Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Bảo tồn và phát huy giá trị nhạc cụ truyền thống dân tộc Chăm

Thái Tuyên - 09:22, 20/07/2024

Dân tộc Chăm có nhiều loại hình văn hóa phi vật thể hàm chứa những nội dung phong phú, chuyển tải các phương diện rõ nét về xã hội, con người và phản ánh trung thực các hiện tượng xã hội, phong tục tập quán và ước mơ của con người về một xã hội tốt đẹp thông qua diễn trình của lễ hội. Trong đó, nhạc cụ truyền thống đóng vai trò rất quan trọng trong sinh hoạt văn hóa, tôn giáo và tín ngưỡng của người Chăm.

Biểu diễn nhạc cụ truyền thống trong Lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư
Biểu diễn nhạc cụ truyền thống trong Lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư

Nhạc cụ truyền thống của người Chăm bao gồm trống ginang, trống baranưng, kèn saranai, đàn kanhi, chiêng, lục lạc… Riêng trống ginang giữ vai trò chủ đạo trong hệ thống Lễ hội Rija, hiện đang được lưu giữ và phát huy tại các làng Chăm theo đạo Bàlamôn và Bàni. Bà con quan niệm âm vang rộn ràng, sôi động của trống ginang sẽ xua đi những điều xấu xa, xui xẻo của năm cũ và cầu mong năm mới được thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân sinh vật thịnh, làng xóm yên vui như ý nghĩa của Lễ hội Rija Nâgar (Lễ Đạp lửa đầu năm).

Khi sử dụng ba loại nhạc cụ trống ginang, trống baranưng và kèn saranai, ta sẽ thấy kèn saranai ở trên tượng trưng cho phần đầu, mặt và hơi thở lời nói, trống baranưng ở giữa là phần bụng, trống ginang đặt chéo hình chữ X là đôi bàn chân, tạo nên một hình thể con người hoàn chỉnh, không thể thiếu trong tín ngưỡng tôn giáo của người Chăm. Với vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng tâm linh như thế, nên trước đây đa phần trong mỗi gia đình, tộc họ theo chế độ mẫu hệ của người Chăm, hầu như nhà nào cũng có một cặp trống ginang và baranưng treo trong nhà, nhất là tộc họ có chức sắc Mâduen (thầy vỗ) và Ka-ing (thầy múa lễ).

Ban Tổ chức và học viên tại Lễ bế mạc Lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống dân tộc Chăm tại xã Phú Lạc
Ban Tổ chức và học viên tại Lễ bế mạc Lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống dân tộc Chăm tại xã Phú Lạc

Tuy nhiên, hiện nay các nghệ nhân am hiểu, nắm giữ vốn nhạc cụ truyền thống trong cộng đồng người Chăm ở Bình Thuận ngày càng khan hiếm dần và đang đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền theo thời gian. Thế nhưng, việc truyền dạy những tri thức liên quan đến nhạc cụ truyền thống Chăm cho thế hệ trẻ lâu nay vẫn chưa có dự án của ngành chức năng quan tâm thực hiện. Năm 2011, Nghệ nhân Ưu tú Lâm Tấn Bình đã mở 1 lớp truyền dạy cách đánh trống ginang và thổi kèn saranai tại huyện Bắc Bình theo phương pháp mới (ký xướng âm). Lớp học đã đào tạo được 20 học viên biết đánh trống ginang và 4 học viên thổi kèn saranai. Còn nghệ nhân biết sử dụng và nắm giữ kỹ thuật chế tác nhạc cụ truyền thống ở các làng Chăm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Đồng bào Chăm biểu diễn nhạc cụ truyền thống trên tháp
Đồng bào Chăm biểu diễn nhạc cụ truyền thống trên tháp

Xác định được tầm quan trọng đó, năm 2024, triển khai thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719), Bảo tàng tỉnh Bình Thuận phối hợp với các địa phương trong tỉnh triển khai 6 lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống dân tộc Chăm. Cụ thể, 1 lớp tại xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc; 3 lớp tại các xã Phan Thanh, Phan Hiệp, Phan Hòa, huyện Bắc Bình; 2 lớp tại các xã Phú Lạc, Phong Phú, huyện Tuy Phong, đã cấp giấy chứng nhận cho 69 học viên tham gia học nhạc cụ dân tộc. Riêng 3 lớp ở huyện Bắc Bình dự kiến sẽ triển khai truyền dạy trong tháng 7/2024 với số lượng đăng ký tham gia là 60 học viên.

Các lớp truyền dạy đã góp phần rất lớn cho địa phương trong việc kịp thời ngăn chặn nguy cơ mai một, làm tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị nhạc cụ truyền thống của đồng bào Chăm nói riêng và di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS tỉnh Bình Thuận nói chung.

Vừa qua, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận phối hợp với các địa phương trong tỉnh triển khai 6 lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống dân tộc Chăm; đã cấp giấy chứng nhận cho 69 học viên tham gia học nhạc cụ dân tộc. Riêng 3 lớp ở huyện Bắc Bình dự kiến sẽ triển khai truyền dạy trong tháng 7/2024 với 60 học viên.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.