Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Bà Rịa - Vũng Tàu: Nguy cơ tái ô nhiễm trên sông Chà Và sau 3 năm khắc phục

Lê Vũ – Bảo Trần - 08:25, 19/04/2021

Khu vực cống số 6 (xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu), đã được đưa ra khỏi danh sách “điểm nóng về ô nhiễm môi trường” từ năm 2018. Tuy nhiên, khoảng thời gian gần đây, khu vực này lại bị ô nhiễm trầm trọng, đầm nước bỗng đồi màu hồng tím, bốc mùi hôi thối, khiến dư luận không khỏi lo lắng về nguy cơ tái ô nhiễm.

Lực lượng chức năng đang lấy mẫu nước để thử nhiệm tại khu vực cống xả thải.
Lực lượng chức năng đang lấy mẫu nước để thử nhiệm tại khu vực cống xả thải.

Ám ảnh “Tiếng kêu cứu trên sông Chà Và”

Theo tìm hiểu của phóng viên, khu vực đầm nước trước cống số 6, xã Tân Hải, là nơi tiếp nhận nước thải trước đây của nhiều cơ sở chế biến hải sản. Cách đây vài năm, từng nhiều lần xảy ra tình trạng các nhà máy chế biến hải sản xả thải trộm, làm ô nhiễm nguồn nước. 

Chính vì nguồn nước trong các đầm chứa bị ô nhiễm nặng, nên khi triều xuống nước thải từ đầm chảy qua cống xả số 6 đổ vào sông Chà Và, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên trong khu vực và hoạt động nuôi cá lồng bè phía hạ lưu. Điều này đã gây ra tình trạng cá chết hàng loạt trên sông Chà Và trước đây, khiến người dân nuôi cá lao đao, nhiều hộ gia đình trắng tay.

Còn nhớ đỉnh điểm, là vào giai đoạn những năm từ 2010 đến 2015, với hàng chục doanh nghiệp, cơ sở chế biến xả thải trộm ra môi trường cùng lúc, đã "bức tử" sông Chà Và không thương tiếc. Có những thời điểm, chỉ sau 1 đêm thức dậy, toàn bộ cá nuôi trong các lồng bè đã chết trắng mặt sông, người dân bỗng lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần, phá sản. Thậm chí, có người còn quẫn trí đã phải tự tử vì cùng đường, bí lối... bỏ lại vợ dại con thơ.

Câu chuyện chỉ bắt đầu được chính quyền và các cơ quan chức năng thực sự quan tâm xử lý, khi mà người dân đã trở nên bức xúc tột độ và bắt đầu có những hành động quá khích để đánh động dư luận như, mang cá chết đến trước cổng các nhà máy nghi ngờ xả thải để khiếu nại, thậm chí mang cá chết ra chắn ngang Quốc lộ 51 để kêu cứu. Kể từ đó, “tiếng kêu cứu trên sông Chà Và” trải đầy khắp các mặt báo, “người ta” không thể đánh lận con đen là nước đổi màu do "tảo nở hoa” được nữa. Các nhà khoa học, các cơ quan điều tra đã vào cuộc một cách công bằng và nghiêm túc.

Kết quả, các hộ nuôi cá đã khởi kiện 14 doanh nghiệp xả thải ra tòa và các doanh nghiệp thua kiện phải đền bù 13 tỷ đồng thiệt hại. Sau đó, UBND tỉnh đã chi hàng chục tỷ đồng để cải tạo hồ chứa nước này và di dời một số nhà máy gây ô nhiễm về khu chế biến hải sản tập trung. 

Nhờ đó, từ năm 2018 môi trường nước tại khu vực này đã dần hết ô nhiễm. Năm 2019, 2020, khu vực cống số 6 đã được rút tên ra khỏi danh sách “các điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”.

Toàn bộ đầm nước đã chuyển sang màu tím, có mùi hôi nồng nặc
Toàn bộ đầm nước đã chuyển sang màu tím, có mùi hôi nồng nặc

Nguy cơ tái ô nhiễm cao 

Tuy nhiên, tình trạng xả thải chưa qua xử lý ra môi trường, làm thay đổi màu nước trong hơn 1 tuần qua, đang khiến các cơ quan chức năng và đặc biệt là người dân lo ngại tình trạng tái ô nhiễm ở khu vực này.

Cụ thể, những ngày gần đây, nước trong đầm chứa tại khu vực trước cống số 6 (xã Tân Hải) bỗng nhiên đổi màu tím và có mùi hóa chất nồng nặc. Tuy chưa chảy ra khu vực nuôi trồng thủy sản, nhưng nếu không ngăn chặn và xử lý kịp thời, chỉ ít hôm nữa là mùa mưa đến, lượng nước này sẽ dễ bị hòa tan, tràn vào sông Chà Và làm cá chết.

Vào cuối tháng 3/2021, Đoàn kiểm tra Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) cùng ngành chức năng thị xã Phú Mỹ tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Nghê Huỳnh (thôn Cát Hải, xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ) và khu vực xung quanh Công ty. Qua kiểm tra, Đoàn phát hiện khu vực trước Công ty này có cống thoát nước mưa chảy ra mương, đến đầm nước cống số 6, xã Tân Hải.

Đại diện Công ty TNHH Nghê Huỳnh giải thích, hệ thống thoát nước này do Công ty lắp đặt, dùng để thoát nước mưa và nước sinh hoạt của công nhân. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận cống thoát nước này có màu đen, bốc mùi hôi nghi là mùi của chất thải chế biến hải sản. 

Lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra bên trong Công ty TNHH Nghê Huỳnh và ghi nhận Công ty đang tập kết 30 tấn nguyên liệu cá tạp để sản xuất bột cá. Bên cạnh đó, nước từ hoạt động vệ sinh tay chân, nước thải sinh hoạt của công nhân trong quá trình sản xuất không qua hệ thống thu gom mà chảy thẳng vào hệ thống thoát nước mưa của công ty, chảy ra môi trường.

Tổng thể quang cảnh đầm chứa nước thải nhìn từ trên cao với sự đổi màu kỳ lạ
Tổng thể quang cảnh đầm chứa nước thải nhìn từ trên cao với sự đổi màu kỳ lạ

Ông Trần Văn Hiếu, Chi Cục trưởng, Chi cục Thủy lợi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: "Chi cục cũng đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp chỉ đạo Trung tâm khai thác, quản lý các công trình thủy lợi, đóng cửa cống 100% để không cho nguồn nước ô nhiễm chảy ra sông.”

Tuy nhiên, mùa mưa đang đến gần và hiện nay, cơ quan chức năng vẫn chưa phát hiện  thêm cơ sở xả thải và cũng chưa có kết luận chính thức; do đó, lo cho sự an nguy của các bè cá, một số chủ bè đang di chuyển bè vào những khu vực an toàn hơn để tránh thiệt hại nếu chẳng may nước bị ô nhiễm.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục cập nhật và thông tin đến đọc giả khi có diễn biến mới của vụ việc.

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.