Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Bảo đảm nguồn cung hàng hóa Tết Nguyên đán

Thuý Hồng - 05:58, 26/12/2022

Chỉ còn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Tại các địa phương, đã có những giải pháp để bảo đảm ổn định thị trường, giá cả trong dịp Tết Nguyên đán đang cận kề.

Nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm Tết Nguyên đán 2023 dồi dào, phong phú
Nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm Tết Nguyên đán 2023 dồi dào, phong phú

Nguồn cung hàng hóa dồi dào

Theo Bộ Công Thương, thị trường hàng hóa giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán được dự đoán sôi động hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu hàng hóa tăng cộng với việc Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán gần nhau, nên công tác dự trữ đã và đang được các địa phương, doanh nghiệp gấp rút triển khai.

Theo báo cáo của các địa phương, sau đại dịch Covid-19, người dân có xu hướng tăng chi tiêu cho mua sắm. Ước dự trữ hàng hóa tăng khoảng 10 - 12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tập trung chủ yếu đối với một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống/thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường...

Tại TP. Hà Nội, để bảo đảm hàng hóa trong dịp cuối năm, Thành phố đã chủ động, lên kế hoạch về cung ứng hàng hóa dịp cuối năm, dịp Tết Nguyên đán từ 3 tháng trước.

Theo bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Thành phố đã làm việc và yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng, hệ thống phân phối có kế hoạch dự trữ, bảo đảm cung ứng hàng hóa cho người dân những tháng cuối năm.

Đảm bảo nguồn cung hàng hoá Tết Nguyên đán 1
Thị trường hàng hóa giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão được dự đoán sôi động hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước

“Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng kế hoạch khai thác tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 15 - 30% so với Kế hoạch Tết 2022. Các doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng qua kênh Online, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng và chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra”, bà Lan cho biết.

Theo ông Lê Mạnh Phong - Giám đốc vùng miền Bắc chuỗi siêu thị GO!, Big C của Central Retail cho biết, chúng tôi đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng dồi dào tại hệ thống các siêu thị của mình nhằm đem đến cho người tiêu dùng một cái Tết đủ đầy, sung túc, không lo về giá. 

Cụ thể, sẽ cung cấp tất cả các sản phẩm Tết, bao gồm bánh Tết, kẹo Tết, bánh kẹo Tết, nước ngọt, bia, rượu với giá cạnh tranh và nhiều chương trình khuyến mãi như mua một tặng một, giảm giá 50% và giá chỉ dành cho thành viên. Đồng thời, phối hợp với các nhà cung cấp để dự báo số lượng sản xuất từ quý II/2022 và dự trữ hàng từ đầu tháng 10/2022.

Đối với TP. Hồ Chí Minh, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho các kênh phân phối, các doanh nghiệp đã dành nguồn vốn 22.000 tỷ đồng để chuẩn bị hàng hóa trong 2 tháng Tết. Trong đó tập trung vào các loại hàng hóa như trứng, lương thực thực phẩm, thực phẩm chế biến.

Theo đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh hiện có 46 trung tâm thương mại, 227 siêu thị và 3.000 cửa hàng tiện ích. Sở Công Thương dự báo nguồn hàng tăng khoảng 2 - 3 lần so với các tháng bình thường. Thời gian cuối năm, các điểm bán hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai nhiều chương trình khuyến mãi để người dân được mua hàng hóa với giá ổn định.

Bảo đảm cung ứng hàng hoá ở vùng miền núi

Đối với các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 các địa phương cũng chỉ đạo các doanh trên địa bàn phối hợp triển khai thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường.

Nhiều địa phương đã chủ động đôn đốc các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, tham gia chương trình bình ổn, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu vực đông dân cư, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn… Đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn...

Như tại tỉnh Lào Cai, địa phương này đã chủ động đề xuất phương án để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Toàn tỉnh đã dự trữ khoảng 20.000 tấn gạo, đồng thời, trên 5.000 tấn gạo và khoảng 1.000 tấn thịt… bảo đảm đủ cung ứng cho thị trường.

Bảo đảm cung ứng hàng hóa ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa
Bảo đảm cung ứng hàng hóa ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa

Ngoài việc bảo đảm cung ứng hàng hóa, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai còn tăng cường kiểm tra đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, gian lận thương mại.

Theo ông Nguyễn Quang Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai, đơn vị đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật. Bên cạnh đó tăng cường ký cam kết với các hộ kinh doanh trên địa bàn không không tiếp tay hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp cuối năm.

Được biết, để bảo đảm cung ứng hàng hóa cuối năm Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường 63 tỉnh, thành sẽ tập trung ngăn chặn hàng kém chất lượng tuồn vào thị trường tiêu thụ trong dịp Tết.

Với nhiều phương án chuẩn bị kỹ lưỡng của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sẽ được bảo đảm với giá cả bình ổn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân.

Tin cùng chuyên mục
SHB giành cú đúp giải thưởng tại Digital CX Awards 2024

SHB giành cú đúp giải thưởng tại Digital CX Awards 2024

SHB giành cú đúp giải thưởng “Trải nghiệm trên nền tảng số nổi bật nhất – hạng mục Nền tảng quản lý dòng tiền” và “Áp dụng công nghệ tốt nhất cho trải nghiệm số” tại Lễ trao giải Digital CX Awards 2024.