Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Thổ cẩm truyền thống trong thời hội nhập

Quý-Hiệp - 09:26, 03/08/2020

Sản phẩm thổ cẩm truyền thống thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa mỗi dân tộc. Tại tỉnh Hòa Bình, nghề dệt thổ cẩm không chỉ góp phần gìn giữ tinh hoa văn hóa đặc trưng của các dân tộc mà còn đang góp phần phát triển du lịch, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập, nghề dệt thổ cẩm truyền thống vừa phải giữ được hồn cốt, vừa phải sáng tạo để tìm chỗ đứng trên thị trường.

Thành viên HTX Bản Lác dệt thổ cẩm truyền thống
Thành viên HTX Bản Lác dệt thổ cẩm truyền thống

Xu hướng giả truyền thống

Có mặt tại thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) trong một chuyến công tác tháng 7 vừa qua, chúng tôi đến một cửa hàng tạp hóa bày bán đủ các loại trang phục dân tộc của đồng bào dân tộc Thái, Mường, Tày, Dao xen lẫn với quần áo hiện đại. 

Thực tế cho thấy, để làm ra các sản phẩm thổ cẩm truyền thống, cần chi phí và thời gian rất lớn. Bên cạnh đó, tại địa phương không có nguyên liệu cung ứng, dẫn tới mỗi sản phẩm truyền thống đều có giá thành rất cao (từ vài triệu cho đến hàng chục triệu đồng). Vì vậy, sản phẩm rất khó bán. Để bảo đảm được nguồn thu, nhiều chủ cửa hàng đã đưa thêm các sản phẩm giả truyền thống, sản xuất theo hướng công nghiệp, có giá thành rẻ hơn để phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Nhưng những sản phẩm công nghiệp thường có chất lượng kém, gây mất uy tín trong lòng du khách.

Các sản phẩm công nghiệp vừa rẻ, vừa dễ sản xuất có ưu thế hơn rất nhiều so với sản phẩm truyền thống. Tuy nhiên, việc đưa các sản phẩm công nghiệp ra thị trường đã vô hình chung đánh mất đi những giá trị cốt lõi của nghề dệt thổ cẩm nói riêng và những giá trị bản sắc văn hóa nói chung. Không chỉ vậy, vấn đề này khiến cho nguy cơ mai một nghề truyền thống ngày càng cao, khiến công tác bảo tồn và phát triển ngày càng khó thực hiện.

Theo ông Vũ Văn Đoàn, Chánh Văn phòng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình: “Thực trạng trên diễn ra tại địa phương thời gian qua là đúng và đang rất khó kiểm soát nguồn hàng. Do các sản phẩm làm theo phương pháp truyền thống có giá thành cao, thiếu nguyên liệu và tốn nhiều thời gian,... nên các hợp tác xã (HTX) không sản xuất số lượng lớn mà hầu hết chỉ làm theo hình thức gia công, đơn đặt hàng. Các cửa hàng thì nhập sản phẩm từ nơi khác về bán để lấy lợi nhuận. Bên cạnh đó, nguồn đầu tư cho các HTX hiện còn thấp, nên rất khó để phát triển nghề truyền thống và thu hút lao động gắn bó với nghề”.

Sáng tạo để tồn tại

Toàn tỉnh Hòa Bình hiện có 11 làng nghề truyền thống, trong đó có 6/11 làng nghề chuyên về dệt thổ cẩm. Sau khi được công nhận làng nghề, mỗi làng nghề sẽ được hỗ trợ 50 triệu đồng để duy trì, bảo tồn và phát triển, kèm theo đó là mức đầu tư kinh phí 300 triệu đồng/làng nghề để cải tiến máy móc, thiết bị... cùng nhiều chính sách ưu đãi cho việc phát triển làng nghề. Từ năm 2014 đến nay, Hòa Bình đã có trên 1 nghìn lao động được tham gia các lớp học, tập huấn, sản xuất tại các cơ sở làng nghề. Mặc dù số lượng làng nghề nhiều, cùng lực lượng lao động đông đảo, được hỗ trợ đầu tư lớn, nhưng hầu hết các làng nghề vẫn chỉ dừng lại ở mức giữ nghề, chưa thể phát triển trong xu thế hội nhập.

Theo bà Đỗ Thị Thắm, đại diện Chi Cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết: “Những năm qua, chúng tôi luôn quan tâm, hỗ trợ các HTX phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, nhưng những HTX được hỗ trợ vẫn chưa có sản phẩm nào đạt chuẩn OCOP. Trong khi đó, sản phẩm dệt thổ cẩm đạt 4 sao OCOP của tỉnh Hòa Bình lại đến từ HTX không được đầu tư”. 

Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi được biết, sản phẩm dệt thổ cẩm đạt OCOP 4 sao nêu trên là của HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình) do chị Lò Thị Dị đứng tên. “Tôi vay ngân hàng gần 1 tỷ đồng để hoạt động, phát triển sản phẩm. Tôi thuê những nghệ nhân dệt của các dân tộc về để sản xuất các sản phẩm đúng với truyền thống. Nghệ nhân người Mông thì nhuộm chàm và sáp ong ngay tại xưởng để thu hút khách du lịch”, chị Dị chia sẻ.

Bên cạnh việc dám nghĩ, dám làm, sản phẩm thổ cẩm của chị Dị còn mang tính sáng tạo với các họa tiết truyền thống kết hợp hiện đại. Chính sự sáng tạo độc đáo đó của chị Dị đã thu hút được nhiều nhà hàng, khách sạn tìm đến đặt mua sản phẩm. Trong đó có không ít các sản phẩm như chăn, ga, rèm thổ cẩm có giá lên đến hơn 10 triệu đồng/chiếc. Cũng chính những sản phẩm của HTX đã nâng tầm giá trị sản phẩm dệt thổ cẩm trong mắt du khách trong nước và quốc tế.

Có thể thấy, trong xu thế hội nhập, việc giữ gìn và phát triển nghề dệt là cần thiết. Đã đến lúc nghề dệt thổ cẩm truyền thống phải hướng đến sự phát triển, thích nghi với thời kỳ mới…

Thực trạng trên diễn ra tại địa phương thời gian qua là đúng và đang rất khó kiểm soát nguồn hàng. Do các sản phẩm làm theo phương pháp truyền thống có giá thành cao, thiếu nguyên liệu và tốn nhiều thời gian,... nên các hợp tác xã (HTX) không sản xuất số lượng lớn mà hầu hết chỉ làm theo hình thức gia công, đơn đặt hàng”.

Theo ông Vũ Văn Đoàn, Chánh Văn phòng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình