Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tìm trong di sản

Bảo vệ di sản trước thách thức thảm hoạ thời tiết

Hồng Phúc - 17:48, 23/02/2021

Năm 2020 ghi nhận nhiều diễn biến thiên tai rất bất thường, cực đoan, xảy ra trên nhiều vùng, miền của cả nước. Khi biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, ngoài thiệt hại về người và của, chúng ta còn đối mặt với thách thức khi rất nhiều di sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí bị phá huỷ.

Khu di tích cố đô Huế mênh mông trong nước lũ
Khu di tích cố đô Huế mênh mông trong nước lũ

Di sản đang kêu cứu

Quần thể di tích Cố đô Huế có 29 điểm di tích, với gần 500 hạng mục công trình chủ yếu làm từ gỗ. Trong những đợt bão lũ năm 2020 vừa qua, nhiều điểm di tích thuộc Quần thể Di tích cố đô Huế bị xuống cấp nghiêm trọng. Tại Khu di sản Huế, nhiều điểm di tích nước lũ tràn vào, ngập sâu như: Di tích Nghinh Lương Đình, Cung An Định, Lầu Tàng Thơ… Các cổng vào khu Hoàng Cung Huế nước ngập cả mét. Nhiều di tích dọc sông Hương cũng bị ngập nặng.…

Theo các chuyên gia, khi mùa mưa kéo dài, lượng mưa trung bình năm cao, nhất là có những đợt mưa lớn kéo dài nhiều ngày sẽ khiến cho mái ngói bị thấm dột, bị tích nước, làm tăng tải trọng mái, các cấu kiện gỗ cũng bị thấm nước gây mục ruỗng, mối mọt dẫn đến nguy cơ sụp đổ cao hơn.

Không chỉ Huế, phố cổ Hội An (Quảng Nam) chìm trong biển nước khi hứng chịu lũ lụt;  Động Phong Nha trong Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) cũng không tránh khỏi những cơn ngập lụt vào mùa mưa thường niên; Khu di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu thuộc huyện Định Hóa (Thái Nguyên) ghi dấu nơi ở và làm việc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan của Đảng, Chính phủ đóng trụ sở trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp bị sạt lở, lũ quét tàn phá… là những hình ảnh khiến người xem phải xót xa trước di sản bị thiên tai tàn phá.

Đáng lo ngại, không ít di sản văn hoá thế giới được UNESCO công nhận cũng đang “run rẩy” trước thiên tai khi nằm ở các địa bàn thường xuyên xảy ra bão lũ.

Việt Nam có gần 4 vạn di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh phân bố khắp trên cả nước. Trước sự biến đổi phức tạp của thời tiết, nỗi lo về sự tồn vong của di sản là điều có cơ sở. Đặc biệt, đối với các di sản văn hóa ở vùng ven biển, ven sông, những vùng đất thấp, tác hại của biến đổi khí hậu càng phức tạp và nặng nề hơn: Mực nước biển dâng cao, bão xảy ra với tần suất dày hơn và cường độ lớn hơn, xói mòn và sạt lở đất... đang đe doạ tàn phá các công trình văn hóa.

Bảo tồn di sản, các công trình văn hoá không phải là vấn đề của riêng địa phương nào và đang ngày càng trở nên cấp thiết hơn.

Di sản tháp Chăm 900 tuổi ở Bình Định xuống cấp nghiêm trọng
Di sản tháp Chăm 900 tuổi ở Bình Định xuống cấp nghiêm trọng

Thích nghi thời tiết, chủ động bảo vệ

 Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến các di sản, cơ sở hạ tầng du lịch, hoạt động lữ hành, đặc biệt là tài nguyên du lịch, yếu tố nền tảng cho phát triển du lịch. Bảo vệ di tích, di sản trước thiên tai cũng là bảo vệ sinh kế cho người dân.

Vì vậy, cần nâng cao nhận thức chung về hiểm họa của thay đổi khí hậu đối với di tích không chỉ với ngành văn hoá mà cộng đồng cần có thêm năng lực để thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng ngừa kịp thời những rủi ro xảy ra đối với di sản văn hóa họ đang sở hữu. Muốn vậy, công tác tuyên truyền cho cộng đồng về rủi ro thiên tai, trách nhiệm mỗi người và công các nỗ lực phòng chống thiên tai phải được nghiên cứu, có tính bền vững, lâu dài chứ không chỉ mang tính phòng ngừa, đột xuất.

Theo GS.TS. Lưu Trần Tiêu, nguyên Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia, bên cạnh việc áp dụng những kinh nghiệm, phương pháp bảo tồn truyền thống và hiện đại như: Chống mối mọt, tu bổ các bộ phận bị hư hỏng, gia cường, gia cố, diệt trừ cây leo gây hại, bảo quản định kỳ..., cần nghiên cứu triển khai số hóa dữ liệu về di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh để có thể khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu mở phục vụ công tác quản lý và trao đổi thông tin.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực xã hội và bảo tồn di tích, các công trình văn hoá nói riêng. Vì vậy, cần ứng dụng và khai thác có hiệu quả các trang thiết bị khoa học, công nghệ hiện đại trong nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên.

Điển hình cho ứng dụng công nghệ mới vào di sản ở nước ta, là công trình số hóa 3D đình Tiền Lệ (huyện Hoài Đức, Hà Nội). Đây là công trình đầu tiên của Việt Nam được sử dụng công nghệ 3D scanning. Nhờ công nghệ này, giới nghiên cứu cũng như khách tham quan không chỉ được quan sát tổng thể di sản, mà còn được tìm hiểu từng chi tiết nhỏ nhất, từ những nét chạm khắc, từng thớ gỗ, vết nứt, vết ố trên tường, cho đến những viên ngói xô lệch hay có thể “bóc tách” các chi tiết, đo đạc các cấu kiện,… để qua đó có được hiểu biết sâu sắc về công trình.

Một điều đặc biệt cần lưu tâm là trước khi tu bổ di tích, di sản sau thiên tai cần phải cẩn trọng trong công tác nghiên cứu, điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích. Không ít bài học đau lòng ở nhiều địa phương nước ta trùng tu di sản mà như xây mới, sai lệch giá trị di tích, làm mất đi cái hồn của di sản văn hóa.

Các chuyên gia cho rằng, để “cứu” di sản, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của Ủy ban Di sản thế giới như: Lựa chọn hệ thống pháp lý đáp ứng việc thay đổi khí hậu; nghiên cứu đáp lại trước sự tăng nhanh của các yếu tố gây nguy hiểm như: Hỏa hoạn, khô hạn, lũ lụt nhằm hỗ trợ cho các kế hoạch quản lý tài sản; nghiên cứu tác động của thay đổi khí hậu đối với các di sản, công trình văn hoá.

Tin cùng chuyên mục
Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Tạo “sân chơi ” cho người trẻ (Bài 2)

Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Tạo “sân chơi ” cho người trẻ (Bài 2)

Thú chơi đồ cổ không chỉ góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ về những truyền thống tốt đẹp, những tinh hoa mà cha ông để lại. Chính vì vậy, việc tạo ra những sân chơi cho các nhà sưu tầm cổ vật và tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho hoạt động mua bán cổ vật sẽ giúp những người trẻ trở thành "cánh tay nối dài"của ngành di sản văn hóa nước nhà.