Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nghề nghiệp - Việc làm

Bảo tồn nghề đan võng gai của người Thổ

Đào Thọ - 09:35, 15/09/2020

Một trong những nghề được hình thành từ lâu đời và làm nên nét đặc sắc trong đời sống và sinh hoạt của đồng bào dân tộc Thổ ở Nghệ An là nghề đan võng gai. Nghề đan võng gai không chỉ mang lại thu nhập cho bà con mà còn là một di sản văn hóa phi vật thể đáng quý của người Thổ.

Mỗi chiếc võng gai thường được người thợ hoàn thành trong khoảng 30 ngày
Mỗi chiếc võng gai thường được người thợ hoàn thành trong khoảng 30 ngày

Chúng tôi tới làng Long Thọ, xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ vào một ngày nắng đẹp. Những sợi gai trắng muốt - nguyên liệu để làm võng được phơi đầy lối đi. Bước vào nhà bà Trương Thị Sửu khi bà đang tất bật cùng gia đình hoàn thành chiếc võng gai để giao cho khách hàng. Thấy khách lạ vào nhà, bà Sửu ngước mắt lên nói: “Võng hết rồi chú ạ. Làm được chiếc nào bán hết chiếc đó, chú sang mấy nhà bên cạnh xem họ có còn nữa không?”

Ngoài sân, ông Trương Công Tuân, chồng bà Sửu đang ngồi tước sợi gai cùng mấy đứa cháu. Ông Trương Công Tuân cho biết: “Những cây gai này chúng tôi phải trồng ở xa lắm. Làm nghề này vất vả lắm, mất thời gian nhất là khâu lột vỏ gai. Thân cây gai chỉ bằng chiếc đũa, khi lột vỏ phải kiên trì, khéo léo để không làm dây đứt thành từng đoạn nhỏ”.

Sợi gai sau khi bóc ra được đem phơi đủ nắng, sau đó mới chọn sợi và tết quai. Khâu quan trọng và khó khăn trong quá trình đan võng là định hình được phần đầu và phần đuôi võng. Ông Trương Công Tuân chia sẻ, nếu người làm không khéo, phần đầu và đuôi võng bị lệch nhau là phải tháo ra làm lại. Có những chiếc võng, ông và con trai phải chỉnh đi chỉnh lại nhiều lần mới hoàn thành.

Để hoàn thành một chiếc võng gai, nếu đan tranh thủ lúc rảnh rỗi thì cũng phải làm trong khoảng 1 tháng. Võng gai vừa mềm vừa mát, tạo cảm giác dễ chịu khi nằm nghỉ. Giá mỗi chiếc võng cũng khoảng 1 triệu đồng.

Những ngày nông nhàn rảnh rỗi, khắp các bản làng người Thổ lại nhộn nhịp cảnh người bóc vỏ, tước sợi, đan võng. Nhiều hộ gia đình làm võng gai ở xã Giai Xuân chia sẻ, vì là nghề truyền thống của cha ông nên gia đình họ phải giữ gìn chứ thu nhập từ nghề làm võng cũng không ăn thua, bởi đan thủ công nên mất rất nhiều thời gian, công sức.

Từ năm 2015, Chi hội Phụ nữ xóm Long Thọ đã thành lập Câu lạc bộ Đan võng gai truyền thống (CLB) với mong muốn duy trì và lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đến nay, CLB đã thu hút được 34 hội viên tham gia với đủ mọi lứa tuổi.

Tuy nhiên, do tính chất dệt thủ công nên các sản phẩm làm ra không nhiều, thu nhập mang lại cũng không đáng kể, trong khi đó, thị trường tiêu thụ lại chủ yếu chỉ quanh quẩn tại địa phương chứ chưa có đầu ra ổn định nên việc duy trì hoạt động sản xuất của các hội viên CLB rất khó khăn.

Bà Trương Thị Thống, Chủ nhiệm CLB Đan võng gai truyền thống xã Giai Xuân trăn trở: “Đan võng gai là nghề truyền thống của người Thổ. Tuy nhiên, hiện nay chỉ những phụ nữ luống tuổi đam mê với công việc này, còn thanh niên chẳng mặn mà gì vì thu nhập từ nghề dệt quá thấp”.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Anh Trâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tân Kỳ cho biết thêm: “Vài năm gần đây, chúng tôi thấy các mô hình dệt võng gai của chị em phụ nữ trên địa bàn hoạt động rất tích cực. Trong thời gian tới, Hội sẽ phối hợp với một số ban, ngành liên quan tiếp tục khảo sát các đơn vị lân cận để nhân rộng mô hình và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm võng gai. Về phía chính quyền địa phương cũng cần tăng cường quảng bá thương hiệu sản phẩm võng gai ra các thị trường khác nhằm giúp bà con có đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập”.

Vài năm gần đây, chúng tôi thấy các mô hình dệt võng gai của chị em phụ nữ trên địa bàn hoạt động rất tích cực. Trong thời gian tới, Hội sẽ phối hợp với một số ban, ngành liên quan tiếp tục khảo sát các đơn vị lân cận để nhân rộng mô hình và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm võng gai.”

Bà Nguyễn Thị Anh Trâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tân Kỳ