Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Bảo đảm sự đa dạng bản sắc văn hóa: Hiểu biết, thấu cảm và tôn trọng sự khác biệt (Bài 1)

Uông Thái Biểu - 14:50, 23/11/2021

Bảo đảm ứng xử công bằng, khoa học, trên tinh thần tôn trọng các giá trị văn hóa của các dân tộc là một yêu cầu hết sức cần thiết. Đồng thời, cần nghiêm khắc nhìn nhận, xử lý, ngăn chặn và dẹp bỏ tâm lý dân tộc hẹp hòi dẫn đến những định kiến, kỳ thị không đáng có trong một xã hội văn minh và một quốc gia lấy tinh thần đại đoàn kết toàn dân làm sức mạnh nội sinh.

Các dân tộc thiểu số Tây Nguyên được bảo đảm về quyền tộc người, quyền bảo vệ văn hóa tộc người (Trong ảnh: Vòng xoanh đêm hội)
Vòng xoang đêm hội


Trong Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam, tháng 4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt…” Người khẳng định: “Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta”. Đó là cơ sở để xác định xây dựng đất nước ngày càng văn minh, hiện đại, cùng phát triển trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau là khát vọng chung của 54 dân tộc anh em trong một đại gia đình…


Củng cố niềm tin, cộng cảm và hòa hợp

Với địa bàn cư trú trải rộng trên ba phần tư diện tích đất liền, cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm một phần bảy dân số quốc gia. Thành tựu trong việc đảm bảo quyền phát triển và phát triển văn hóa các DTTS là những minh chứng cụ thể về thúc đẩy quyền tộc người nói riêng và quyền con người nói chung tại Việt Nam. Trong đó, Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực thi nhiều chiến lược quan trọng nhằm đẩy mạnh sự nghiệp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, coi di sản văn hóa các dân tộc anh em là bộ phận quan trọng trong nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng.

Bên cạnh đó, cần khẳng định và nhận thức sâu sắc rằng, trong các cuộc chiến tranh, đồng bào các DTTS đã hy sinh biết bao xương máu cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong thời bình, các bản làng vùng cao, các tộc người anh em lại là những lá chắn thép tạo nên phên dậu vững bền của quốc gia. Trong nhiều năm qua, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bộ mặt nông thôn miền núi đã và đang đổi mới không ngừng, đời sống đồng bào có nhiều khởi sắc. Vấn đề dân tộc và chính sách đại đoàn kết các dân tộc là một vấn đề mang tầm chiến lược, cơ bản và lâu dài của toàn bộ sự nghiệp cách mạng. Vẫn biết rằng, do nhiều yếu tố, cuộc sống của một bộ phận đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, nhưng khát vọng rút dần khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi, tạo cơ hội phát triển bình đẳng các dân tộc là một lộ trình nhất quán. Những di sản, những tinh hoa văn hóa và niềm kiêu hãnh đại ngàn đang từng ngày được khôi phục và phát huy.

Đồng bào Dao thanh y (Quảng Ninh) trẩy hội (Ảnh TL)
Đồng bào Dao Thanh Y (Quảng Ninh) trẩy hội- (Ảnh TL)

Một lần nữa, chúng ta cần khẳng định, không có nền văn hóa lớn và nền văn hóa nhỏ, chỉ có các nền văn hóa khác nhau. Không có một chủ thể văn hóa nào có thể dùng sức mạnh để áp đặt các giá trị văn hóa của cộng đồng mình lên một chủ thể văn hóa khác. Đó là một mệnh đề cần được nhận thức đầy đủ và sâu sắc. Chúng ta hiểu rằng, sự khác biệt trong văn hóa giữa các dân tộc anh em đã tạo nên các giá trị bản sắc. Bản sắc là những nét độc đáo riêng có, là sự khẳng định lịch sử sinh tồn, phát triển và định danh mỗi tộc người trên bản đồ văn hóa của một quốc gia gồm nhiều dân tộc. Sự góp mặt của các tộc người trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam đã tạo nên một đất nước có nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, với những giá trị vô cùng quý báu và hấp dẫn.

