Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Bản người Mông dựng nhà ở cho giáo viên

Đào Thọ - 10:34, 24/02/2020

Bản vùng cao của người Mông ở xã biên giới Nhôn Mai, huyện Tương Dương (Nghệ An) thời điểm này nhộn nhịp người qua lại. Khi kỳ nghỉ đang kéo dài để cô, trò cùng chung sức phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virut Covid-19 gây ra cũng chính là lúc bà con dân bản chung tay sửa sang lại mấy gian phòng lụp xụp để thầy cô yên tâm bám trường, bám lớp.

Người dân bản Huồi Cọ dựng nhà ở cho giáo viên.
Người dân bản Huồi Cọ dựng nhà ở cho giáo viên

Điểm trường Mầm non bản Huồi Cọ nằm bên lưng chừng đồi. Huồi Cọ mùa này thật đẹp. Hoa đào còn nở bung bên những mái nhà và thẫm đẫm sương đêm. Mới sáng sớm đã thấy từng tốp đàn ông, phụ nữ kéo đến ngồi đợi ở sân trường. Chúng tôi tỏ ý ngạc nhiên thì cô giáo trẻ Lương Thị Thùy (quê ở Anh Sơn, cách nơi dạy hơn 200km) bảo: “Mấy hôm nay được nghỉ học nên bà con bảo nhau đến dựng tạm cho các cô mái nhà để ở và dạy học. Mấy năm nay không có nơi ở, hoặc có thì cũng bị dột nát nên khó khăn lắm”.

Điểm trường Mầm non Huồi Cọ năm nay có 1 lớp với 36 học sinh. Học sinh đã có phòng học kiên cố , trong khi đó phòng ở của hai cô giáo chỉ là một căn nhà tạm bợ, vừa là nơi nghỉ, vừa là nơi nấu ăn. Như một thói quen, cứ năm học mới bắt đầu, Bí thư Chi bộ bản Huồi Cọ - ông Và Ca Sua lại huy động dân bản góp công, góp sức giúp các các cô sửa sang lại nơi ở. Ông nói như để thanh minh rằng: “Thương các cô lắm! Cũng muốn dựng căn nhà đàng hoàng cho các cô, nhưng dân bản ta nghèo, vật liệu vận chuyển lại xa xôi nên đành chịu. Mấy đợt vừa rồi nhà sửa lại nhưng vẫn không bảo đảm an toàn. Đợt này dân bản quyết tâm làm cho các cô căn nhà mới. Cả bản có 52 hộ, mỗi hộ góp một ít của cải và công sức để giúp các cô”.

Những âm thanh cưa, đục vang lên nhộn nhịp ở sân trường khiến chúng tôi vừa mủi lòng vừa cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết. Theo cô Kha Thị Hương, một trong hai cô giáo cắm bản, thì đây là những vật liệu có sẵn được người dân góp lại để làm nhà. Thế cũng là hạnh phúc lắm rồi, bởi theo cô Hương, mấy năm trước, khi cô lên đây dạy học, muốn vào được điểm trường này cũng mất cả ngày trời đi bộ. Đến nơi có được bữa cơm ngồi ăn trong căn nhà dột nát cũng cảm thấy ngon hơn bao giờ hết. Nghe cô kể mới thấy được sự nghiệp trồng người trên miền biên viễn này chẳng hề đơn giản chút nào.

Cuộc sống còn nhiều khó khăn là vậy nhưng tình người vẫn luôn lan tỏa trong từng con chữ. Tại các điểm trường, giáo viên cắm bản luôn được bà con xem như người thân ruột thịt. Có miếng ăn ngon họ cũng không bao giờ quên các thầy cô giáo. Biết thầy cô vừa đến trường, người bó rau, người quả dưa, quả bí mang đến cho các thầy cô cải thiện bữa ăn hằng ngày. Một già làng ở bản Huồi Cọ nói với chúng tôi: “Dân bản no thì thầy cô cũng no, dân bản đói cũng không bao giờ để thầy cô đói được”. Câu nói của ông khiến chúng tôi cảm thấy thật ấm lòng.

Tin cùng chuyên mục
Cần quan tâm đến đời sống, thu nhập của nhà giáo, đặc biệt là giáo viên vùng đồng bào DTTS

Cần quan tâm đến đời sống, thu nhập của nhà giáo, đặc biệt là giáo viên vùng đồng bào DTTS

Vấn đề phụ cấp ưu đãi nghề chưa đủ hấp dẫn, đặc biệt đối với nhà giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra trong phiên thảo luận về Luật Nhà giáo tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Các đại biểu cho rằng, cần quan tâm đến đời sống, thu nhập của nhà giáo để tháo gỡ những khó khăn trong công tác giáo dục đang tồn tại ở khu vực này.