Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phát triển bền vững các dân tộc có khó khăn đặc thù

Du lịch Lô Lô Chải - Khi bản sắc truyền thống và công nghệ hiện đại gặp nhau...

Thanh Thuận - 16:25, 01/11/2023

Từ một ngôi làng nhỏ “vô danh”, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn vì nguồn sống chủ yếu dựa vào mấy vạt ngô trồng trên núi đá tai mèo; đến nay, thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang) đã khoác lên mình diện mạo mới. Những đổi thay từ cách nghĩ, cách làm của đồng bào Lô Lô đã biến nơi này thành điểm “sáng” về du lịch cộng đồng (homestay) trên bản đồ du lịch của Hà Giang, đem lại cuộc sống ấm no cho đồng bào DTTS dưới chân núi Rồng.

Người Lô Lô ứng dụng công nghệ vào phát triển du lịch cộng đồng
Một góc thôn Lô Lô Chải.

Diện mạo mới dưới chân núi Rồng

Có một bản làng nhỏ xinh, nơi cư trú của phần lớn người dân tộc Lô Lô, nằm nép mình dưới chân núi Rồng của xã Lũng Cú - bản Lô Lô Chải. Trên đỉnh ngọn núi Rồng sừng sững là nơi tọa lạc của cột cờ quốc gia Lũng Cú - biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam nơi cực Bắc tổ quốc.

Bản Lô Lô Chải đón chúng tôi với ánh nắng vàng nhạt trong một ngày mùa thu mát mẻ. Bước qua cổng làng, chúng tôi như lạc vào một thế giới khác với những ngôi nhà trình tường lợp ngói âm dương màu nâu sậm, phía trước nhà là những hàng rào đá xám xếp chồng lên nhau, cao ngang đầu người. Xen vào đó là màu xanh ngắt của những vạt ngô tươi tốt mọc trên những khoảng đất cằn sỏi đá. Phía trước những ngôi nhà trình tường, các tấm biển hiệu, chỉ dẫn đều được viết bằng hai thứ tiếng Anh và Việt. 

Người Lô Lô ứng dụng công nghệ vào phát triển du lịch cộng đồng 1
Người dân Lô Lô luôn ý thức giữ gìn vệ sinh đường thôn sạch sẽ.

Ấn tượng mà bản Lô Lô Chải mang đến cho chúng tôi còn là sự sạch đẹp của từng ngôi nhà, từng con ngõ, đường làng và  không khí mát mẻ, yên bình. Anh Sình Dỉ Gai, Trưởng bản Lô Lô Chải đón chúng tôi với nụ cười hiền, sự chân chất, mộc mạc của người dân vùng cao.  Anh Sình Dỉ Gai chính là người đầu tiên làm du lịch cộng đồng tại thôn. Anh Gai bồi hồi nhớ lại: “Hơn 10 năm trước, người dân bản Lô Lô Chải chỉ biết làm nông nghiệp, trồng ngô và chăn nuôi nhỏ lẻ. Điều kiện tự nhiên khó khăn, đất đai ít, chủ yếu là núi đá tai mèo. Vì thế, dù có cố gắng, chăm chỉ người dân cũng rất khó để thoát nghèo”.

Người Lô Lô ứng dụng công nghệ vào phát triển du lịch cộng đồng 2
Anh Sình Dỉ Gai (ngoài cùng bên trái) tiếp đón những vị khách đến với homestay nhà mình.

Theo anh Gai, thời gian đó, du khách lên Hà Giang, thăm cột cờ Lũng Cú ngày càng nhiều, có ghé thăm bản Lô Lô Chải nhưng cũng chỉ ghé thăm, chụp ảnh rồi về thị trấn Đồng Văn nghỉ đêm. Bởi nơi đây không có chỗ cho họ lưu trú, nghỉ lại. Nhận thất tiềm năng chưa được khai thác, năm 2011, anh Gai đã quyết định làm du lịch cộng đồng, anh cũng tích cực tham quan, học tập mô hình homestay ở một số nơi để học hỏi kinh nghiệm “Lúc đó mình mới chập chững làm, kinh phí hạn hẹp nên rất khó khăn, vừa làm vừa học. Sau đó, khi có kinh nghiệm rồi mọi thứ mới dễ dàng hơn”.

Năm 2017, anh Gai đầu tư xây mới thêm một căn nhà nữa nhưng vẫn làm nhà theo lối trình tường để đáp ứng chỗ nghỉ ngơi cho du khách theo lời gợi ý của vị khách người Nhật Yasushi Ogura khi ghé thăm nhà. Đồng thời, anh Gai cũng phát triển các dịch vụ đi kèm như: Ăn uống, hướng dẫn khách khám phá nét đẹp văn hóa của người Lô Lô, bố trí hát múa các làn điệu dân ca, nghi lễ truyền thống…Với 2 homestay, anh Gai có thể đón được 50 khách lưu trú mỗi ngày. Doanh thu từ du lịch, dịch vụ đạt trên 200 – 300 triệu đồng mỗi năm. Đó là một con số khó tưởng tượng được với người Lô Lô trước kia.

 Phòng nghỉ tại các homestay được người dân Lô Lô quan tâm sửa sang gọn gàng, sạch đẹp
Phòng nghỉ tại các homestay được người dân Lô Lô quan tâm sửa sang gọn gàng, sạch đẹp

Thấy nhà anh Gai làm homestay có thu nhập, vài hộ khác trong bản cũng học làm theo, tận dụng ngôi nhà của chính mình, mua sắm thêm một số vật dụng phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi của du khách. Mô hình bắt đầu được nhân rộng và được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho vay vốn. Ông Lương Triệu Luân, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Đồng Văn, Hà Giang cho biết: “ Nhận thấy tiềm năng du lịch của bản Lô Lô Chải, huyện Đồng Văn đã hỗ trợ các gia đình làm dịch vụ homestay mỗi hộ 60 triệu đồng để các hộ làm theo đúng tiêu chí của dịch vụ homestay bao gồm: Các dịch vụ vệ sinh, phòng tắm, phòng nghỉ, ăn uống”.

