Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Bảo tồn văn hóa truyền thống qua góc nhìn về chính sách đối với nghệ nhân: Cơ hội mới, động lực mới (Bài cuối)

Lê Hường - Ngọc Thu - 10:17, 17/07/2023

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), các địa phương đang bắt tay vào việc xây dựng, triển khai chính sách hỗ trợ nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân Ưu tú trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận. Nguồn lực từ chính sách có ý nghĩa, là động lực để phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ nghệ nhân đối với công tác bảo tồn, lan tỏa giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc.

Nghệ nhân ưu tú Y Zam Êban và học trò biểu diễn nhạc cụ dân tộc, hát dân ca
Nghệ nhân ưu tú Y Zam Êban và học trò biểu diễn nhạc cụ dân tộc, hát dân ca

Mong muốn của nghệ nhân

Nhìn nhận tầm quan trọng về văn hóa dân tộc, đánh giá cao vai trò của của nghệ nhân trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống xã hội, Chương trình MTQG 1719 đã thiết kế riêng Dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch.

Dự án 6 gồm 19 nội dung, trong đó có nội dung xây dựng chính sách và hỗ trợ Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú người DTTS trong việc lưu truyền, phổ biến sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận. Đây sẽ là động lực, cơ hội để đội ngũ nghệ nhân phát huy hơn nữa vai trò của mình trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa..

Huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk có 7 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Dù chế độ ít ỏi, nhưng những năm qua, các nghệ nhân trên địa bàn huyện vẫn nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc.

Nghệ nhân Ưu tú Y Zam Êban là một trong số ít người thực hành thành thạo nhiều loại hình văn hóa truyền thống của người Ê Đê, như: Lời nói vần, hát sử thi, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng… Không những hết lòng gìn giữ những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc, nghệ nhân Y Zam còn truyền nhiệt huyết bảo tồn văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ. Một đời lưu giữ những nét đẹp văn hóa của người Ê Đê, năm 2022, ông Y Zam Niê, buôn Cuôr Đăng A, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk được công nhận Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể.

Chia sẻ với chúng tôi, nghệ nhân Y Zam bảo: Truyền thống cha ông để lại thì mình phải gìn giữ để còn trao lại cho thế hệ sau. Nhưng thế hệ trẻ bây giờ lo làm kinh tế, ít người mặn mà với văn hóa truyền thống. Mình vừa giữ gìn vừa tìm cách truyền dạy, rồi đưa đi biểu diễn trong các hội thi, hội diễn, liên hoan văn hóa văn nghệ quần chúng để khơi dậy đam mê trong thế hệ trẻ. Mình trao truyền bằng nhiều cách, nhưng chưa bao giờ đòi hỏi hỗ trợ vật chất. Nhưng nếu được hỗ trợ, thì nghệ nhân ai cũng sẽ rất mừng, vì có khoản tiền cố định hàng tháng để đỡ đần trang trải kinh tế và có thêm động lực để cống hiến nhiều hơn.

Đam mê các loại nhạc cụ dân tộc bằng tre nứa từ nhỏ, Nghệ nhân ưu tú Rơ Châm Tih ở làng Jút 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai không những sử dụng thuần thục nhiều loại nhạc cụ mà còn tự tay chế tác không ít nhạc cụ từ tre nứa. Ông cũng thường xuyên góp mặt trong đoàn nghệ thuật của Việt Nam đến nhiều nước biểu diễn như: Úc, Phần Lan, Campuchia, Vương quốc Anh… đem âm thanh mộc mạc phát ra từ quả bầu khô, ống lồ ô, tre nứa, khi trong trẻo, nhịp nhàng như tiếng chày giã gạo bên dòng suối róc rách dịu êm của nhạc cụ Tây Nguyên để trình diễn, mê hoặc khán giả.

