Tập trung nghiên cứu
Trong tiến trình phát triển, người Chăm đã xây dựng nên một nền văn hóa vật chất và tinh thần đặc sắc thể hiện dấu ấn rõ nét nhất trong nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc (các đền tháp, phù điêu, tượng thờ), phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo, ngôn ngữ, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, nghề thủ công (dệt, gốm)...
Ông Lê Xuân Lợi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận cho biết, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Chăm, từ năm 1993, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận được thành lập (sau này đổi tên thành Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm) đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu về nền văn hóa Chăm và văn hóa các dân tộc khác có liên quan với người Chăm qua sự tiếp biến, giao lưu văn hóa qua các thời kỳ.
Qua 27 năm nghiên cứu, cán bộ của Trung tâm đã phối hợp với các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đã tiến hành nhiều chuyên đề nghiên cứu sâu về văn hóa Chăm, sưu tầm, phục chế trên 1.500 hiện vật; trong đó có nhiều hiện vật gốc được đưa vào trưng bày giới thiệu tại chỗ bao gồm: Công cụ lao động sản xuất, dụng cụ sinh hoạt, sản phẩm và vật dụng nghề thủ công truyền thống, trang phục, trang sức, phương tiện vận chuyển, tranh, tượng, nhạc cụ, thư tịch cổ và các cổ vật.
Về tư liệu, Trung tâm xây dựng hệ thống phòng đọc hơn 1.400 bản sách, tư liệu chuyên khảo phục vụ công tác nghiên cứu, tư liệu thô lưu trữ về văn hóa Chăm trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Bình Thuận, Bình Định, Phú Yên… Bên cạnh đó, Trung tâm còn có một số chuyên đề nghiên cứu về văn hóa người Raglai, Chu ru, K’ho, Chăm H’roi... Với nguồn tư liệu phong phú và đa dạng, hằng năm, Trung tâm phối hợp với các đơn vị, nhà sưu tập cổ vật tổ chức nhiều cuộc trưng bày, triển lãm chuyên đề phục vụ các ngày lễ, ngày hội văn hóa người Chăm và các dân tộc khác.
Nổi bật trong hoạt động nghiên cứu của Trung tâm cùng sự đóng góp của giới trí thức người Chăm, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã được nghiên cứu, nhận diện, xuất bản thành sách như: “Văn hóa phi vật thể người Chăm Ninh Thuận”; “Truyện cổ và truyền thuyết dân gian Chăm”; “Lang Likuk - Tiền tố tiếng Chăm”; “Trò chơi dân gian người Chăm Ninh Thuận”...
Đồng thời, qua nghiên cứu nhiều di sản văn hóa vật thể cũng đã được bảo vệ và phát huy giá trị, đặc biệt là tháp Po Klong Garai, tháp Hòa Lai, lễ hội Katê, nghệ thuật làm gốm làng Chăm Bàu Trúc được xếp hạng di tích, di sản văn hóa cấp quốc gia. Bên cạnh đó, tỉnh đã hoàn tất thủ tục kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét đưa "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Ông Lê Xuân Lợi cho biết thêm, bên cạnh thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học, Trung tâm còn là cầu nối giới thiệu, quảng bá nền văn hóa Chăm tới du khách trong và ngoài nước. Trong không gian tòa nhà hai tầng của Trung tâm, các cổ vật, hiện vật, hình ảnh và các mô hình tiêu biểu về nền văn hóa Chăm được trưng bày logic, khoa học, dễ hình dung giữa văn hóa vật thể và phi vật thể của người Chăm Ninh Thuận. Thông qua các hình ảnh, hiện vật và các cổ vật quý giá, người xem có cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu về mối quan hệ khăng khít giữa các tộc người ở Tây Nguyên, người Việt, người Chăm diễn ra từ nhiều thế kỷ trước.
Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập và phát triển hiện nay, việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc nói chung và đồng bào Chăm nói riêng đang tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức. Với tốc độ phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, vùng miền đang có những tác động không nhỏ đến đời sống văn hóa của đồng bào Chăm về các mặt: Ngôn ngữ, phong tục tập quán, kiến trúc, nhà ở, trang phục dân tộc, nghệ thuật truyền thống, ẩm thực, lễ hội, các làng nghề... dẫn đến một số yếu tố văn hóa phải thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới, một số yếu tố văn hóa đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền; do đó Trung tâm đang tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu một cách toàn diện để làm cơ sở khoa học tham vấn, kiến nghị các các cấp, ngành có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Chăm, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Bảo tồn và phát huy các giá trị
Đặt trong tổng thể vừa bảo tồn vừa phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc nói chung và văn hóa đồng bào Chăm nói riêng, theo ông Hồ Sĩ Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận, tỉnh đang tập trung triển khai đồng bộ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, tạo điều kiện để bà con phát triển kinh tế, mở rộng giao lưu, học hỏi, đồng thời phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Thời gian tới, tỉnh nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; củng cố, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực nghiên cứu văn hóa Chăm; thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật, chính sách về di sản văn hóa, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị di sản của địa phương.
Cụ thể, Sở chỉ đạo Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm phối hợp các đơn vị nghiên cứu văn hóa chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch sưu tầm, khảo sát, nghiên cứu giải mã các biểu trưng văn hóa, nét đẹp trong tục đời sống, lễ hội để phục dựng bảo tồn đúng cách, nguyên vẹn những giá trị văn hóa gốc cũng như định hướng phát huy những giá trị văn hóa tích cực. Trong đó, Sở chú trọng bảo tồn di sản dựa vào cộng đồng dân cư bản địa trên cơ sở đem lại lợi ích cho người dân từ chính di sản mà bà con đang sống cùng, đang bảo vệ.
Cùng với đó, Ninh Thuận tăng cường giới thiệu những di sản văn hóa, văn nghệ dân gian tiêu biểu của người Chăm thông qua tổ chức trưng bày, giới thiệu các chuyên đề văn hóa, di vật gắn với di tích, các buổi biểu diễn nghệ thuật âm nhạc, dân vũ trong các sự kiện của tỉnh để giới thiệu rộng rãi tới công chúng và du khách. Đồng thời, tỉnh tạo điều kiện để đội ngũ trí thức, người có uy tín, nghệ nhân người Chăm tập trung nghiên cứu và phát triển tiếng nói, chữ viết của đồng bào; khuyến khích sưu tầm, biên soạn, dịch thuật các tác phẩm văn học nghệ thuật, diễn xướng dân gian...
Với đặc trưng là vùng đất mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm, trong năm 2021, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh phát triển văn hóa du lịch thông qua việc tăng cường huy động các nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; kết hợp triển khai đồng bộ các dự án phục hồi, tu bổ, tôn tạo di tích nhằm phục vụ nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của nhân dân.
Song song với đó, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng các tour, tuyến từ Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm gắn với các di tích, làng nghề dệt Chăm Mỹ Nghiệp, làng gốm Bàu Trúc với các danh lam thắng cảnh để tạo sức hút mới thu hút du khách, nhằm phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa của người Chăm trong đời sống xã hội, xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa đặc thù của địa phương./.