Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Bão số 9 đi qua: Tan hoang “vàng trắng” Nam Đông

PV - 15:14, 31/10/2020

Tại huyện miền núi Nam Đông, mưa bão đã làm hơn 400 ngôi nhà bị tốc mái, trên 2.000 ha rừng keo và gần 1.500 ha cây cao su đang thời kỳ khai thác mủ bị đổ gãy.

Cao su gãy đổ hàng loạt
Cao su gãy đổ hàng loạt

Hoàn lưu bão số 9 quét qua huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế, gây thiệt hại nặng nề. Tại huyện miền núi này, mưa bão đã làm hơn 400 ngôi nhà bị tốc mái, trên 2.000 ha rừng keo và gần 1.500 ha cây cao su đang thời kỳ khai thác mủ bị đổ gãy. Đây là lần thứ hai bão tàn phá cây cao su trên địa bàn huyện, khiến người dân ở Nam Đông điêu đứng.

Bão tan, bà Nguyễn Thị Hoa, ở thôn Xuân Phú, xã Hương Phú, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế chặt dọn vườn cao su bị đổ ngã sau bão mà rơm rớm nước mắt. Mấy năm nay, cả gia đình sống nhờ vào vườn cao su hơn 1 ha và 2 ha rừng keo. Giờ đây, tất cả đã cuốn theo gió bão. Khi nghe tin bão số 9  đổ bộ vào, suốt đêm bà không sao chợp mắt được. Bão vừa tan, bà Hoa chạy nhanh ra vườn cao su, thẫn thờ đứng nhìn cả vườn cây cao su đổ rạp, gãy ngang thân, ứa ra từng dòng nhựa trắng, chân tay bà bủn rủn: “Tiếc chớ, dân lao động thì dựa vào cao su với keo, chừ gãy đổ hết rồi. Sống ở đây mấy chục năm rồi nhờ keo và cao su thôi. Chừ bão ri trắng tay".

Cây cao su ở huyện Nam Đông,Thừa Thiên Huế bị gãy do bão số 9
Cây cao su ở huyện Nam Đông,Thừa Thiên Huế bị gãy do bão số 9

Sau bão số 9, hàng loạt gia đình ở xã Hương Phú rơi vào cảnh trắng tay vì cao su gãy đổ hàng loạt. Toàn xã Hương Phú có 600ha keo và 300ha cao su bị bão quật gãy nát. Tại các xã Hương Xuân, Hương Sơn, Thượng Long… của huyện Nam Đông, các vườn cao su cũng bị thiệt hại nặng. Còn nhớ cơn bão Xangsane năm 2006 đã quật ngã gần 1.000ha cao su của huyện Nam Đông. Sau trận bão năm ấy, người dân trồng cao su bắt đầu khôi phục trồng mới, đến nay, cây cao su lại tiếp tục bị bão số 9 tàn phá nặng nề.

Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế kiểm tra cây cao su ở Nam Đông bị gãy đổ sau bão số 9
Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế kiểm tra cây cao su ở Nam Đông bị gãy đổ sau bão số 9

Ông Trần Bảo Thắng, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Hương Phú, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: "Cây cao su và cây keo, đây là 2 cây chính về thu nhập của bà con. Qua cơn bão thấy ảnh hưởng rất nặng nề đối với bà con trong thời gian tới đây".

Cao su là một trong những cây chủ lực của huyện Nam Đông với tổng diện tích 2.500ha. Loại cây này được xem là cây xóa đói giảm nghèo, giúp người dân vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, cứ sau một trận bão lớn cây cao su lại tổn thất nặng nề.

Ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, huyện chỉ đạo người dân tích cực khắc phục lại những vườn cây cao su bị ngã đổ: "Huyện đã tính toán đến việc nghiên cứu và đang vận động bà con chuyển sang mô hình trồng cam Nam Đông nhưng người dân cũng thấy lợi trước mắt thì họ đang trồng keo và cao su nhưng sau đợt bão số 9 này, tin tưởng rằng một số hộ đang còn lưỡng lự chắc chắn họ sẽ chuyển sang trồng cam, dứa và chuối trên địa bàn huyện. Và nếu trồng cam và trồng dứa thiệt hại cho bà con do bão giảm rất nhiều"./.


Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.