Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

“Bắt pen"để tìm cảm giác "phê" là hành động nguy hiểm

Minh Nhật - 10:25, 15/10/2024

Hiện nay "bắt pen" là từ khoá được lên xu hướng tìm kiếm trên mạng xã hội. Trong các video xuất hiện đa số là học sinh với hành động một người dùng tay ấn mạnh vào động mạch cảnh ở vùng cổ của người còn lại, người bị ấn có cảm giác lơ mơ, thiếu tỉnh táo, thậm chí ngất lịm đi cho đến khi được gọi mới tỉnh lại. Trào lưu "bắt pen" trên mạng xã hội không phải là "trò chơi" để có thể mạo hiểm, thử tìm cảm giác.

Bác sĩ cảnh báo việc dùng tay ấn vào cổ để ép động mạch cảnh trong 2 bên chỉ để tìm cảm giác ""phê" bị lịm đi, mất ý thức trong ít giây là những hành động nguy hiểm
Bác sĩ cảnh báo việc dùng tay ấn vào cổ để ép động mạch cảnh trong 2 bên chỉ để tìm cảm giác "phê" bị lịm đi, mất ý thức trong ít giây là những hành động nguy hiểm

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não - Bệnh viện Nhân dân 115 (TP. Hồ Chí Minh), cảnh báo như vậy sau thông tin nhiều bạn trẻ lan truyền trào lưu "bắt pen" trên mạng xã hội.

Với hành động này, BS Thắng phân tích việc cung cấp máu lên não bộ có 2 hệ thống mạch máu chính. Trong đó, 2 động mạch cảnh (tuần hoàn trước) chịu trách nhiệm 70%-80% nhu cầu của não bộ và động mạch sống - nền (tuần hoàn sau) chịu trách nhiệm 20%-30% nhu cầu máu còn lại.

"Các hệ thống mạch máu phía trước - sau và 2 bên được liên kết với nhau qua đa giác Willis (giống như vòng xoay giao thông) nhằm đảm bảo nhu cầu máu lên não luôn ổn định khi một bên bị sự cố. Bên cạnh đó, tại 2 động mạch cảnh trong đoạn cổ, còn có xoang cảnh có tác động điều chỉnh nhịp tim và huyết áp" - BS Thắng nói.

BS Thắng cảnh báo việc dùng tay ấn vào cổ để ép động mạch cảnh trong 2 bên chỉ để tìm cảm giác "phê" bị lịm đi, mất ý thức trong ít giây là những hành động nguy hiểm. Bởi ép chặt 2 bên động mạch cảnh sẽ gây giảm tưới máu não nghiêm trọng (do chịu trách nhiệm 70%-80% lượng máu lên não). Nếu bỏ tay nhanh, sẽ gây chóng mặt, ngất, mất ý thức thoáng qua. Trường hợp nếu ép quá lâu có thể gây đột quỵ do thiếu máu, đặc biệt khi đã có sẵn tình trạng tắc hẹp mạch máu trước đó (nhưng không biết); hoặc cũng có thể gây ra tổn thương não do hội chứng tăng tái tưới máu. Đặc biệt, việc ép cổ gây kích thích xoang cảnh có thể làm chậm nhịp tim, thậm chí ngưng tim.

"Trước đó, tôi cũng đã gặp một trường hợp một phụ nữ trẻ, nhập viện vì yếu nửa người. Khảo sát mạch máu cho thấy hình ảnh bóc tách động mạch cảnh trong. Khai thác bệnh sử trước đó, bệnh nhân chỉ bị cậu con trai bé bám vào cổ đòi bế. Đây là việc làm nguy hiểm cần phải ngăn chặn trên các mạng xã hội. Nó hoàn toàn không phải là "trò chơi" để có thể mạo hiểm thử tìm cảm giác. Các bạn trẻ có nhiều hoạt động vui chơi, tuy nhiên chớ "nghịch dại"" - BS nhấn mạnh.