Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Bà Rịa-Vũng Tàu: Duy trì, phát triển các lễ hội đặc trưng trong đời sống người dân vùng biển

Lê Vũ - 09:22, 07/03/2023

Thời gian qua, các lễ hội trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã được các cấp chính quyền và người dân quan tâm, chú trọng tổ chức, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của Nhân dân, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Tích cực bảo tồn và phát huy lễ hội văn hóa dân gian
Lễ rước tượng Cá Ông từ Bãi Trước về Lăng Ông Nam Hải, đình thần Thắng Tam, TP. Vũng Tàu

Những lễ hội văn hóa đặc trưng...

Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi có bờ biển dài hơn 300km. Nên từ xưa đến nay, biển đã gắn liền với đời sống của người dân, hình  thành những nét sinh hoạt văn hoá - kinh tế đặc trưng. Trong đó, có nhiều lễ hội truyền thống, được gìn giữ và phát triển trong suốt quá trình hình thành vùng đất. Tiêu biểu như  Lễ hội Nghinh Ông, Lễ Kỳ Yên Đình Thắng Tam (TP. Vũng Tàu); Lễ Trùng Cửu, Lễ vía Ông (xã đảo Long Sơn); Lễ hội Dinh Cô (Long Hải), Lễ giỗ bà Phi Yến, Lễ giỗ nữ Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu (Huyện Côn Đảo); Lễ hội Sayangva (thần Lúa) và Sayangbri (thần Rừng) của đồng bào dân tộc Chơ Ro.

Do đó, giống như nhiều tỉnh ven biển từ Quảng Bình trở vào, người dân Bà Rịa-Vũng Tàu  rất xem trọng Lễ hội Nghinh Ông. Theo quan niệm của ngư dân địa phương, cá Ông được xem là vị cứu tinh phù trợ cho tàu thuyền khi không may gặp nạn trên biển.

Lễ hội Nghinh Ông diễn ra tại đình Thắng Tam (TP. Vũng Tàu) từ ngày 15 - 18/8 âm lịch hằng năm, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách. Lễ hội này đã được các thế hệ ngư dân và cộng đồng dân cư Vũng Tàu duy trì từ hơn 100 năm nay.

Ngày nay, Lễ hội Nghinh Ông  không còn là của riêng ngư dân, mà đã được phát triển đại chúng để mọi tầng lớp Nhân dân cùng tham gia. Lễ hội được tổ chức hằng năm để người dân đi biển cầu mong mưa thuận, gió hòa, đánh bắt được nhiều tôm cá, phát huy truyền thống yêu nước gắn với bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Bên cạnh đó, Lễ hội Dinh Cô tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh BR – VT được tổ chức từ ngày 10 - 12/2 âm lịch hằng năm cũng được xem là một trong những lễ hội lớn nhất của tỉnh BR-VT nói riêng và vùng biển Nam Bộ nói chung.

Trong 3 ngày này ở Lễ hội Dinh Cô, các ghe thuyền kết hoa đăng bên bờ biển vô cùng lộng lẫy để thực hiện nghi thức Nghinh Cô. Người dân địa phương và du khách sẽ thức thâu đêm, suốt sáng để tham gia các hoạt động đặc trưng như: thả hoa đăng, đánh trống, chiêng, đua thuyền, đờn ca tài tử, hát bả trạo, thi đan lưới…

Bà Rịa - Vũng Tàu: Tích cực bảo tồn và phát huy lễ hội văn hóa dân gian 1
Hằng năm, lễ hội Dinh Cô Long Hải thu hút hàng chục ngàn người dân và du khách về hành hương, tế lễ

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, một trong những nét văn hóa của Lễ hội Dinh Cô ở thị trấn Long Hải, là nằm trong hệ thống lễ hội thờ Mẫu - nữ thần tiêu biểu của ngư dân BR-VT. Nhưng ở đây không đơn thuần chỉ thờ Mẫu, mà còn là sự kết hợp của lễ hội cầu ngư với tục thờ cúng thần biển (bà Thủy Long, cá voi của người Chăm) và tín ngưỡng thờ Mẫu - Nữ thần của cư dân địa phương, làm nên nét văn hóa rất riêng cho lễ hội.

Mới đây, Lễ hội Nghinh Ông, phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu và Lễ hội Dinh Cô, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Trước đó không lâu ,Lễ giỗ bà Phi Yến tại Huyện Côn Đảo cũng đã được công nhận tương tự.

Nỗ lực phát huy giá trị các lễ hội văn hoá.

Thời gian qua, tỉnh BR-VT đã xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết liên quan đến phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Cụ thể, tập trung triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa; xây dựng chương trình kế hoạch đầu tư bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị của di tích và đề ra các biện pháp quản lý, sử dụng và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh. Từ đó, nâng cao ý thức của các tổ chức và nhân dân hiểu và tham gia  bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di tích đạt hiệu quả.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Tích cực bảo tồn và phát huy lễ hội văn hóa dân gian 2
Lễ giỗ bà Phi Yến là một trong những Lễ hội lâu đời và có ý nghĩa quan trọng với người dân Côn Đảo

Trên thực tế, một số di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã trở thành những điểm du lịch hấp dẫn nhằm giới thiệu, quảng bá những giá trị về lịch sử - văn hóa và danh thắng của tỉnh BR-VT đến với du khách trong và ngoài nước như: Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Côn Đảo; di tích lịch sử Nhà lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu; di tích lịch sử văn hóa Nhà Lớn - Long Sơn, di tích văn hoá Đình Thần Thắng Tam, di tích lịch sử - văn hóa thắng cảnh Dinh Cô... 

Đồng thời, tỉnh cũng đã đề ra các giải pháp duy trì các giá trị nghệ thuật truyền thống; tạo điều kiện thuận lợi để các nghệ nhân được tham gia tích cực, có hiệu quả trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Từ đó, các lễ hội dân gian mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của người dân BR-VT trong thời gian qua đã và đang được duy trì, phát triển thành các lễ hội văn hóa, du lịch, thu hút rất đông du khách về hành hương, tế lễ hằng năm.

Gần đây nhất, việc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận 3 Lễ hội truyền thống của tỉnh BR-VT là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, đã góp phần tạo nên động lực rất lớn cho địa phương tiếp tục quan tâm, đầu tư mạnh mẽ hơn nữa trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn trong thời gian tới.


Tin cùng chuyên mục
Vùng DTTS của Thủ đô trong dòng chảy văn hóa Hà thành: Bồi đắp bản sắc đất trăm nghề (Bài 2)

Vùng DTTS của Thủ đô trong dòng chảy văn hóa Hà thành: Bồi đắp bản sắc đất trăm nghề (Bài 2)

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, Hà Nội còn nổi tiếng là vùng đất “bách nghệ” (trăm nghề). Nghề truyền thống của Hà Nội không chỉ là sinh kế mà còn là nơi lưu giữ, kiến tạo nên giá trị văn hóa Hà thành. Hiện nay, vùng đất trăm nghề được bổ sung, bồi đắp thêm bởi những nghề truyền thống độc đáo của đồng bào các DTTS.