 “Tấm thổ cẩm Tổ quốc” dệt bằng một bức tranh đa sắc mà những nét hoa văn sinh động là văn hóa các vùng, miền và các tộc người. Nền văn hóa Việt Nam giàu có chính là tấm “hộ chiếu” giới thiệu hình ảnh đất nước với cộng đồng văn hóa nhân loại. Chính vì vậy, sự khác biệt, bản sắc văn hóa của mỗi tộc người đều được khẳng định và cần phải được ứng xử một cách bình đẳng trên tinh thần tôn trọng.

Nếu chúng ta biết ghi nhận, đối thoại và lắng nghe thì các dân tộc anh em sẽ có cơ hội hiểu biết nhau hơn. Qua đó, củng cố niềm tin, sự cộng cảm, hòa hợp và đoàn kết cùng nhau phát triển trong tình đất nước, nghĩa đồng bào sâu nặng và rộng lớn.

Hạn chế các “cú sốc” văn hóa

Đã có hàng trăm định nghĩa, khái niệm về văn hóa, nhưng chúng tôi đồng tình với cách cắt nghĩa của nhà nghiên cứu Phan Ngọc do nhà văn Nguyên Ngọc dẫn lại: Văn hóa không phải là một “cái” mà là một “cách”. Cũng nghiêng về hướng lý giải đó, triết học gia người Pháp Jean Paul Sartre từng đưa ra mệnh đề “sống là lựa chọn”, lựa chọn và chịu trách nhiệm với sự lựa chọn ấy. Từ hệ quy chiếu này, chúng ta nhận thấy, các DTTS Việt Nam đã làm nên văn hóa bằng quá trình sống trong môi trường địa hình cảnh quan, không gian sinh tồn mà họ đã lựa chọn. Với quá trình cư trú lâu đời giữa miền thượng du, đại ngàn với tất cả những gì thuộc về nó đã quy định việc hình thành nên các giá trị văn hóa của các tộc người. Nói rõ hơn, cũng như cư dân đồng bằng làm lúa nước, cư dân duyên hải làm ngư nghiệp, các dân tộc anh em trên miền rừng núi đã liên tục trả lời cho các câu hỏi một cách có trách nhiệm về sự lựa chọn của mình bằng những đặc điểm, tập quán pháp riêng biệt.

Đồng bào Cơ Ho hòa tấu cồng chiêng
Đồng bào Cơ Ho hòa tấu cồng chiêng

Hầu hết đồng bào các DTTS cư trú ở vùng rừng núi. Rừng đã chi phối toàn bộ cuộc sống, cách sống, lối sống, kiểu sống của cư dân. Trong không gian của rừng (gồm năm loại: rừng cư trú, rừng làm rẫy, rừng sinh hoạt, rừng nghĩa địa, rừng thiêng), thì thiết chế xã hội cổ truyền, hệ thống tri thức bản địa, các tập tục, nghi lễ, kiến trúc, trang phục, nghệ thuật…hình thành. Những điều đó đã làm nên nét riêng, dấu ấn riêng, bản sắc riêng của mỗi tộc người. Nếu chúng ta tiếp cận hệ thống nhân sinh quan và thế giới quan của đồng bào với sự hiểu biết, thấu cảm sẽ ghi nhận được những hệ giá trị cực kỳ quý giá; nếu cảm quan hời hợt sẽ chỉ thấy vỏ hiện tượng bên ngoài về những sự “khác biệt”. Tâm lý định kiến, kỳ thị, lối nhìn áp đặt, lập luận phản bác và cách làm sai thường xuất phát từ yếu tố thứ hai…

Ví như, nhiều người với nhận định chủ quan và phiến diện, đã phê phán tục “ăn trâu” của một số dân tộc ở Tây Nguyên là dã man với động vật, là hành vi triệt tiêu sức kéo. Họ quên rằng, nếu không chỉ nhìn vào hiện tượng thì tập tục hiến sinh lâu đời này gắn liền với những giá trị thiêng liêng và nhân văn. Thông điệp chuyển tải tới thần linh trong nghi lễ “ăn trâu” là sự gửi gắm những khát vọng về mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, mong cầu sức khỏe và ý thức cố kết cộng đồng.