Khi du lịch phát triển, đời sống của đồng bào được cải thiện đáng kể. Du lịch cộng đồng phát triển cũng đã hình hành Làng văn hóa du lịch Lô Lô Chải. Cái tên Lô Lô Chải dần được nhiều người biết đến, trở thành điểm “sáng” trên bản đồ du lịch của Hà Giang.

Ứng dụng công nghệ, làm du lịch chuyên nghiệp

Bản Lô Lô Chải có 114 hộ dân, chủ yếu là người Lô Lô chiếm 80%, số ít còn lại là người Mông. Hiện nay, hơn 1/3 số hộ dân đã chuyển sang làm du lịch, thường xuyên đón khách nghỉ lại qua đêm trong các homestay với dịch vụ theo chuẩn 3 sao du lịch cộng đồng OCOP. Trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, trung bình mỗi tháng, Lô Lô Chải đón hơn 1.000 lượt khách lưu trú, đặc biệt vào mùa hoa tam giác mạch, nơi đây gần như “cháy” phòng.

Em Dìu Thị Hương, chủ quán "Cà phê Cực Bắc" của gia đình
Em Dìu Thị Hương, chủ quán "Cà phê Cực Bắc" của gia đình

Bắt kịp với nhịp sống hiện đại ngày nay, đồng bào làm du lịch cộng đồng tại thôn Lô Lô Chải đều có thể nói thông thạo tiếng Anh, có thể tự tin giao tiếp, hướng dẫn khách du lịch tham quan, tìm hiểu về cảnh quan, phong tục, đời sống của đồng bào trong bản.

 Em Dìu Thị Hương – cô chủ nhỏ của quán "Cà phê Cực Bắc" mở tại ngôi nhà cổ Lô Lô có lịch sử hơn 200 năm thu hút khá đông khách hào hứng chia sẻ: “Là người trẻ yêu văn hóa dân tộc và với vốn tiếng Anh học được, đã giúp chúng em quảng bá tiềm năng du lịch, văn hóa truyền thống của người Lô Lô đến với du khách nước ngoài. Cũng nhờ biết ngoại ngữ mà nhiều người trong thôn có thể làm hướng dẫn viên dẫn khách du lịch nước ngoài tham quan, trải nghiệm dịch vụ tại thôn Lô Lô Chải”.

Việc quảng bá dịch vụ du lịch đã được người Lô Lô đưa lên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube. Những hình ảnh đẹp về trang phục, cảnh quan, phong tục truyền thống của người Lô Lô đều được đưa lên các trang Fanpage riêng của mỗi homestay tại Lô Lô Chải. “ Việc nhận khách thuê phòng homestay ở Lô Lô Chải hiện nay đều được thực hiện trên các ứng dụng thông minh như Zalo, Facebook, giúp kết nối, nhận khách trong nước và quốc tế nhanh chóng, thuận lợi.” – em Dìu Thị Hương cho biết thêm.

Hay chị Phạm Hằng làm việc tại LoLo Ancient House đã nhiều lần livestream (phát trực tiếp) trên Facebook những màn múa trống, lễ cúng tổ tiên của người dân trong thôn thực hiện phục vụ nhu cầu của du khách, khiến bạn xem Facebook vô cùng thích thú.

Khách du lịch đến với Lô Lô Chải không chỉ có cơ hội được tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên của núi non, đồng cỏ, rừng sa mộc đặc trưng mà còn được trải nghiệm cuộc sống, công việc và đời sống tinh thần của đồng bào Lô Lô như trải nghiệm việc dệt vải, may trang phục Lô Lô truyền thống, tham gia vào các trò chơi dân gian, các lễ hội truyền thống của người Lô Lô (như lễ cúng tổ tiên, múa trống, lễ cúng rừng)… 

Người Lô Lô ứng dụng công nghệ vào phát triển du lịch cộng đồng 5
Người Lô Lô tái hiện lễ cúng tổ tiên phục vụ nhu cầu của du khách.

Du khách Emma Keymeulen đến từ Vương quốc Bỉ cho biết: “Lần đầu tiên tôi đến Hà Giang và cao nguyên đá Đồng Văn, tôi rất ấn tượng với con người và phong cảnh nơi đây. Đến Làng văn hóa du lịch cộng đồng Lô Lô Chải, tôi thấy cuộc sống rất yên bình, người dân rất thân thiện. Những nếp nhà truyền thống rất đẹp. Văn hóa của đồng bào cũng rất độc đáo”.

Nếu như trước kia, hành trình của du khách đến với Lũng Cú chỉ để tham quan cột cờ Lũng Cú, thì nay Lô Lô Chải đã trở thành sự lựa chọn tiếp theo trong hành trình khám phá của du khách trong và ngoài nước.

Tin cùng chuyên mục
Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Lai Châu hiện có 20 dân tộc sinh sống, với dân số khoảng trên 484.000 người, trong đó có 4 dân tộc Mảng, Cống, Lự, Si La là thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Nhờ các chính sách đối với của Đảng, Nhà nước, bộ mặt các bản làng dân tộc rất ít người của tỉnh Lai Châu dần thay đổi. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thiết kế tiểu dự án 1, Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn nhằm giải quyết toàn diện những vấn đề cấp thiết của đồng bào.