Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

BĐBP Hà Giang thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị: Nhân rộng nhiều việc làm thiết thực, vì dân

PV - 16:15, 15/11/2018

Không chỉ bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, thời gian qua, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Giang đã và đang ra sức thi đua thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” bằng nhiều việc làm, hành động cụ thể, thiết thực.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Bản Máy giúp dân thu hoạch lúa Hè-Thu.

n bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bản Máy, xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) giúp dân thu hoạch lúa Hè-Thu.

Từ bốn năm trước, đối với người dân ở xã Xín Mần, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, hình ảnh người cán bộ biên phòng (BP) mỗi sáng dắt tay hai em bé người Mông đi từ đồn BP xuống trường học cách đó gần 3km, chiều đến lại đón về đơn vị đã không còn xa lạ. Giờ, cả hai cậu bé đó đã học lớp 9 trường THCS&THPT Xín Mần.

Trung úy Đỗ Trọng Tín, Đội phó Đội Vận động quần chúng, Đồn BP Xín Mần cho biết: Năm 2015, thực hiện Chương trình “Nâng bước em đến trường” do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động, qua khảo sát, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn BP Xín Mần được biết trên địa bàn có hai học sinh hoàn cảnh khó khăn, cần được giúp đỡ. Đó là em Vàng Củi Vu và Vàng Xuân Bình. Cả hai em đều sinh ra trong gia đình nghèo, bố mất sớm, mẹ đi lấy chồng bên Trung Quốc. Sau khi báo cáo Bộ Chỉ huy, Đồn BP Xín Mần đã quyết định nhận nuôi Vu và Bình ngay tại đồn. Các em được ăn ở, sinh hoạt, tập luyện như một “chiến sĩ nhí” ngay tại Đồn BP Xín Mần.

Vu và Bình giờ đã khôn lớn và trở thành những học sinh ngoan của Trường THCS&THPT Xín Mần. Thầy giáo Hà Ngọc Tiến, giáo viên Chủ nhiệm lớp 9 của Vu và Bình cho biết: “Được dạy dỗ chu đáo, cả hai em Vu và Bình đều đã bạo dạn hơn trong sinh hoạt và học tập. Các em có ý thức kỷ luật cao, biết chia sẻ và giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh khó khăn khác trong lớp. Vu và Bình có được ngày hôm nay, công lớn thuộc về cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Xín Mần”.

Tại xã Tả Ván, huyện Quản Bạ, Thiếu tá Trừ Minh Tuấn, cán bộ Đồn BP Tùng Vài được tăng cường, giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã từ năm 2016. Với cương vị Phó Bí thư Đảng ủy, Thiếu tá Tuấn đã tham mưu cho chính quyền xã Tả Ván nhiều biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế-xã hội. Thiếu tá Tuấn còn tham mưu cho Ban Chỉ huy Đồn BP Tùng Vài và chính quyền xã Tả Ván vận động nhân dân tăng diện tích trồng ngô được 10ha; khai hoang, cải tạo hơn 14ha ruộng bậc thang; xếp đá mở rộng được thêm hơn 33ha nương. Hiện nay, ba thôn biên giới của xã Tả Ván có 7 Tổ tự quản đường biên, cột mốc với 97 hộ gia đình tham gia. Toàn xã xây dựng được 8 Tổ tự quản an ninh trật tự. Đời sống nhân dân trong xã từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo của Tả Ván đã giảm từ hơn 70% (năm 2015) xuống còn gần 59% (năm 2017). Vệ sinh, môi trường được đảm bảo; những hủ tục lạc hậu được xóa bỏ; an ninh biên giới được giữ vững.

Hay ở Đồn BP Nghĩa Thuận, đứng chân trên địa bàn huyện Quản Bạ, mô hình “Tủ sách pháp luật” được triển khai từ năm 2015. Mỗi năm học, cán bộ Đồn BP Nghĩa Thuận lại lựa chọn gần 100 cuốn sách, báo, tạp chí cho cô và trò trường PTDTBT Tiểu học xã Nghĩa Thuận. Những cuốn sách từ “Tủ sách quân dân” của Đồn BP Nghĩa Thuận không chỉ chứa đựng giá trị về kiến thức mà còn là tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ BP với dân bản và đặc biệt là cán bộ, giáo viên, học sinh ở đây.

Trung úy Sùng Văn Sinh, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn BP Nghĩa Thuận cho hay: “Với mô hình “Tủ sách quân dân”, chúng tôi mong muốn, thông qua các em học sinh, những kiến thức pháp luật, quy chế biên giới sẽ được thầy và trò nhà trường lĩnh hội và chia sẻ đến những người thân để cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”. Ba năm qua “Tủ sách quân dân” của Đồn BP Nghĩa Thuận đã phát huy giá trị, giúp thầy và trò cùng bà con dân bản có điều kiện tiếp cận với các văn bản pháp luật, những phương pháp làm kinh tế, từ đó áp dụng hiệu quả vào cuộc sống và sản xuất.

Theo Đại tá Lưu Đức Hùng, Chính ủy BĐBP Hà Giang: Qua hơn hai năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05, việc học tập và làm theo Bác ở BĐBP Hà Giang ngày càng rõ nét, cụ thể, đi vào chiều sâu. Nhiều chương trình được BĐBP Hà Giang triển khai có hiệu quả như: “Mái ấm biên cương”, “Nâng bước em đến trường”… Thông qua việc thực hiện Chỉ thị 05, xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Đại tá Lưu Đức Hùng cho biết thêm: Trong thời gian tới, lực lượng BĐBP Hà Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng và nhân rộng các cá nhân tập thể điển hình tiên tiến trong việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị gắn với “Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang”, quyết tâm xây dựng tuyến biên giới giàu đẹp, vững mạnh.

MINH THU

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.