Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Hiệu quả chính sách đầu tư phát triển vùng đồng bào Chăm

Thái Sơn Ngọc - 14:59, 07/10/2024

Ninh Thuận là địa phương có đồng bào Chăm sinh sống tập trung đông nhất cả nước. Với nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, diện mạo nông thôn vùng đồng bào Chăm của tỉnh ngày càng đổi mới, chất lượng cuộc sống của đồng bào Chăm được nâng lên.

Cơ sở trường lớp được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng tốt nhu cầu học tập cho con em đồng bào Chăm thôn Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc
Cơ sở trường lớp được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng tốt nhu cầu học tập cho con em đồng bào Chăm thôn Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc

Đổi mới các làng Chăm

Đến với làng Lương Tri thuộc xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, chúng tôi được chị Đạo Thị Tẩy nhiệt tình chỉ đường. Chúng tôi vượt qua quãng đường rừng gập ghềnh đến với cánh đồng Chà Vum, cách khu dân cư khoảng 7km về hướng Tây Bắc. Cánh đồng này đã chủ động được nước tưới trong vài năm gần đây, trở thành vùng đất “cây vàng trái bạc” giúp đời sống đồng bào Chăm ngày càng no ấm.

Đứng giữa cánh đồng Chà Vum rộn vang tiếng máy làm đất để kịp xuống giống lúa vụ mùa vào chiều ngày 16/9/20204, anh Đạo Văn Trí, Trưởng thôn Lương Tri cho biết, từ năm 2022 trở về trước, người dân làm ruộng Chà Vum gieo mỗi năm một vụ, ăn theo nước trời nên rất bấp bênh. Được Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi Tân Mỹ có sức chứa 219,8 triệu m3 nước phục vụ tưới cho 12.800ha đất canh tác và cấp nước ngọt phục vụ dân sinh, công nghiệp, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản, đời sống người dân ngày càng khấm khá. 365ha ruộng lúa gieo trồng 2 - 3 vụ lúa/năm của nông dân thôn Lương Tri được cung cấp nước tưới nên năng suất lúa vụ nào cũng đạt 7 - 8 tạ/sào/vụ.

Cây lúa canh tác trên cánh đồng Chà Vum được mùa trúng giá, giúp nông dân có lãi trung bình từ 30 - 40 triệu đồng/ha/vụ, bảo đảm lương thực, cuộc sống no ấm. Từ đó, bà con chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng xã Nhơn Sơn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Lương Tri tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao vào canh tác, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nông dân.

Cây măng tây xanh cho thu nhập trung bình 1,5 tỷ đồng/ha/năm, đồng bào Chăm thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước vươn lên làm giàu từ măng tây xanh
Cây măng tây xanh cho thu nhập trung bình 1,5 tỷ đồng/ha/năm, đồng bào Chăm thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước vươn lên làm giàu từ măng tây xanh

Rời cánh đồng Chà Vum, chúng tôi đến với thôn Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc khi mùa Lễ hội Katê 2024 đã gần kề. Bỉnh Nghĩa hôm nay đã đổi thay toàn diện về mọi mặt.

Trưởng thôn Bỉnh Nghĩa Trương Thành Lợi cho biết, toàn thôn Bỉnh Nghĩa hiện có 846 hộ với 4.600 nhân khẩu. Khoảng 181ha ruộng ba vụ lúa của thôn chủ động tưới từ hệ thống thủy lợi Nha Trinh và 126ha ruộng hai vụ lúa chủ động nước tưới từ hệ thống thủy lợi Sông Trâu. Các vụ lúa Hè - Thu năng suất đạt bình quân từ 6,5 - 7 tấn/ha. Giá bán lúa khô 8.500 đồng/kg, nông dân có lãi khoảng 30 triệu đồng/ha. Trong 3 năm (2022 - 2024), Bỉnh Nghĩa có 78 hộ nghèo được Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG 1719 hỗ trợ 582 triệu đồng, giúp bà con mua sắm nông cụ chuyển đổi nghề, lắp đặt hệ thống nước sinh hoạt phân tán nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhiều chính sách đầu tư cho vùng đồng bào Chăm

Bà Pi Năng Thị Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận cho biết, toàn tỉnh có 19.592 hộ với 90.207 khẩu đồng bào Chăm sinh sống trên địa bàn 35 thôn, khu phố thuộc 6 huyện, thành phố, chiếm 12,3% dân số toàn tỉnh. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách huy động các nguồn lực nâng cao đời sống đồng bào DTTS và miền núi.

Vùng đồng bào Chăm xã Phước Hải, huyện Ninh Phước được Nhà nước đầu tư hệ thống giao thông khang trang đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân
Vùng đồng bào Chăm xã Phước Hải, huyện Ninh Phước được Nhà nước đầu tư hệ thống giao thông khang trang đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân

Trong 5 năm gần đây (2019 - 2024), Trung ương hỗ trợ vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách tỉnh và các nguồn lực khác với tổng vốn đầu tư đạt trên 4.877 tỷ đồng, trong đó có 2.998 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 1.878 tỷ đồng vốn sự nghiệp. Nguồn vốn này tập trung hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng với hơn 1.000 hạng mục công trình, dự án, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng DTTS và miền núi của tỉnh.

Riêng Dự án 1, Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2022 - 2024, ngân sách Trung ương và địa phương đầu tư 79.967 triệu đồng. Đến cuối tháng 8/2024, toàn tỉnh giải ngân 72.276 triệu đồng, đạt 90,3% nguồn vốn. Trong đó, hoàn thành cải tạo mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật 173 lô đất ở. Hỗ trợ xây dựng hoàn thành 317 căn nhà ở cho hộ nghèo ở 2 huyện Ninh Sơn và Bác Ái. Có 1.936 hộ nghèo được hỗ trợ giống vật nuôi, mua sắm nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ lắp đặt nước sinh hoạt phân tán cho 539 hộ; xây dựng 8 công trình nước sinh hoạt tập trung ở các huyện Bác Ái, Ninh Phước…

“Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, chính quyền địa phương triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719. Toàn tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội đầu tư, tạo động lực đưa đời sống đồng bào Chăm phát triển nhanh, bền vững”, bà Pi Năng Thị Thủy cho biết. 

Tin cùng chuyên mục
Đăk Tô (Kon Tum): Thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo

Đăk Tô (Kon Tum): Thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo

Bằng quyết tâm và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Đăk Tô (Kon Tum) đã phát huy hiệu quả, giúp hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên, nâng cao đời sống, thu nhập, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.