Đây là một trong những nội dung thuộc Dự án 6 “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 tại tỉnh Bình Thuận.
Trong thời gian 20 ngày, các học viên được Nghệ nhân Ưu tú Lâm Tấn Bình và những người am hiểu nghệ thuật truyền thống dân tộc Chăm truyền đạt các kiến thức cơ bản, thực hành, biểu diễn trên trống ginang, kèn saranai.
Kết thúc khóa học, lãnh đạo Bảo tàng tỉnh và các nghệ nhân truyền dạy đánh giá cao sự nỗ lực của tất cả người học. Dù trong thời gian ngắn nhưng hơn 90% học viên trẻ đều đạt yêu cầu đặt ra, nắm được cách vỗ ginang để tạo ra 4 thang âm chính hỗ trợ cho kỹ năng hòa âm rất nhuần nhuyễn và độc đáo theo từng điệu thức của nó.
Đây là cơ sở để tin rằng nhạc cụ truyền thống Chăm trong toàn tỉnh nói chung và xã Hàm Trí nói riêng sẽ có những lực lượng nghệ nhân trẻ kế thừa phục vụ cho phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa, góp phần bảo tồn, phát huy nét truyền thống văn hóa đặc sắc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và phát triển du lịch tỉnh.
Tại Lễ bế mạc, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận đã trao giấy chứng nhận hoàn thành khóa học cho 21 học viên. Đồng thời mong các học viên tiếp tục cùng nhau ôn luyện, nhất là vào các dịp lễ Rija tại địa phương để nắm giữ theo hướng bền vững, trước thực trạng nguy cơ mai một loại hình nhạc cụ truyền thống Chăm hiện nay.
Lớp học được tổ chức nhằm góp phần kịp thời đào tạo lực lượng nghệ nhân trẻ kế thừa, làm tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy vốn loại hình nhạc cụ truyền thống Chăm trước thực trạng đang có nguy cơ mai một tại các làng Chăm trong tỉnh hiện nay.