Nghệ nhân ưu tú Rơ Châm Tih, người đưa nhạc cụ dân tộc ra thế giới
Nghệ nhân ưu tú Rơ Châm Tih, người đưa nhạc cụ dân tộc ra thế giới

Sau những lần công diễn, nghệ nhân Rơ Châm Tih vẫn luôn canh cánh trong lòng về bảo tồn văn hóa dân tộc trước cuộc sống hiện đại. Ông mong muốn con cháu đời sau sẽ tiếp tục giữ được nghề làm nhạc cụ dân tộc, gìn giữ văn hoá. Vì thế mà ông luôn sẵn lòng chỉ dạy để lưu giữ nét đẹp văn hóa này. 

Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện, gác hết lại những công việc thường nhật, mưu sinh để sống hết mình với văn hóa truyền thống. Người học không có động lực và người truyền dạy cũng không có thời gian, điều kiện để chỉ dẫn thì cũng khó có thể trao truyền. Nếu được hỗ trợ hàng tháng thì sẽ tốt hơn cho nghệ nhân”, Nghệ nhân Rơ Châm Tih cũng mong muốn.

Sớm thực hiện chính sách hỗ trợ

Theo ông Y Mang - Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, những năm qua, địa phương rất quan tâm đến việc gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống, các nghề truyền thống. Ngoài những lớp truyền dạy các loại hình văn hóa dân gian do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, huyện cũng phối hợp với các đơn vị mở lớp truyền dạy và mời các nghệ nhân ưu tú đứng lớp. Tuy nhiên, các khoản trợ cấp cho nghệ nhân ưu tú theo quy định hiện nay rất ít ỏi, trong khi đó trợ cấp cho nghệ nhân tham gia các dự án truyền dạy còn hạn chế. 

“Các nghệ nhân chia sẻ với tôi rằng, họ vẫn nỗ lực hết mình để gìn giữ, truyền dạy các di sản văn hóa cho các thế hệ mai sau, nhưng nếu có chế độ cố định hàng tháng để phụ giúp trang trải cuộc sống thì họ thỏa sức với đam mê”, ông Y Mang nói.

Nghệ nhân TP.Buôn Ma thuột trình diễn đám cưới truyền thống của người Ê Đê
Nghệ nhân Tp. Buôn Ma thuột trình diễn đám cưới truyền thống của người Ê Đê

Được biết, từ ngày 13/2/2023, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, trong đó có việc xây dựng chính sách hỗ trợ đặc thù chính sách cho các nghệ nhân, người tổ chức thực hành, trao truyền, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được ghi danh Danh sách của UNESCO.

Theo đó, mỗi Nghệ nhân Nhân dân được hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng, Nghệ nhân Ưu tú là 1,5 triệu đồng/tháng; nghệ nhân đang sinh hoạt hằng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng. Cùng với mức hỗ trợ theo nghị quyết này, các đối tượng trên vẫn được hưởng các khoản hỗ trợ theo quy định.

Tại Gia Lai, theo Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ - Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, những năm qua, ngoài việc thực hiện theo quy định trợ cấp sinh hoạt hàng tháng, bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng đối với Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn… tỉnh Gia Lai cùng các tổ chức, cá nhân còn trích kinh phí hỗ trợ nghệ nhân tham gia các buổi liên hoan cồng chiêng, cồng chiêng cuối tuần… Tuy nhiên, phần hỗ trợ kinh phí vẫn còn hạn hẹp.

Hiện nay, tỉnh Gia Lai đang lập kế hoạch để triển khai sớm việc hỗ trợ các nghệ nhân trên địa bàn tỉnh. Căn cứ vào nội dung hỗ trợ của Dự án 6, đối tượng được hưởng gồm Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thường trú tại Gia Lai, nghệ nhân tỉnh Gia Lai được huy động tham gia sinh hoạt tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội.

"Địa phương kỳ vọng, nguồn lực hỗ trợ từ Chương trình, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo niềm tin, động lực để các nghệ nhân cùng nhau đoàn kết giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung", Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ chia sẻ thêm.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.