Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Báo động tình trạng người dân bị rắn cắn ở Tây Nguyên

Hoàng Thùy - 15:53, 30/07/2021

Trong vòng hơn 1 tháng, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã tiếp nhận gần 100 trường hợp bị rắn cắn; trong đó có nhiều trường hợp nặng, thậm chí tử vong. Tình trạng này đang gióng lên hồi chuông báo động khi Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa.

Chị H’Ka Ba Niê đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vì bị rắn cắn
Chị H’Ka Ba Niê đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vì bị rắn cắn

Liên tục tiếp nhận bệnh nhân bị rắn cắn

Mồ côi mẹ từ lúc lọt lòng, sống cùng ông bà ngoại già yếu nên Y.M.K., dân tộc Ê Đê, học sinh lớp 2 trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, xã Ea M’Đroh, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) sớm phải phụ làm việc giúp ông bà. Sáng ngày 24/6/2021, Y.M.K. đang chăn bò ngoài đồng thì không may bị rắn độc cắn. 

Sự việc nhanh chóng được người thân phát hiện, đưa Y.M.K. đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên. Nhưng chất độc đã lan sâu vào cơ thể nên Y.M.K. tử vong chiều cùng ngày.

Tây Nguyên đã bước vào mùa mưa, mùa các loại côn trùng, rắn, rết, sinh sôi, phát triển. Mùa mưa cũng là thời điểm người dân tập trung chăm sóc cây trồng nên dễ bị rắn cắn. Hiện tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc - Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đang điều trị cho 10 bệnh nhân bị rắn độc các loại cắn với mức độ nặng nhẹ khác nhau.

Nhập viện gần nửa tháng vì bị rắn độc cắn, nhưng đến nay, anh Nguyễn Phương Nam, sinh năm 1988, trú tại huyện Đắk Mil (Đắk Nông) vẫn nằm thở máy. Theo hồ sơ bệnh án, anh Nam bị rắn cạp nia cắn khi đang làm rẫy và được người nhà đưa đến viện cấp cứu. Sau khi nhập viện, bệnh nhân diễn tiến xấu, suy hô hấp, liệt tứ chi phải thở máy… đến nay vẫn trong tình trạng nguy kịch.

So với anh Nguyễn Phương Nam, thì chị H’Ka Ba Niê, ở xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) may mắn hơn. Hơn 1 tuần trước, trong khi đang bẻ chồi cà phê ở rẫy, chị H’Ka Ba Niê bị rắn lục xanh đuôi đỏ cắn. Được người nhà đưa đến viện kịp thời, các bác sĩ dùng huyết thanh kháng nọc rắn điều trị nên không ảnh hưởng đến tính mạng. 

“Đang bẻ chồi cà phê, tay phải bị con gì cắn đau nhức, tôi tìm trên cây cà phê, thì thấy có con rắn lục xanh đuôi đỏ nên vội gọi người nhà đưa đi viện cấp cứu. Thật may mắn, giờ sức khỏe của tôi đang dần ổn định trở lại”, chị H’Ka Ba Niê cho biết.

Theo lãnh đạo Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc - Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, thời gian gần đây khoa liên tục tiếp nhận bệnh nhân bị rắn cắn, với mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 2 - 3 trường hợp bị rắn cắn.

Cần sơ cứu đúng cách

Trong số các bệnh nhân nhập viện cấp cứu, thì bệnh nhân bị rắn lục xanh đuôi đỏ cắn là nhiều nhất. Bởi loài rắn này thường ở trên tán lá cây trồng, nhất là cà phê. Rắn lục xanh đuôi đỏ cắn gây sưng nề vết cắn, rối loạn đông máu, chảy máu rất nhiều. Ngoài rắn lục xanh đuôi đỏ, Tây Nguyên còn nhiều loài rắn độc khác như rắn cạp nong, cạp nia, rắn hổ mang, hổ đất… 

Khi bị các loại rắn này cắn mà không phát hiện, điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao. Ngoài ra, còn có một loại rắn nữa rất độc, thường xuyên gặp là rắn chàm quạp. Loại rắn này chưa có huyết thanh chống độc, nên khi bị cắn thường gây rối loạn đông máu nặng, tỉ lệ tử vong cao…

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Trịnh Hồng Nhựt, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc - Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, cho biết: Hầu hết các trường hợp bị rắn độc cắn, nọc độc sẽ gây liệt cơ, dẫn đến suy hô hấp, nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời nguy cơ tử vong rất cao. Đặc biệt, rất nhiều người dân áp dụng kinh nghiệm dân gian chích hút nọc độc, đắp lá… dẫn đến cấp cứu muộn, điều trị khó khăn gây nguy hiểm cho bệnh nhân. 

Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ điều trị bằng nhiều phương pháp như: Sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn, thở máy để bảo đảm hô hấp, lọc máu liên tục để điều trị suy đa tạng, dùng kháng sinh để phòng bội nhiễm vi khuẩn; đồng thời, sử dụng huyết thanh SAT để phòng uốn ván, chống đau, giảm phù nề, điều chỉnh các rối loạn đông máu.

Bác sĩ Nhựt khuyến cáo, người dân nên phát quang bụi rậm quanh nhà, không nên trồng giàn hoa, dây leo ở trước sân nhà. Khi đi làm nương rẫy nên đội mũ rộng vành, mặc quần áo dài, đi giày cao cổ, dùng gậy khua đuổi rắn mỗi khi vào rừng, đi làm nương rẫy. 

Tuyệt đối không tìm đắp các loại lá cây hoặc bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian để sơ cứu khi bị rắn cắn. Nếu không may bị rắn độc cắn, người bệnh cần hết sức bình tĩnh, hạn chế vận động, đi lại, nhanh chóng vệ sinh, sát khuẩn vết thương bằng xà phòng và nước sạch, băng ép cố định, khẩn trương đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu ban đầu, rồi chuyển đến bệnh viện sớm nhất có thể.