Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Bạch Thông (Bắc Kạn): Sức bật từ những mô hình giảm nghèo

Hoàng Quý - 17:09, 24/04/2021

Thời gian qua, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Thông qua cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các mô hình sản xuất mới trong lĩnh vực nông nghiệp đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao, được nhân rộng, góp phần thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS của huyện.

 Mô hình trồng cam Đường Canh của người dân Bạch Thông
Mô hình trồng cam Đường Canh của người dân Bạch Thông

Quang Thuận, là một trong những xã dẫn đầu huyện Bạch Thông về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Phát huy thế mạnh của địa phương về nông nghiệp, xã đã hình thành vùng sản phẩm cam, quýt có giá trị. Toàn xã hiện có hơn 700ha cây ăn quả các loại, hằng năm đem lại doanh thu hơn 40 tỷ đồng; nhiều hộ dân xây dựng được nhà cửa khang trang, kinh tế ngày một ổn định.

Điển hình như, gia đình chị Triệu Thị Huế, trước đây cũng phải loay hoay với việc trồng cây gì, nuôi con gì để có thu nhập. Từ năm 2014, được địa phương hướng dẫn, chị đã mạnh dạn trồng hơn 1 nghìn gốc cam đường canh. Đến nay, vườn cam của chị Huế đã nổi tiếng khắp vùng, cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng mỗi năm.

Được biết, do nhu cầu mở rộng diện tích trồng của người dân, nên các vườn ươm tại xã Quang Thuận luôn có sẵn lượng cây giống cam canh để phục vụ bà con. Đến nay, không riêng gì đất Quang Thuận, một số xã lân cận như Dương Phong và Đôn Phong, người dân cũng bắt đầu phát triển diện tích cam canh.

Ngoài mô hình trồng cây ăn quả ở xã Quang Thuận, thì một mô hình kinh tế khác cũng đang đem lại hiệu quả  cao. Như, mô hình nuôi ngan thương phẩm ở xã Đôn Phong. Đây là mô hình thuộc Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. 

Tham gia mô hình có  24 hộ; các hộ dân được hỗ trợ 100% con giống, thức ăn chăn nuôi, vắc-xin, thuốc chữa bệnh và hóa chất khử trùng chuồng trại và được ký bao tiêu sản phẩm. 

Người dân xã Đôn Phong (Bạch Thông) lựa chọn ngan giống
Người dân xã Đôn Phong (Bạch Thông) lựa chọn ngan giống

Ông Hà Văn Quyền, một hộ tham gia mô hình phấn khởi chia sẻ: “Hiện tôi có hơn 100 con ngan thịt đạt trọng lượng từ 3 đến 4kg/con. Với giá bán từ 45 - 50.000 đồng/kg, chỉ cần nuôi chưa đến 3 tháng, đàn ngan cho thu nhập mỗi lứa từ 15 đến 20 triệu đồng”.

Bà Nguyễn Thị Dâng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bạch Thông cho biết, nhằm đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, hàng năm huyện đã chỉ đạo phát triển sản xuất theo hướng tập trung, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, thực hiện liên kết trong sản xuất để tạo ra giá trị hàng hóa. 

Theo bà Dâng, hiện một số cây trồng trên địa bàn mang lại hiệu quả kinh tế cao như cây cam quýt. Đến năm 2020, tổng diện tích toàn huyện đã có 1.570 ha, trong đó có trên 1.250 ha cho thu hoạch, giá trị đạt trên 100 tỷ đồng/năm; cây thuốc lá, cây ổi, cây chè và cây hồi cũng đem lại thu nhập khá cao cho người dân.

"Ngoài cây ăn trái, năm 2020 huyện Bạch Thông đã thực hiện liên kết với doanh nghiệp, thực hiện trên 94 ha mô hình gieo trồng lúa hàng hóa j02 tại các xã vùng lúa trồng điểm; trồng trên 5,4 ha mô hình trồng kiệu tại các xã Sỹ Bình, Vũ Muộn, Quân Hà; mô hình trồng 4,4 ha khoai tây tại xã Sỹ Bình; trên 13,6 ha trồng rau cải dưa Nhật tại xã Vũ Muộn, Cẩm Giàng; mô hình trồng chè lai xanh tại xã Quân Hà", bà Nguyễn Thị Dâng cho biết thêm.


Tin cùng chuyên mục
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.