc tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trái phép. Ông Hoa Phò Ngành nói: Thú dữ trong rừng cũng sắp hết, việc bảo vệ mùa màng, nương rẫy đã có Bộ đội Biên phòng (BĐBP), cán bộ xã lo, cho nên dân bản ta cũng không cần cất giữ vũ khí nữa, dân bản ta hãy tự giác giao nộp cho cán bộ đi thôi. Nghe theo lời nói phải, sự phân tích có lý, có tình của ông Hoa Phò Ngành, ngay sau đó, người dân có vũ khí đã tự giác giao nộp cho tổ công tác.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, các địa phương và các lực lượng, nhất là đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín đã phối hợp Đồn Biên phòng Mường Ải tiến hành 12 đợt tuyên truyền, vận động qua các buổi họp dân; tổ chức 21 đợt/46 lượt cán bộ, chiến sĩ đến tận các chòi, rẫy, trang trại biệt lập để tuyên truyền, vận động; tiến hành tuyên truyền lưu động qua hệ thống loa di động được 5 đợt/31 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia.

Nhờ kết hợp chặt chẽ các biện pháp, tranh thủ sự ủng hộ của các già làng, Người có uy tín nên đồng bào đã tự giác giao nộp cho đơn vị được tổng cộng 40 khẩu súng tự chế. Qua tuyên truyền, vận động của những Người có uy tín, đã có 450 hộ dân ký cam kết: “Sẽ không tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đặc biệt là sử dụng súng tự chế để săn bắn động vật. Nếu cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ, gia đình chúng tôi xin chịu mọi hình thức xử lý trước pháp luật”.

Những nỗ lực ấy của Người có uy tín, chính quyền địa phương, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Ải đã góp phần ngăn chặn nguy cơ gây mất an ninh trật tự, đảm bảo an toàn khu vực biên giới, gìn giữ sự bình yên ở các bản làng.

Một góc bản làng xã Mường Ải
Một góc bản làng xã Mường Ải

Tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc

Chúng tôi có dịp tham gia một chuyến tuần tra đường biên, cột mốc định kỳ do Đồn Biên phòng Mường Ải, BĐBP Nghệ An tổ chức. Lực lượng tuần tra, ngoài cán bộ, chiến sĩ đơn vị còn có thành viên của tổ tự quản đường biên, cột mốc tại địa phương. Tuổi đã cao, nhưng từ ngày tham gia tổ tự quản đường biên, cột mốc, đảm nhận bảo vệ cột mốc biên giới số 415, già làng Xồng Vả Xô thường xuyên tham gia tuần tra cùng các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng. Ngoài ra, già làng Xồng Vả Xô luôn nhắc nhở con cháu trong bản phải chăm lo bảo vệ biên giới, nếu phát hiện các hành vi vi phạm, nhanh chóng báo với lực lượng Biên phòng để xử lý kịp thời.

Già làng Xồng Vả Xô chia sẻ: Ngày xưa, cột mốc biên giới không được đẹp như thế này, bây giờ được Nhà nước xây dựng đẹp và bề thế hơn. Già cảm thấy tự hào vì được cùng lực lượng BĐBP tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc. Ngày nào sức lực còn, già vẫn cố gắng tham gia đi tuần cùng các con cháu trong bản và BĐBP để bảo vệ nguyên vẹn đường biên, cột mốc.

Đồn Biên phòng Mường Ải quản lý địa bàn 2 xã Mường Ải và Mường Típ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) với gần 52km đường biên giới, địa hình hiểm trở, bà con hai bên biên giới thường làm nương rẫy ngay sát đường biên. Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương phát huy tốt vai trò của quần chúng Nhân dân trong bảo vệ biên giới; bà con tự nguyện tham gia vào các tổ tự quản đường biên, cột mốc, tự quản an ninh, trật tự thôn, bản. Từ năm 2006 đến nay, đơn vị đã thành lập và duy trì hoạt động 9 tổ tự quản đường biên, cột mốc và tổ tự quản an ninh, trật tự thôn, bản với gần 60 người tham gia.

Cán bộ Đồn Biên phòng Mường Típ và người dân bản Ải Khe, xã Mường Ải
Cán bộ Đồn Biên phòng Mường Típ luôn gần gũi để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân

Trung tá Vừ Bá Rê, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mường Ải cho biết: Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới được thực hiện có hiệu quả. Đơn vị đã tổ chức thành lập các tổ tự quản đường biên, cột mốc, tự quản an ninh trật tự thôn, bản. Thông qua đó, ý thức về chấp hành quy chế biên giới, các quy định của nhân dân, nhất là địa bàn các bản giáp biên giới đã đi vào hoạt động có nền nếp. Người dân đã chủ động cung cấp thông tin về các hành vi như khai thác lâm sản trái phép, xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới... Đó là cơ sở để đồn Biên phòng làm công tác đấu tranh ngăn ngừa, răn đe các đối tượng. Trong thành công ấy, vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín là rất lớn và không thể phủ nhận.

Cùng với cung cấp các thông tin có giá trị đến lực lượng chức năng, thành viên các tổ tự quản đường biên, cột mốc cũng đã tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của bà con trong bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới. Hoạt động hiệu quả của các tổ tự quản đã góp phần giải quyết các vấn đề nổi cộm trong cuộc sống như nạn trộm cắp, mâu thuẫn giữa các dòng họ trong cộng đồng dân cư..., không để xảy ra mất an ninh, trật tự trên địa bàn.


Tin cùng chuyên mục
Thanh niên dân tộc thiểu số làm giàu trên vùng đất khó

Thanh niên dân tộc thiểu số làm giàu trên vùng đất khó

Dù điều kiện tự nhiên không mấy thuận lợi, nhưng nhiều đoàn viên, thanh niên là người DTTS trên địa bàn huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã phát huy sức trẻ, áp dụng tiến bộ KHKT tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.