Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bản sắc văn hóa tạo điểm nhấn trong phát triển du lịch cộng đồng ở Bình Liêu

Mỹ Dung - 04:38, 24/11/2023

Khai thác tiềm năng, lợi thế dựa trên giá trị văn hóa truyền thống, tạo ra các sản phẩm độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc trong phát triển du lịch cộng đồng, là cách mà huyện vùng cao Bình Liêu (Quảng Ninh) đã và đang triển khai. Nhờ đó, nhiều người người dân có việc làm, thu nhập, ý thức trách nhiệm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng được nâng lên.

Hát then - đàn tính cũng là một trong những sản phẩm du lịch cộng đồng thu hút du khách
Hát then - đàn tính cũng là một trong những sản phẩm du lịch cộng đồng thu hút du khách

Xây dựng nhiều điểm du lịch cộng đồng

Huyện vùng cao Bình Liêu có 96% dân số là người DTTS, trong đó đông nhất dân tộc Tày chiếm 58,4%, dân tộc Dao chiếm 25,6%, dân tộc Sán Chỉ chiếm 15,4%, còn lại là dân tộc Kinh, dân tộc Hoa và một số thành phần dân tộc khác.

 Từ chủ trương khai thác bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, thời gian qua, huyện Bình Liêu đã xây dựng các mô hình bảo tồn bản sắc văn hóa tại các bản: Bản văn hóa người Tày ở Đồng Thanh (xã Hoành Mô); bản văn hóa người Dao ở Nà Nhái (xã Vô Ngại), Sông Moóc (xã Đồng Văn)...; đồng thời khuyến khích các hộ dân hình thành các cơ sở lưu trú, điểm du lịch cộng đồng (homestay) để thu hút khách du lịch tham quan và trải nghiệm.

Điển hình như gia đình anh Lý Hồng Công, thôn Bản Chuồng, xã Lục Hồn, nắm bắt xu hướng phát triển du lịch cộng đồng, năm 2021, gia đình anh đã mạnh dạn vay mượn đầu tư, cải tạo khu nhà ở của gia đình thành homestay đón khách du lịch, với số tiền đầu tư trên 1 tỷ đồng. Mặc dù còn đơn sơ, nhưng kể từ khi đi vào hoạt động, hầu như vào dịp cuối tuần, homestay của gia đình anh Công đều kín khách.

Làm du lịch đã tạo cho gia đình anh Công cùng nhiều hộ dân trên địa bàn không chỉ có nguồn thu nhập khá và ổn định, mà còn tạo cho người dân ở đây có điều kiện giao lưu văn hoá với du khách, mở ra nhiều cơ hội tăng thu nhập từ các dịch vụ phục vụ du khách, ngay chính trên mảnh đất mình sinh sống.

“Ngoài lưu trú, gia đình còn  cung cấp dịch vụ ăn uống cho du khách, thực đơn là những sản vật của bà con tự chăn nuôi, trồng cấy được. Nhờ chuyển hướng làm du lịch, lợi nhuận thu được cũng đủ cho gia đình trang trải cuộc sống; còn dư một phần tiết kiệm để có thể mở rộng hoạt động kinh doanh”, anh Công chia sẻ thêm.

Bình Liêu tăng cường xây dựng và phát triển các homestay, hợp tác xã du lịch để đáp ứng nhu cầu của du khách
Bình Liêu tăng cường xây dựng và phát triển các homestay, hợp tác xã du lịch để đáp ứng nhu cầu của du khách

Nhằm phục vụ nhu cầu lưu trú ngày càng tăng của du khách, huyện Bình Liêu cũng đã khuyến khích các hộ dân và doanh nghiệp đầu tư, phát triển các cơ sở lưu trú. Đến nay trên địa bàn huyện đang có 3 khách sạn và hàng chục homestay, với trên 300 buồng, phòng, đáp ứng nhu cầu lưu trú cho hơn 1.200 du khách.

Tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp đẫn

Với lợi thế là địa phương chủ yếu là đồng bào DTTS sinh sống, đồng bào  đang sở hữu nhiều di sản văn hóa đặc sắc với nhiều lễ hội, phong tục, tập tục tốt đẹp, các hình thức diễn xướng văn nghệ dân gian như hát then - đàn tính, hát soóng cọ. Đây chính là thế mạnh, tiềm năng riêng có để Bình Liêu để khai thác trong phát triển du lịch cộng đồng, 

Theo đó, huyện đã chú trọng tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào. Đồng thời, tổ chức thường niên các hoạt động lễ hội, tuần văn hóa du lịch như: Ngày hội Kiêng gió, Hội hát Soóng Cọ, lễ hội đình Lục Nà, Hội hoa Sở, hội Mùa vàng...,với rất nhiều hoạt động trải nghiệm mới lạ, các trò chơi dân gian thú vị.

Thông qua các hoạt động, sự kiện đã góp phần đẩy mạnh quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc, từng bước khẳng định dấu ấn đặc sắc của du lịch Bình Liêu trên bản đồ du lịch trong nước. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP, đồng thời đầu tư nguồn lực phát triển mạnh mẽ về hạ tầng giao thông kết nối các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn giúp tạo thuận tiện cho du khách tham quan.

Chị Vũ Thị Lan Anh, một du khách đến từ thành phố Hải Phòng cho biết: Sau 4 năm, đây là lần thứ hai chị và nhóm bạn quay trở lại Bình Liêu. Chị thấy Bình Liêu phát triển rất nhiều sản phẩm du lịch. "Nếu như trước kia, đi du lịch miền núi thế này, chúng tôi đi theo kiểu phượt là chủ yếu vì dịch vụ lưu trú rất ít, nhưng giờ quay trở lại tôi thấy dịch vụ đa dạng, đáp ứng theo nhu cầu của khách du lịch nên chúng tôi đã lưu trú lại”,chị Lan Anh thông tin.

Lễ hội Hoa sở là một trong những sản phẩm du lịch độc đáo của huyện vùng cao Bình Liêu
Lễ hội Hoa sở là một trong những sản phẩm du lịch độc đáo của huyện vùng cao Bình Liêu

Phát triển du lịch bền vững

Được biết, thực hiện các đề án: Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Quảng Ninh, Đề án về phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh; Đề án phát triển kinh tế ban đêm của tỉnh, giai đoạn 2020 - 2025, hay Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc địa phương..., huyện Bình Liêu là một trong những địa phương được tỉnh Quảng Ninh ưu tiên bố trí nhiều nguồn lực để thực hiện.

Ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu cho biết: Ngày 7/3/2023, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 569/QĐ-UBND “Về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2023”. Đây chính là động lực quan trọng, mở ra cơ hội để Bình Liêu bứt phá trong phát triển ngành du lịch, hướng tới mục tiêu xây dựng Bình Liêu trở thành trung tâm du lịch cộng đồng của tỉnh.

Theo đó, huyện Bình Liêu cũng đã xây dựng Đề án phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển KT-XH đến năm 2030; ban hành Nghị quyết số 13-NQ/HU ngày 31/3/2023 về phát triển du lịch huyện Bình Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 

Trong đó, nhấn mạnh giải pháp phát triển du lịch cộng đồng, dựa trên nền tảng bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, gắn với bảo vệ môi trường cảnh quan tự nhiên; tập trung xây dựng, hình thành các bản văn hóa của dân tộc Tày, Dao và Sán Chỉ, tạo nên điểm nhấn, gia tăng thêm các trải nghiệm của du khách.

 Năm 2023, Bình Liêu đặt mục tiêu đón 80.000 khách, phấn đấu doanh thu du lịch đạt 42 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, huyện sẽ tập trung khai thác các thế mạnh sẵn có, làm mới và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Nhìn từ thực tế, bên cạnh những điểm đến đã trở thành thương hiệu và quen thuộc như vịnh Hạ Long, Yên Tử... việc mở rộng không gian du lịch ra vùng biên giới, vùng đồng bào DTTS như huyện Bình Liêu chắc chắn là một hướng đi đúng và trúng trong chiến lược, kế hoạch phát triển của ngành du lịch Quảng Ninh.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.