Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Góp tuổi thanh xuân cho sự học vùng cao

Hồng Phúc - 21:19, 29/01/2020

Với những giáo viên cắm bản, học sinh đến lớp đầy đủ đã là một niềm hạnh phúc… Đó là tâm sự của cô Nguyễn Thị Thảo, sinh năm 1989, giáo viên Trường PTDT bán trú tiểu học Lao Chải, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Cũng như rất nhiều giáo viên “cắm bản” khác, cô Thảo đang góp tuổi thanh xuân của mình để chăm lo cho sự học ở vùng cao.

Lớp học của cô giáo Thảo
Lớp học của cô giáo Thảo

Cái khổ có lẽ cũng chán mình lâu rồi

Cuối năm, núi rừng Tây Bắc chìm trong cái lạnh tê buốt khi nhiệt độ giảm xuống dưới 10oC; Trường PTDT bán trú tiểu học Lao Chải và cả khu bán trú chìm trong sương mờ. Trường có 1.069 học sinh thì có đến gần 800 trẻ ở bán trú, 100% là người Mông. 

Đã 6 năm gắn bó với trường nên cô Nguyễn Thị Thảo đã quen với tiết trời khắc nghiệt nơi núi rừng heo hút này. Cô bảo, có lẽ cái khổ nó cũng chán mình rồi. Với những giáo viên cắm bản, học sinh đến lớp đầy đủ đã là một niềm hạnh phúc bởi ở vùng cao, tình trạng học sinh bỏ học, trốn học còn rất nhiều. Vì thế, giáo viên phải kiêm thêm cả nhiệm vụ “tìm” trẻ mỗi khi thấy chúng không tới trường.

Cô kể, dù có những đứa trẻ nhà xa tận bản Háng Gàng cách trường gần 20 cây số thì cũng phải tìm đến để “ngọt nhạt” dỗ các em đi học. Trời thương thì may ra nắng, nếu mưa đường lầy lội đi lại khó khăn thì các em càng ngại đi học, lúc ấy cô Thảo phải đến kịp không để “bệnh lười” của học sinh được “ủ lâu” vì sợ những tiết học sau các em sẽ bị hổng kiến thức.

Tráng A Già là học sinh lớp 2 do cô Thảo làm Chủ nhiệm. Già mải chơi, hay trốn học. Thấy mọi biện pháp đã áp dụng đều không hiệu quả với cậu học sinh bướng bỉnh, cô Thảo đã tới tận nhà em xin phép bố mẹ cho Già tới ở với cô 1 tuần. Từ nghiêm khắc kỷ luật sinh hoạt, học bài, đồng thời động viên, khuyến khích, từ khi ở với cô Thảo, Tráng A Già đã thay đổi hẳn, chăm chỉ đến lớp. 

“Khi gần các con, mình mới cảm nhận rõ chúng thực sự là một tờ giấy trắng. Mình không những dạy con chữ cho các em mà còn phải truyền động lực, cảm hứng để chúng vươn lên thay đổi hoàn cảnh nghèo khó, luẩn quẩn với ruộng nương”, cô Thảo chia sẻ. 

Những nỗ lực của cô Thảo được đền đáp khi học sinh đi học đầy đủ và chăm chỉ học tập. Ngay thời điểm cuối năm, khi núi rừng chìm trong sương lạnh, học sinh ở Trường PTDT bán trú tiểu học Lao Chải vẫn đến lớp đầy đủ. Các em tự giác xếp hàng ngay ngắn đi bộ cùng cô giáo Thảo quãng đường gần 1km từ khu bán trú đến trường mỗi ngày.

Cô giáo Thảo cùng các em học sinh Trường PTDT bán trú tiểu học Lao Chải
Cô giáo Thảo cùng các em học sinh Trường PTDT bán trú tiểu học Lao Chải

“Mình tạm quên mình đi … ”

Một tuần với cô Thảo là những ngày bận rộn nối tiếp khi lên trường dạy học, ăn ngủ cùng học sinh. Cuối tuần, chị lại đứng lớp dạy chữ xoá mù cho đồng bào ở xã Lao Chải. Có gia đình, bố mẹ và con cái đều học cô Thảo. 

Nói chuyện mới biết, cô giáo Thảo còn làm thêm công việc bán hàng online để có thêm thu nhập ngoài đồng lương giáo viên eo hẹp, cuối tuần nào trống lịch dạy chị cũng bận bịu đi giao hàng. 

Quyết định đến Lao Chải cắm bản, chấp nhận xa gia đình nhỏ, chị ở cùng con gái thứ 2, còn con lớn ở với chồng. Hai mẹ con sống trong căn phòng trọ cách trường 5km, những ngày không phải trực bán trú, chị mới có nhiều thời gian hơn dành cho con gái 4 tuổi vì ngày thường phải thuê người đưa đón con đến trường. Mỗi tháng, chị mong chờ cuộc sum họp ngắn ngủi khi người chồng vượt hơn 200 cây số từ Yên Bái lên thăm. 

“Mình tạm quên mình đi, bởi mình biết rằng, nhiều người cần mình lắm!…”, cô giáo Thảo tâm sự. 

Trong câu chuyện, cô Thảo ít nhắc đến hai chữ khó khăn mà nói nhiều đến hạnh phúc. Cô bảo mình còn có các em, có đồng nghiệp san sẻ cùng. “Tôi chỉ là một trong hàng vạn thầy, cô giáo cắm bản trên khắp đất nước đang làm công việc này. Gắn bó với lũ trẻ, tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc, niềm hạnh phúc của một người mẹ, một người thầy”, cô Thảo cho biết.

Chia tay Lao Chải khi Xuân mới đang về, chúng tôi tin rằng, với những người dân ở đây, những giáo viên “cắm bản” như cô Thảo không đơn thuần chỉ là người đem đến con chữ cho họ mà còn là một nguồn hy vọng, gieo vào họ những điều tốt đẹp về tương lai tươi sáng. Giữa họ, có một sợi dây vô hình nhưng lại gắn kết bền chặt. 

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.