Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Bắc Giang: Sẵn sàng cho Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10

Cát Tường - 11:46, 20/07/2021

Còn ít ngày nữa, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021 – 2022 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang sẽ diễn ra. Ngành Giáo dục tỉnh Bắc Giang đang cùng với thầy và trò quyết tâm hoàn thành Kỳ thi với tinh thần “khó khăn gấp đôi, nỗ lực gấp ba” trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022, tỉnh Bắc Giang có 19.626 thí sinh đăng ký dự thi vào 33 trường THPT công lập và THPT Chuyên. Ảnh minh họa
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022, tỉnh Bắc Giang có 19.626 thí sinh đăng ký dự thi vào 33 trường THPT công lập và THPT Chuyên. Ảnh minh họa

Củng cố kiến thức

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang sẽ diễn ra ngày 27 và 28/7/2021. Để chuẩn bị cho Kỳ thi, các cơ sở giáo dục đã quan tâm tổ chức ôn tập, bổ sung kiến thức cho học sinh. Các trường đã linh hoạt hình thức dạy học đi đôi với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19; bám sát nội dung chương trình hướng dẫn ôn tập và cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 do Sở GD&ĐT ban hành để xây dựng các chuyên đề ôn luyện phù hợp cho học sinh.

Kỳ thi này, Trường THCS Thân Nhân Trung có 218 học sinh lớp 9 ôn thi vào lớp 10. Thời gian này, cùng với công tác phòng, chống dịch, các em được ôn tập, củng cố lại kiến thức để chuẩn bị cho Kỳ thi vào lớp 10. Đồng hành cùng các em học sinh, các thầy cô, giáo đã luôn hỗ trợ, thực hiện ứng dụng phần mềm ôn thi trực tuyến để hướng dẫn học sinh ôn tập, rèn luyện kỹ năng làm bài. 

Cô Nguyễn Thị Phương Anh, giáo viên Trường THCS Thân Nhân Trung cho biết: Trong công tác ôn tập cho học sinh, nhà trường đã có phương pháp giảng dạy phù hợp áp dụng đối với năng lực của học sinh; Với nhóm học sinh có lực học khá và trung bình thì tập trung củng cố khối kiến thức cơ bản. Hướng dẫn học sinh lớp năng khiếu làm các dạng đề khó để các em phấn đấu đạt điểm cao, tăng khả năng trúng tuyển vào các trường tốp đầu. 

Hơn 1 tháng trở lại đây, lịch học mỗi môn đã được điều chỉnh giảm còn 3 buổi/tuần, mỗi buổi 3 tiết đối với một môn thi. Cô Lê Thị Thu, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú chia sẻ: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Kế hoạch thi tuyển bị thay đổi nên thời gian ôn thi kéo dài cộng với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên ít nhiều đã ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh. 

Tuy vậy, đây là giai đoạn ôn thi nước rút không cho phép các em lơ là, chủ quan nên thầy cô vận dụng thêm đề tham khảo thi của những năm trước cho các em ôn tập. Cùng với hệ thống lại kiến thức là hướng dẫn kỹ năng làm bài, để hạn chế những lỗi thường mắc phải. Bên cạnh đó, các thầy, cô giáo cũng thường xuyên trao đổi với phụ huynh học sinh để tư vấn, định hướng hỗ trợ học sinh ôn thi được tốt hơn. 

Bảo đảm an toàn

Theo thống kê đến hết ngày 17/7, toàn tỉnh Bắc Giang có 2 học sinh lớp 9 thuộc diện F0, 8 học sinh thuộc diện F1, 214 học sinh thuộc diện F2, 153 học sinh thuộc vùng cách ly y tế, 309 học sinh thuộc vùng thực hiện Chỉ thị 16, 8 em đi từ vùng có dịch về.

Đối với các trường hợp này, ngành Giáo dục Bắc Giang đặc biệt quan tâm, xây dựng kịch bản tổ chức thi riêng để đảm bảo an toàn cho các cán bộ làm thi, học sinh; đồng thời đảm bảo quyền lợi cho các em.

Theo kế hoạch, Bắc Giang sẽ thực hành xét nghiệm cho 100% thí sinh và cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ coi thi
Theo kế hoạch, Bắc Giang sẽ thực hành xét nghiệm cho 100% thí sinh và cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ coi thi

Đối với các thí sinh đăng ký dự thi tại 4 trường THPT: Sơn Động số 3, Lục Ngạn số 3, Lục Ngạn số 4, Tứ Sơn có nguyện vọng được học tại các Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT), Sở GD&ĐT đã quyết định điều chỉnh hình thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT của 4 trường THPT này bằng hình thức tuyển thẳng, tổng số 1.371 thí sinh.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022, tỉnh Bắc Giang có 19.626 thí sinh đăng ký dự thi vào 33 trường THPT công lập và THPT Chuyên.

Trong đợt thi này, toàn tỉnh sẽ tổ chức 30 Hội đồng coi thi với dự kiến 759 phòng thi.

Về lịch chấm thi, Hội đồng Chấm thi tổ chức chấm bài thi từ ngày 30/7 và xong trước ngày 8/8; công bố kết quả thi dự kiến vào ngày 8/8.

Công bố điểm chuẩn: Ngày 15/8 với lớp 10 THPT Chuyên và các trường phổ thông dân tộc nội trú; ngày 21/8 với lớp 10 THPT công lập không chuyên


Song, có 100 thí sinh của 4 trường này vẫn tiếp tục dự thi để xét tuyển vào các trường PTDTNT, Sở GD&ĐT sẽ bố trí cho các thí sinh dự thi tại các trường THPT: Sơn Động số 2, Lục Nam, Lục Ngạn số 1, Lục Ngạn số 2.

Tại mỗi Hội đồng coi thi, Sở GD&ĐT bố trí ít nhất 2 phòng thi dự phòng và 1 phòng dùng để cách ly khi cần thiết; các điểm thi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo an toàn theo quy định.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, tổ chức 1 Điểm thi cho các thí sinh trên địa bàn có liên quan tới dịch bệnh Covid-19 thuộc các diện F1, F2, thuộc vùng cách ly y tế, vùng cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16, thí sinh đến từ vùng dịch.

Theo kế hoạch, Sở GD&ĐT cũng có phương án tổ chức đưa đón thí sinh thuộc diện F1, F2 đến điểm thi an toàn. Bên cạnh đó, chuẩn bị các điều kiện để xét nghiệm cho 100% thí sinh và cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ coi thi. Việc lấy mẫu xét nghiệm phải đúng quy trình và bảo đảm giãn cách theo quy định; nếu đủ nguồn vắc xin, sẽ phân bổ để tiêm cho cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ thi.

Theo ông Trần Tuấn Nam, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Để tổ chức tốt Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức họp với các trường THPT toàn tỉnh để rút kinh nghiệm tổ chức đợt 1 Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Ngành Giáo dục sẽ chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo quyền lợi cho tất cả học sinh, quyết tâm vượt qua dịch bệnh để tổ chức Kỳ thi thành công. 

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.