Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, cơ quan liên quan về thời gian mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022. Nhiều chuyên gia đánh giá, mốc thời gian này là thời điểm "vàng" để nối lại các hoạt động du lịch bởi Việt Nam hiện đã hội đủ các điều kiện về độ phủ vắc-xin cũng như kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh. Đặc biệt, thành công bước đầu từ chương trình thí điểm đón khách quốc tế với hộ chiếu vắc-xin đã góp phần chứng minh Việt Nam là điểm đến "an toàn, hấp dẫn", đồng thời khẳng định năng lực thích ứng an toàn, linh hoạt của du lịch Việt Nam.
Theo Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, mở cửa du lịch là vấn đề cấp thiết không chỉ giúp thỏa mãn nhu cầu được đi lại, vui chơi của du khách mà còn để phát triển đời sống, khôi phục kinh tế và cũng là nguyện vọng của nhiều tầng lớp xã hội.
Để du lịch được vận hành an toàn, khoa học, hiệu quả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khẩn trương xây dựng phương án mở cửa lại hoạt động du lịch và lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi công bố chính thức. Theo đó, từ ngày 15/3, các quy định về đón khách du lịch được điều chỉnh theo hướng thông thoáng, linh hoạt hơn.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho biết: Du khách có thể đến Việt Nam bằng cả đường bộ, đường biển và đường hàng không thông qua các chuyến bay quốc tế thường lệ thay vì các chuyến bay thuê bao như thời gian thí điểm. Về quy định nhập cảnh, ngoài yêu cầu đáp ứng về chứng nhận an toàn Covid-19, du khách nhập cảnh qua đường hàng không được lựa chọn xét nghiệm bằng phương pháp PCR có giá trị 72 giờ hoặc kết quả test nhanh có giá trị 24 giờ trước khi bay đến Việt Nam. Khi hạ cánh xuống sân bay, khách đi thẳng về nơi lưu trú đã đăng ký và thực hiện xét nghiệm tại cơ sở lưu trú đã đăng ký, nhận kết quả trong 24 giờ. Du khách đi đường bộ, đường biển xét nghiệm nhanh tại cửa khẩu. Trường hợp dương tính phải cách ly điều trị; trường hợp âm tính, du khách quốc tế được tham gia các hoạt động du lịch tuân thủ các quy định phòng, chống dịch như điều kiện của khách nội địa.
Ngoài ra, du khách vẫn phải có bảo hiểm y tế hay bảo hiểm du lịch, song mức tối thiểu chi trả cho điều trị Covid-19 giảm xuống còn 10 nghìn USD thay vì 20 nghìn USD như giai đoạn thí điểm. Du khách cũng phải cam kết cài đặt ít nhất một ứng dụng quản lý an toàn phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của cơ quan chuyên môn và duy trì kết nối trong thời gian tại Việt Nam. Như vậy, so với trước, các điều kiện để du lịch Việt Nam đã trở nên thuận lợi hơn. Cùng với chính sách thị thực thông thoáng được kỳ vọng sẽ áp dụng trở lại như thời điểm trước khi có dịch, những người làm du lịch đang trông đợi vào khả năng thu hút mạnh mẽ du khách, làm nên sự hồi sinh cho ngành công nghiệp không khói nước nhà.
Tuy nhiên, mở cửa du lịch với sự gia tăng về lượng khách, hoạt động đi lại, vui chơi... cũng dễ kéo theo những rủi ro về an toàn dịch bệnh. Tại buổi trao đổi thông tin về công tác chuẩn bị mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới diễn ra ngày 21/2, Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhận định: Thời gian qua, việc kiểm soát dịch bệnh ở nước ta đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn đó những nguy cơ như sự xuất hiện của biến chủng mới, vấn đề chênh lệch về độ bao phủ vắc-xin giữa các địa phương và giữa các độ tuổi, nhất là sự chưa thống nhất về quy định kiểm soát dịch giữa các địa phương. Vì thế, để mở lại hoạt động du lịch an toàn, khoa học, hiệu quả, việc bảo đảm tuân thủ thống nhất các quy định về phòng, chống dịch phải được các địa phương, doanh nghiệp du lịch quán triệt triển khai và xem là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong hoạt động du lịch.
Ông Nguyễn Trùng Khánh cũng lưu ý, hiện nay, Việt Nam đã công nhận hộ chiếu vắc-xin của 79 quốc gia, vùng lãnh thổ, nhưng mới chỉ có 14 quốc gia công nhận hộ chiếu vắc-xin của Việt Nam. Điều này dẫn đến việc đi nước ngoài của người Việt Nam bị hạn chế, đồng thời gây mất cân bằng về lượng khách của các chuyến bay đi và đến Việt Nam, gây khó khăn cho việc giảm chi phí chuyến bay, sản phẩm du lịch đối với du khách. Do đó, Việt Nam cần tăng cường trao đổi với các quốc gia, vùng lãnh thổ để đẩy nhanh việc công nhận lẫn nhau về "hộ chiếu vắc-xin".
Ngành du lịch, nhất là các doanh nghiệp du lịch và hàng không cần có sự bắt tay chặt chẽ để xây dựng sản phẩm hấp dẫn và tăng cường thu hút khách từ các thị trường trọng điểm. Tổng cục trưởng Du lịch cho rằng trước mắt, cần hướng vào những thị trường khách quốc tế ở những nước không quy định quá chặt chẽ vấn đề cách ly sau khi đi du lịch nước ngoài trở về; các thị trường đã có động thái mở cửa, thu hút khách quốc tế đến và tạo điều kiện cho người dân đi du lịch nước ngoài.
Điều quan trọng lúc này là phải bảo đảm chất lượng sản phẩm và những tiện ích mà khách quốc tế được hưởng khi đi du lịch Việt Nam. Năng lực cạnh tranh đến thời điểm này không phải là giá cả mà là chất lượng dịch vụ và sản phẩm. Vì thế, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng dịch vụ du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch sau hai năm bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tham mưu Chính phủ tiếp tục áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động; đồng thời phối hợp các địa phương điều tra, khảo sát tình hình cơ sở vật chất nhằm kịp thời nâng cấp, hoàn thiện, bảo đảm cung ứng dịch vụ cho khách du lịch.
Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cũng nhấn mạnh, toàn ngành cần tiếp tục triển khai chương trình xúc tiến quảng bá, truyền thông mạnh trên các nền tảng số; tham gia các chương trình hội chợ quốc tế du lịch lớn được tổ chức ở những thị trường trọng điểm với Việt Nam, trước mắt là các hội chợ quốc tế ở Đông Bắc Á, châu Âu, đặc biệt là Nga để quảng bá sản phẩm du lịch tới các thị trường này.../.