Ví như, do áp đặt chủ quan mà nhiều đặc trưng kiến trúc của đồng bào bị phá vỡ để thay bằng những dãy nhà bê tông đồng phục vô hồn, nhiều bến nước thiêng với “giọt nước” đầu nguồn trong lành đã bị chặn dòng. Cũng bởi lẽ khảo sát không thấu đáo mà rất nhiều nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng nên hết sức tốn kém nhưng vắng bóng người dân đến sinh hoạt, vì họ cảm thấy lạnh lẽo, xa lạ. Rất nhiều lễ hội “của đồng bào” nhưng ít có sự tham gia của đồng bào, vì hầu hết là lễ hội “diễn”, không còn mang tính bản nguyên thiêng liêng và sắc màu truyền thống của nó.

Trẻ em dân tộc Mông trong trang phục truyền thống của dân tộc (Ảnh Thanh Hà)
Trẻ em dân tộc Mông trong trang phục truyền thống của dân tộc (Ảnh Thanh Hà)

Chúng tôi đã từng dự khán một số lễ hội cổ truyền được ngành văn hóa các cấp phục dựng với những kịch bản sơ sài, sai sót về kiến thức dân tộc học, chắp nối và lẫn lộn văn hóa các sắc tộc. Tại các sự kiện này, nhiều già làng, trí thức và đồng bào DTTS có ý kiến phản biện nhưng hầu hết không được ghi nhận. Việc của những người tổ chức hình như chỉ là giải ngân và ghi hình tư liệu báo cáo. Chúng tôi cũng thắc mắc về một lễ hội lớn hằng năm ở Lâm Đồng là lễ hội thác Pongour vốn có từ xa xưa của đồng bào Cơ Ho bản địa, không hiểu sao nhiều năm gần đây, ngành văn hóa địa phương lại trao vai trò chủ thể cho đồng bào Thái vốn là tộc người mới di cư từ phía Bắc vào !?...

Nhân đây, nhớ lại hồi đầu năm 2018, lãnh đạo xã Pà Cò (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) đã “nhiệt tình” ban hành một văn bản thông báo cộng đồng người Mông bỏ tết riêng mà sẽ cùng ăn Tết Nguyên Đán chung với người Kinh. Lý do được xã này đưa ra là để giảm thiểu thời gian nghỉ ngơi và hạn chế tệ nạn. Xét về yếu tố hành chính, việc làm này ít nhiều có ý nghĩa tích cực, nhưng từ góc độ văn hóa thì đó là một ứng xử chưa thực sự khoa học, phù hợp. Chúng ta biết rằng, tết của người Mông (và nhiều tộc người khác) là di sản văn hóa, có nguồn gốc lịch sử và giá trị riêng của nó. Đồng thời, tết cổ truyền của đồng bào là một cơ hội thực hành văn hóa lớn nhất trong năm. Cái tết ấy là không gian thể hiện bản sắc tộc người với những lễ thức, trò chơi dân gian, giao lưu dân ca, dân nhạc, dân vũ. Gộp tết, có nghĩa là mất tết, cũng là dấu hiệu làm phai nhạt, dẫn đến triệt tiêu nhiều giá trị văn hóa tinh thần…

Trong bài viết này, chúng tôi không có ý liệt kê các vụ việc hay vấn đề thể hiện các “cú sốc” văn hóa. Ở đây, chỉ dẫn lại vài sự ứng xử chưa thật sự thấu đáo. Những ứng xử đó ít nhiều đã làm tổn thương đến một bộ phận đồng bào, họ cảm thấy bị phân biệt, đối xử và thiếu sự tôn trọng. Từ đó, sẽ dẫn đến tâm lý bị lấn át, mặc cảm, tự ti. Chuyện gộp tết Mông vào tết Kinh hay thay đổi chủ thể lễ hội cổ truyền không đúng bản nguyên là những ví dụ rõ nét. Thử đứng ở vị trí chủ thể văn hóa, sẽ cảm nhận sâu sắc rằng, những việc làm nói trên thật khó nhận được sự đồng thuận thực chất - như lý giải của những người có trách nhiệm…  (Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục
Lý Sơn (Quảng Ngãi): Tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

Lý Sơn (Quảng Ngãi): Tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

Ngày 24/4, Ban Khánh tiết Đình làng An Vĩnh, Lý Sơn (Quảng Ngãi) tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa để tri ân, tưởng nhớ những binh phu trong Đội Hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa đã có công khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.